Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt giam 2 sĩ quan thuộc Học viện Quân y để điều tra, làm rõ những sai phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan.
Các bị can gồm thượng tá Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự) và đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng phòng Trang bị, vật tư). Trước khi vướng lao lý, ông Sơn là chủ nhiệm đề tài “Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019".
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y tổ chức chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.
Đề tài trên được coi là kết quả đánh giá nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện gần 19 tỷ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021, song thực tế thực hiện đến tháng 10/2021.
Thượng tá Hồ Anh Sơn bị khởi tố về các tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ảnh: VGP. |
Các thành viên tham gia thực hiện chính đối với đề tài gồm 13 người thuộc Học viện Quân y, 4 người của Công ty Việt Á. Trong đó, bị can Phan Quốc Việt (cựu Tổng giám đốc Công ty Việt Á) là thành viên nghiên cứu đề tài.
Chia sẻ với báo giới với tư cách là chủ nhiệm đề tài hồi tháng 3/2020, thượng tá Hồ Anh Sơn cho biết đầu năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ mời các chuyên gia hiến kế ứng phó với dịch bệnh. Một trong những yêu cầu cấp bách hàng đầu lúc đó là phải nghiên cứu chế tạo kit xét nghiệm.
Theo ông Sơn, sau khi đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV, ngày 3/2/2020, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt đặt hàng nhiệm vụ này và yêu cầu 2 tuần có hàng thử nghiệm, sau một tháng phải có sản phẩm sử dụng.
Ông Sơn cũng có lần chia sẻ thông thường, một kit test phải mất khoảng 2 năm nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm trước khi sử dụng. Tuy nhiên, dịch bùng lên quá nhanh nên nhóm tham gia đề tài đã làm việc như những người lính ra trận, quyết đưa sản phẩm ra lưu hành sau một tháng làm việc.
Thời điểm đó, một số quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp cũng có bộ kit test nhưng ông Sơn cho rằng các sản phẩm chưa thực sự tối ưu, đạt chuẩn. Do đó, sau khi nhận đề tài, nhóm nghiên cứu khoảng 80 thành viên đã phải "ăn, ngủ cùng virus” không kể ngày đêm, chạy đua với thời gian để có sản phẩm.
Sản phẩm kit xét nghiệm ghi tên Công ty Việt Á. Ảnh: H.T. |
Ngày 4/3/2020, Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho bộ kit phát hiện SARS-COV-2. Lúc đó, ông Sơn cho rằng đây là sản phẩm do Việt Nam tự sản xuất có hiệu quả tương đương kit của Đức và kit của CDC Mỹ sử dụng.
Còn theo thông tin do Tổng cục Hải quan công bố ngày 20/1, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Việt Á đã nhập khẩu từ Trung Quốc 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2. Giá khai báo khoảng hơn 21.000 đồng/test. Tổng giá trị lô hàng là trên 64 tỷ đồng.
Tháng 12/2021, khi Bộ Công an khởi tố hàng loạt bị can là lãnh đạo Công ty Việt Á, thượng tá Hồ Anh Sơn lúc đó nói rằng sai phạm của doanh nghiệp này không liên quan đến quy trình nghiên cứu sản phẩm kit test tại Học viện Quân y.
Nói về việc Công ty Việt Á tham gia đề tài trên, tại họp báo ngày 5/3/2020 ở Hà Nội, trung tướng Đỗ Quyết (Giám đốc Học viện Quân y) cho biết khi đó, Việt Á có thể sản xuất khoảng 10.000 bộ kit mỗi ngày, khi cần thì tăng công suất gấp 3 lần. Ông Quyết cho rằng năng lực này đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế.