Thoạt nhìn bên ngoài tung lò mò có hình dáng giống như món lạp xưởng của người Kinh và người Hoa, nhưng khi tìm hiểu sâu vào bên trong, người thưởng thức sẽ nhận ra nhiều khác biệt. Tung lò mò là món ăn truyền thống của người Chăm An Giang, mà cộng đồng Chăm ở đây theo đạo Hồi nên không ăn thịt heo. Vì vậy, tung lò mò được tạo nên từ nhiều thành phần của thịt bò, không lẫn một chút thịt heo nào.
Nguyên liệu chính của món ăn này gồm ruột bò dùng làm bao bên ngoài, còn bên trong là thịt nạc trộn với mỡ được băm nhuyễn. Lẫn trong số thịt và mỡ này còn có tiêu, tỏi, cơm nguội và vài nguyên liệu truyền thống bí truyền của người Chăm. Sau khi quy trình chế biến nguyên liệu hoàn thành, tất cả sẽ được nén vào ruột bò và đem phơi ngoài nắng khoảng ba lần.
Ở An Giang, tung lò mò được ăn không như xúc xích còn tại Sài Gòn thì có thêm nước mắm, rau củ. |
Theo truyền thống, người Chăm thường nướng hoặc hấp tung lò mò. Còn tung lò mò tại quán Hẻm (đường Bùi Viện, quận 1, TP HCM) chỉ được nướng chứ không hấp. Khi từng khoanh tung lò mò được nướng lên thì lớp ruột bò bên ngoài căng cứng và rịn ra một lớp mỡ bóng và ướt, cùng một mùi thơm ngất ngây kích thích vị giác.
Ngoài tung lò mò, quán còn phục vụ nhiều món ăn ba miền và các thức uống mới lạ. |
Bên cạnh mùi thơm dậy mũi, tung lò mò còn hấp dẫn bởi vị béo mà không ngậy, vị bùi trộn lẫn một chút vị ngọt và chua. Nếu như ở miền quê An Giang người ta thường nướng tung lò mò và ăn không như người phương Tây ăn xúc xích, thì tại quán Hẻm người đầu bếp biến tấu thêm một chén nước mắm ớt đặc biệt có màu đỏ tươi và kẹo như mạch nha. Nước mắm có vị mặn pha lẫn một chút ngọt nhẹ nhàng và chút cay thoang thoảng, đi kèm với cà rốt, dưa leo, cải xoắn. Thường thực khách có thể ăn tung lò mò riêng hoặc là ăn kèm với vài lát bánh mì, hay cơm trắng.