Thùy Anh - Cô gái chơi đàn nhị
Tiếng đàn của Thùy Anh khi sôi nổi ngẫu hứng, khi ngọt sắc, sâu lắng, chất chứa đầy tâm trạng đã hoàn toàn chinh phục khán giả.
Đã vài lần thấy Thùy Anh cùng nhóm Cỏ lạ biểu diễn nhưng tôi thật sự bị cuốn hút khi nghe cô chơi đàn nhị trong đêm nhạc “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Tìm gặp mới biết Thùy Anh đã là giảng viên của trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và hành trình đến với cây đàn hai dây của cô cũng mang nhiều kỷ niệm...
![]() |
Dương Thùy Anh và cây đàn nhị |
Khi mới lên sáu tuổi, cha của Thùy Anh - một nhạc công kéo nhị của Dàn nhạc dân tộc Nhà hát ca múa nhạc Trung ương đã “ấn” cây đàn nhị vào tay cô con gái mà nói rằng: “Con hãy làm cho mọi người hiểu rằng đàn nhị không chỉ có âm thanh buồn mà có đầy đủ những cung bậc của cảm xúc”.
Lúc đó Thùy Anh rất ghét học và ở cái tuổi “vỡ lòng” ấy cô cũng chưa hiểu hết được những điều mà cha cô mong mỏi.
Mỗi ngày mấy tiếng cầm vĩ cưa đi kéo lại trên hai sợi dây đàn với những âm thanh nhàm chán, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nhưng cha của Thùy Anh vẫn kiên quyết muốn cô nối nghiệp cha.
Trong nhà, chị gái của Thùy Anh được học nhạc cụ Tây: violon, còn Thùy Anh, ông đã chọn cho cô một nhạc cụ dân tộc: đàn nhị. Lên 10 tuổi, Thùy Anh vào học tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và nhiều lần được đi biểu diễn cùng với cha.
Mặc dù vậy, Thùy Anh vẫn chưa thật sự say mê với cây đàn này bởi chính mắt cô đã từng chứng kiến nhiều người chối bỏ không muốn nghe mỗi khi giới thiệu đến tiết mục đàn nhị, chính tai cô đã từng nghe người ta nói rằng đây là cây đàn chỉ chuyên đi khóc đám ma và nó chỉ biết tấu lên những âm thanh buồn, âm thanh não nề của những điệu xẩm đường phố...
Nhưng rồi, khi mọi người càng thờ ơ, ác cảm với cây đàn nhị bao nhiêu thì Thùy Anh lại muốn khám phá nó bấy nhiêu, cô muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng đàn nhị không phải chỉ là nhạc cụ để đánh lên những khúc buồn thảm.
Chỉ với hai sợi dây đàn, không phím, không nốt, độ cao không rõ ràng nhưng nó lại tấu lên được đầy đủ những cung bậc cảm xúc của con người.
Thùy Anh cho rằng đàn nhị là một cây đàn mang tính kỹ thuật cao, rất khó chơi nhưng lại diễn tả được nội tâm tốt nhất trong các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.
Nếu như trong nhạc Tây, đàn violon thể hiện được cái da diết nhớ nhung của tình cảm thì trong nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đàn nhị hoàn toàn giãi bày được điều đó.
![]() |
![]() |
Càng khám phá, Thùy Anh càng thấy thương cây đàn nhị, tại sao nó hay đến thế, mà mọi người lại lạnh lùng và không để ý đến nó.
Và cho đến khi Thùy Anh thật sự cảm nhận rõ ràng về cây đàn nhị thì cũng là khi cha của Thùy Anh qua đời. ông mất sớm vì căn bệnh ung thư.
Sau khi cha mất, tiếng đàn của Thùy Anh cũng khác, nó như ẩn chứa nhiều tình cảm riêng tư và nhiều tâm sự hơn, nó là tiếng lòng của Thùy Anh.
Tiếng đàn của Thùy Anh bây giờ không còn hồn nhiên nhí nhảnh như xưa nữa mà tiếng đàn đã sâu hơn, dày hơn, nhiều tâm trạng hơn. Lúc buồn cô cũng đánh đàn, khi vui cô cũng tâm sự với cây đàn, và mỗi lần nhớ cha, cô lại càng thấm thía lời cha dặn thuở “vỡ lòng”.
Cây vĩ mà ngày trước Thùy Anh nhàm chán phải cưa đi kéo lại, giờ đây nó đã giúp cô tấu lên những âm thanh thổn thức của một đứa con gái bé bỏng trước người cha đã mất.
Trước khi mất, cha của Thùy Anh cũng đã kịp chứng kiến con gái mình giành giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 1998.
Tiếng nhị của Thùy Anh bây giờ không chỉ được nhiều khán giả Việt Nam biết đến mà nó đã đi đến nhiều nơi trên thế giới hoặc trong các sự kiện văn hóa lớn ở Việt Nam, tiếng nhị của Thùy Anh đều được vinh dự góp mặt.
Hiện Thùy Anh cũng đang có mặt tại Festival Huế để giới thiệu đến bạn bè trên khắp thế giới về nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam.
Và cũng để thực hiện lời dạy của cha, Thùy Anh đã ra một CD riêng mang tên “Ôi, đàn cò!” (đàn nhị còn gọi là đàn cò). Sở dĩ Thùy Anh đặt cho CD cái tên như vậy là vì đàn cò mang đến cho cô nhiều nỗi buồn, nhưng chính nó cũng mang đến cho cô những niềm vui.
Mỗi khi cô được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc, được nghe tiếng vỗ tay hưởng ứng từ phía khán giả, cô cũng thầm reo lên sung sướng từ trong sâu thẳm trái tim mình: “ôi, đàn cò!”.
Mỗi khi buồn vì xót thương thân phận thiệt thòi của đàn cò, vì người ta vô tình với tiếng đàn, xa lánh tiếng đàn, cô cũng khẽ thốt lên: “ôi, đàn cò!”.
![]() |
Trong CD này, với tiếng nhị sâu hun hút, khi vút lên trong suốt như pha lê, khi lại trầm ngâm tư lự được tấu lên trên nền nhạc hiện đại, Thùy Anh đã mang được những âm thanh của cây đàn hai dây đến gần với khán giả hơn.
Thùy Anh đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng, cây đàn “chỉ chuyên đi khóc đám ma” không phải chỉ kéo lên những tiếng ò e í ọ đơn giản và buồn tẻ, mà nó hoàn toàn có thể tấu lên được những khúc nhạc vui nhộn, ngẫu hứng.
Thùy Anh nói rằng nếu cha cô biết được việc này chắc ông sẽ là người vui sướng nhất, bởi thật bất ngờ, CD đã bán hết veo hàng nghìn bản và trung tâm sản xuất đang đề nghị tái bản.
Điều đó chứng tỏ rằng đã có nhiều người muốn nghe tiếng đàn nhị, nhiều người đã hiểu hơn về những cung bậc của cây đàn này. Thùy Anh đang cố gắng làm cái việc mà cha cô dặn khi “ấn” vào tay cô cây đàn năm 6 tuổi.
Cô đã làm được điều đó và vẫn đang tiếp tục làm điều đó. Việc Thùy Anh quyết định ở lại làm giảng viên tại ngôi trường mà cô đã từng học nhị cũng là để cô thực hiện mong mỏi của cha mình: Muốn cho mọi người hiểu hơn về cây đàn nhị.
Theo An Ninh Thủ Đô