Thúy Hạnh: ‘Làm người mẫu bây giờ dễ quá’
“Cần phải có chứng chỉ cho người mẫu bởi làm người mẫu bây giờ dễ quá, ai cũng có thể làm được” – người mẫu Thúy Hạnh, Giám đốc chuyên môn của Elite bày tỏ.
>> Khi chân dài ra đường không dám xưng người mẫu
>> Thúy Hạnh ngọt ngào bên hai công chúa yêu
>> Hà Anh: 'Người mẫu Việt trẻ dễ đánh mất mình'
- Vừa qua, cơ quan công an liên tục phá nhiều đường dây người mẫu bán dâm với giá lên đến hàng nghìn USD. Chị có ý kiến như thế nào trước những thông tin như vậy?
- Nếu mà nói chỉ riêng trong giới người mẫu thôi thì rất oan. Vì các ngành nghề nói chung, nghề nào cũng có mặt trái, không chỉ riêng nghề người mẫu. Đó là tùy vào đạo đức của mỗi người. Dư luận không thể “vơ đũa cả nắm” là nghề người mẫu chuyên làm những việc như vậy. Vì nếu nghĩ thế, nghề này sẽ trở nên rất xấu xa.
Bản thân tôi và những người làm nghề chân chính cảm thấy rất bức xúc vì tại sao xã hội chỉ đổ lỗi cho những ngành nghề như vậy, mà không nghĩ rằng mỗi người đều bị tác động bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài. Đó là việc giáo dục từ gia đình và chính do nhận thức của mỗi con người, nhất là khi có một số người chỉ mong có cuộc sống an nhàn, ngồi không mà hưởng thụ.
- Hiện nay, nhiều người đặt hoài nghi về việc nhiều người mẫu có xe xịn, nhà lầu… trong thời gian quá ngắn. Theo chị, sự hoài nghi này có cơ sở?
- Theo tôi thì phải hoài nghi là tại sao những người như vậy lại làm người mẫu. Ai cấp chứng chỉ để họ hành nghề người mẫu? Ai công nhận là người mẫu? Hay chỉ cần xinh một chút, cao một chút là có thể tự nhận mình là người mẫu.
- Có phải nguyên nhân một phần vì việc được gọi là người mẫu, diễn viên quá dễ dàng. Chỉ cầm tham gia một bộ phim, một show diễn là đã thành diễn viên, người mẫu?
- Tôi đang có kiến nghị với Cục Nghệ thuật biểu diễn là phải có cấp chứng chỉ cho người mẫu và người mẫu phải có cơ quan quản lý. Ví dụ, những người mẫu làm việc cho các công ty, công ty nào quản lý phải chịu trách nhiệm về người mẫu đó trong công việc. Ngoài công việc thì là quyền riêng tư của mỗi người.
- Trong công việc, nếu cô người mẫu đó được cấp chứng chỉ thì mới được hành nghề người mẫu. Tại sao bây giờ có quá nhiều việc như vậy mà Hiệp hội người mẫu không quản lý được. Hiệp hội người mẫu ở đâu?
- Hiệp hội người mẫu phải có trách nhiệm quản lý với tất cả những người mẫu tự do, còn những người nào tự xưng danh người mẫu mà không được cấp chứng chỉ thì xã hội không công nhận. Và những người này đừng có mang danh “người mẫu” ra để làm xấu những người mẫu chân chính.
Ai cũng nhận mình là người mẫu thì hóa ra giờ làm người mẫu dễ quá. Tôi không thể đếm được ở Việt Nam có bao nhiêu người mẫu như thế.
- Như chị nói thì Hiệp hội người mẫu chưa làm tròn trách nhiệm của mình?
- Tôi không thấy Hiệp hội người mẫu làm gì cả.
- Trong thời gian qua, cũng có người mẫu đã mạnh dạn lên tiếng tố những việc làm mờ ám của nhiều người trong giới người mẫu. Chị có cho rằng hành động này là dũng cảm, làm thanh sạch đội ngũ những người làm nghề?
- Tôi nghĩ cái này theo quan điểm của mỗi người. Tôi xin phép không trả lời.
- Trình độ học vấn của những người làm nghề này cũng đang là vấn đề đặt ra, nhiều người có trình độ quá thấp, thậm chí chưa qua nổi cấp 2. Liệu con đường để làm nghề quá dễ dàng và trình độ học vấn không phải là vấn đề quan trọng?
- Tôi nói cần phải có chứng chỉ cho người mẫu là vì vậy. Bởi người mẫu bây giờ dễ quá, ai cũng có thể làm người mẫu được. Đó là điều chúng tôi đang bức xúc nhất. Điều này cũng làm cho dư luận có cái nhìn không hay về nghề người mẫu.
Thực chất, ở trên thế giới, người mẫu vào nghề từ rất sớm, có khi từ 13 tuổi. Nhưng họ vẫn được học hành đầy đủ. Không có nghĩa là vào nghề người mẫu là không được học hành. Đó cũng là do bản tính của từng người, do môi trường và mọi người làm hư họ khá nhiều. Nếu như khán giả, nếu như báo chí không xoáy sâu, tẩy chay các vụ scandal của các cô này thì mọi người không biết cô đấy là ai.
- Với một người có kinh nghiệm lâu năm trong quản lý người mẫu, qua sự việc như vừa rồi, chị thấy việc đào tạo, quản lý người mẫu hiện nay đã thực sự hiệu quả chưa và nên quản lý, đào tạo một người mẫu như thế nào?
- Tôi nghĩ đừng đổ tại đào tạo, đừng đổ tại điều này điều khác. Có đào tạo hay không chỉ là quan tâm đến công việc. Còn chuyện bán dâm hay không là chuyện đời tư của các cô đó.
Là công ty quản lý người mẫu, chúng tôi chỉ có thể truyền “lửa” cho các người mẫu, giúp cho họ hiểu và định hướng nghề một cách tốt nhất. Một khi chúng tôi đã định hướng mà họ đi sai lệch là việc của họ. Đừng đổ tại nhà quản lý.
- Nhưng nếu có một định hướng tốt, môi trường tốt, sự sa ngã của họ cũng sẽ hạn chế?
- Môi trường là phải cả xã hội xung quanh. Còn khi mình đã định hướng mà họ không làm được thì không thể nói là do nhà quản lý.
Đương nhiên, người ta nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nếu những người mẫu có một môi trường tốt, có sự quản lý tốt, thì đương nhiên cuộc sống của họ sẽ tốt hơn.
Theo VOV