Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra có nguyên nhân do tài xế uống rượu bia, gây bức xúc dư luận. Mức xử phạt hiện áp dụng đối với hành vi lái xe uống rượu bia, gây tai nạn làm chết người đang gây nhiều ý kiến tranh luận.
Những tài xế tông chết người đã phải lĩnh mức án nào?
Giữa năm 2012, khi xét xử tài xế 38 tuổi lái chiếc Toyota Fortuner tông chết 4 người cùng một gia đình ở TP.HCM, tòa sơ thẩm đã tuyên Nguyễn Vũ Thông (trú quận Bình Thạnh) 11 năm tù và bồi thường dân sự gần 1 tỷ đồng.
Mô phỏng hiện trường thảm khốc vụ xe Lexus lao vào đám tang làm 4 người chết ở Bình Định. Đồ họa: Hữu Nhân. |
Tại tòa, bị cáo khai nguyên nhân tai nạn do anh ta đã uống bia. Trên đường đi, vì ngủ gật nên tài xế mất lái, lao qua dải phân cách rồi va chạm với ôtô khác. Trong số 4 người tử vong, 2 bé trai tuổi đang còn nhỏ. 2 nạn nhân còn lại gồm nữ tài xế và bố đẻ chị này.
Tháng 11/2016, TAND huyện Tam Bình (Vĩnh Long) xét xử bị cáo Hồ Thanh Dũng (49 tuổi, quê Cần Thơ, lái xe cho Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang).
Trước khi hầu tòa, ông Dũng đi xe cơ quan về quê ăn đám giỗ. Uống rượu xong, người này trở lại nơi làm việc. Trên đường đi, ôtô do Dũng cầm lái tông chết 2 người đàn ông.
Tài xế không dừng lại mà chạy tốc độ cao rồi tông tiếp 2 phương tiện làm 3 người bị thương. Đi thêm 10 km, bị cáo đến Phòng CSGT Công an TP Cần Thơ trình diện. Với hành vi gây ra, Hồ Thanh Dũng lĩnh 3 năm tù.
Mới đây, tháng 8/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử Hoàng Văn Trường (25 tuổi, trú huyện Đại Từ) lái xe máy tông chết một CSGT.
Trước đó, Trường uống rượu rồi chở bạn đi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Thấy 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm và đi vào đường cấm, trung tá Trần Văn Vang (cán bộ Cục CSGT) ra chặn xe thì bị Trường tông tử vong.
Công an tỉnh Thái Nguyên ban đầu khởi tố bị can 25 tuổi về tội Chống người thi hành công vụ. Sau khi củng cố, cơ quan điều tra thay đổi tội danh sang Giết người. Từ đó, tòa tuyên bị cáo án chung thân.
Chiếc Mercedes GLA toác đầu sau khi tông chết 2 phụ nữ đi xe máy ở hầm Kim Liên (Hà Nội). Ảnh: Otofun. |
Vẫn chỉ là lỗi vô ý
Trao đổi với Zing.vn, một đại tá nguyên điều tra viên cao cấp thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) nhấn mạnh Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định chi tiết từng hành vi và khung hình phạt tương ứng đối với tội phạm liên quan tai nạn giao thông.
Ông cho rằng hậu quả chết người do tai nạn giao thông là sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Nếu không phải cố ý giết người do có dự mưu từ trước, thì hành vi của tài xế gây tai nạn là lỗi vô ý.
Vị này đánh giá không thể quy kết tài xế làm chết người khi tham gia giao thông là phạm tội cố ý hay vô ý giết người.
"Do đó, Điều 260 quy định các mức án tối đa 10 hay 15 năm tù đối với lỗi vô ý làm chết người là đã rất nghiêm", vị này nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, nguyên Chánh án tòa phúc thẩm Tòa án quân sự Trung ương, cho rằng trong các vụ án tai nạn giao thông, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì được coi là một tình tiết tăng nặng để lượng hình.
"Tăng hình phạt nhằm đủ sức răn đe nhưng với một hành vi xuất phát từ lỗi vô ý, án tù 8 hay 10 năm cũng không phải nhẹ", nguyên thẩm phán nhận định.
Ông khẳng định cần phải nghiên cứu kỹ để xác định đó là lỗi vô ý hay cố tình nhưng trước mắt, cần chấp hành quy định pháp luật hiện hành.
Cũng theo nguyên chánh án, việc xử phạt hành vi sử dụng rượu bia trước khi lái xe gây tai nạn chết người, ngoài phạt tù còn có bồi thường dân sự và các hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn chỉ do lỗi vô ý của người gây ra hành vi.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phạt nặng tài xế sử dụng rượu bia vẫn lái xe để ngăn những vụ tai nạn thảm khốc. Ảnh: An Huy. |
Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng thuộc Cục CSGT, đánh giá so với nhiều quốc gia, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người Việt quá dễ dàng.
Nhiều tài xế sử dụng rượu bia xong vẫn lái xe tham gia giao thông, không hề nghĩ đến người khác. Do đó, nhiều vụ tai nạn xuất phát từ rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc.
Theo thượng tá, CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn chỉ là phần ngọn. Cần một môi trường pháp lý chặt chẽ để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt sẽ không dám vi phạm.
Hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn có thể bị truy cứu về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, tài xế gây tai nạn làm chết 1 người bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 5 năm; làm chết 2 người thì bị phạt tù đến 10 năm; còn làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù cao nhất 15 năm.