Giọng hát nam tính của Tạ Quang Thắng, kết hợp cùng chất giọng trong, nhẹ nhàng của Thùy Chi mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ cho ca khúc đi cùng năm tháng. Là một thành viên trong hội đồng bình luận, thiếu tá quân đội Nguyễn Minh Cường chia sẻ: “Người lính lãng mạn nhất trong tình yêu cũng chính là người dũng cảm nhất khi ra chiến đấu. Tôi thấy chính mình, tình yêu rất lính khi nghe hai bạn trẻ hát ca khúc này”.
Dù vậy, NSND Thanh Hoa lại cho rằng chị chỉ thấy hai ca sĩ hát dễ thương chứ chưa thể truyền tải hết nét đẹp trong tình yêu, lý tưởng sống, quê hương đất nước như thời ca sĩ của thế hệ trước. Đồng quan điểm với Thanh Hoa, đạo diễn Lê Hoàng cũng nhận định, mỗi bài hát phải gắn liền với cái thần, như ca khúc này thể hiện ở sự tự hào. Nghe hai ca sĩ trẻ hát, đạo diễn chỉ thấy tình yêu trai gái, đối đáp, tỏ tình qua lại mà không thấy được cái tự hào, sang sảng của ngày xưa.
Tiết mục Gửi em ở cuối sông Hồng do NSND Thanh Hoa và con trai út - ca sĩ Tôn Thất Thái Sơn thể hiện cũng gây ra không ít tranh cãi.
NSND Thanh Hoa cùng con trai song ca ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng. |
Vẫn là ca khúc cũ, cách hát cũ nhưng bản phối hoàn toàn mới mẻ nhờ chất nhạc du dương, réo rắt của cây sáo gỗ làm điểm nhấn, đặc biệt là phần giang tấu (interlude) xuất sắc của nhạc sĩ Thanh Phương đã mang tới những cảm xúc đặc biệt cho khán giả xem hình.
NSND Thanh Hoa kể, kỷ niệm với ca khúc này thì nhiều nhưng bà nhớ nhất là lần hát cho các chiến sĩ ở Trùng Khánh. Biểu diễn trên hai chiếc xe tải quay đầu, cầm đèn pin chiếu vào mặt cho các chiến sĩ đủ thấy hình, vừa hát vừa lo đêm nay có pháo kích, hát lại rớt nước mắt vì thương các chiến sĩ trẻ như con trai bà bây giờ.
Dù được cả hai hội đồng bình luận lẫn tất cả khán phòng đứng dậy tán thường nồng nhiệt về cách thể hiện ca khúc nhưng phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái vẫn phê bình cách dàn dựng của ca khúc. Theo bà, rất thân nhưng bà vẫn phải nói thật, NSND Thanh Hoa không nên hát cùng con trai, đặc biệt hai mẹ con không nên hóa thân thành đôi vợ chồng như vậy. PGS Minh Thái chia sẻ, Thanh Hoa chỉ nên hát trên nền diễn xuất của con trai và nữ vũ công trẻ tuổi. Sự chênh lệch tuổi tác khiến người xem hình cảm thấy bị "kênh". Vẫn như thường lệ, ý kiến của PGS gặp phải sự phản đối của phía hội đồng trẻ tuổi. NTK Hà Linh Thư cho rằng, NSND Thanh Hoa và Tôn Thái Sơn là hai diễn viên, vào vai rất xuất sắc, thể hiện quá thành công ca khúc này.
Sau đêm nhạc, NSND Thanh Hoa bảy tỏ quan điểm: “Không nên nhìn, đánh giá nghệ thuật 'đời' như thế! Lên sân khấu, ngoài hát ca sĩ còn là diễn viên. Hơn nữa, nếu cảm nhận đúng hơn, khán giả sẽ thấy tôi chính là hình ảnh về già của cô gái mặc áo dài trắng, ngồi đan len chờ chồng đi chiến đấu trong phần dàn dựng của biên đạo múa Tấn Lộc. Hát đấy, giao lưu đấy nhưng đâu phải là thực mà đơn thuần chỉ là hát với hồi ức của sự chia cắt mãi mãi”.
Giai điệu tự hào số phát sóng tháng 8 cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên ca sĩ Mỹ Lệ biểu diễn ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh - tác phẩm để đời của cha cô trên sân khấu. Đồng thời, đây cũng là ca khúc mà ban tổ chức đã chọn làm chủ đề cho chương trình lần này. Qua 6 ca khúc song ca, Giai điệu tự hào số tháng 8 đã đưa khán giả tới những cảm nhận về tình yêu lứa đôi trải dài khắp mọi vùng miền của Tổ quốc.
Tình yêu bắt đầu từ miền núi trung du phía Bắc trong tác phẩm Trước ngày hội bắn; xuôi xuống miền lúa nước, đồng bằng ở Gửi em ở cuối sông Hồng. Mặc cái nắng gió miền Trung, tình yêu vẫn đơm hoa trong lao động ở Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Dù mưa bom, những nhớ nhung, rung động vẫn nảy nở dọc cung đường Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, tới tận phong trào thanh niên xung kích miền Nam trong tác phẩm Con kênh ta đào. Nói về tình yêu, Giai điệu tự hào muốn nhắc lại cả một thời kỳ lớp lớp thanh niên vừa lao động vừa vững vàng chiến đấu và vẫn cứ yêu nhau.