Thủy Hương: Giông bão đã qua
Thủy Hương đang minh chứng bằng chính khả năng và nhan sắc của mình, cho hình ảnh một người phụ nữ vượt qua bão tố mà vẫn giữ được nét thanh xuân.
Người đẹp không có tuổi Thủy Hương |
Sài Gòn nóng lột da. Và hay bất thường giội những nắm mưa lớn như bão. Bất thường nhưng bao dung, chứa được bao nhiêu người. Nên Thủy Hương nặng lòng với mảnh đất này, nơi đã giúp chị vượt qua cơn đau và sống mạnh mẽ sau đổ vỡ khắc nghiệt nhất của đời người phụ nữ. Người đẹp trong tranh mang khuôn mặt khước từ sự bào mòn của thời gian mang nụ cười rạng rỡ. Hoàn toàn không buồn nữa. Bởi nhiều ký ức cũng sẽ phải lãng quên...
Không chỉ là ký ức
Tuyên Quang là một phần ký ức ấy. Năm nào chị cũng trở về thị xã nghèo khó của mình, nơi đã có cả một thời tuổi trẻ và chị mang trong lòng quá nhiều hoài bão. Cũng cái thị xã heo hút ấy đánh dấu sự thất bại của chị. Thất bại toàn diện. Chị bước khỏi guồng máy của ngành giáo dục, khi lương không đủ sống và chiến dịch giảm biên chế bắt đầu.
Những năm tháng khó khăn ấy, cả xã hội nhìn nhau mà sống, Thủy Hương quên cả việc ý thức mình là một người đàn bà đẹp. Chị học sư phạm, tốt nghiệp rồi đi dạy, lấy chồng và sinh con. Cuộc mưu sinh trong lý tưởng xa xôi. Những bài soạn theo giáo trình cũ kỹ. Những bài giảng mòn vẹt vì chuyện áo cơm. Không ai nuôi được đam mê trong tâm trạng nặng nề như vậy. Đã có thời Thủy Hương cũng giống "người ta", cũng sống cuộc đời đầy bồn chồn như vậy.
Nhưng Thủy Hương ra đi, không phải vì đời áo cơm chật vật. Mà vì hạnh phúc không còn. Khi mang bầu cô con gái thứ hai, chị và chồng đã ly thân. Và khi cô con gái bước vào tuổi lên ba, chị chính thức nói lời tạm biệt. Cuộc hôn nhân đổ vỡ khiến lòng chị hoang mang không ít. Chị không có điều gì trong tay cả. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, người ta chưa rộng lòng với những người đàn bà như chị. Bỏ chồng hay bị chồng bỏ là một khái niệm hy hữu và mang hàm nghĩa chẳng tốt đẹp gì. Nhưng Thủy Hương khi ấy đã không còn đường rút.
Cậu con trai lớn là cháu đích tôn của dòng họ, ở lại với bố. Trên chuyến tàu từ ga Hàng Cỏ vào một đêm rất muộn, Thủy Hương dắt con gái lên tàu. Vào Nam. Trong túi chỉ có hai bộ quần áo và một món tiền còm. Chị nhớ là khi vào tới ga Hòa Hưng, số tiền trong túi chị không đủ cho hai mẹ con uống nước. May mà chị còn có mẹ. Để cuộc đời không còn tiếp tục bão giông.
Thủy Hương kể về vết đau trong quá khứ hôn nhân đã nhẹ nhàng rất nhiều. Chị nói, khi ấy chị chỉ nghĩ hết yêu và cảm thấy không thể níu kéo hạnh phúc thì chia tay. Nhưng nó giúp cho mọi người đều khỏe mạnh, và tránh đi được những tai ương xảy đến bất kỳ. Chị tin rằng, đó là thiên ý. Chị sống dựa vào thiên ý. Bởi vậy bây giờ gặp lại người cũ, mọi sự đã dịu lắng rất nhiều. Có thể coi nhau như những người bạn. Và đã cùng nhau hợp sức chăm sóc con. Cậu con trai cả đang học phi công tại Montreal (Canada), còn cô con gái đã đi du học tại Mỹ.
Quá khứ thực sự yên hàn. Nhưng chị vẫn nhớ về miền đất của mình, như thể đó là một phần máu thịt. Chị không thể nói rằng, chị luôn thấy yên ổn khi về lại miền đất của sự thất bại. Nhưng rõ ràng, nó vẫn hiện hữu và vẫn buộc chị nhớ đến. Có thể, đó là một thời tươi trẻ của chị, thời của hạnh phúc kèm những nỗi đau thường trực, thời của mọi đổ vỡ đến từ những hiểu lầm vụn vặt và khoảng trống lớn dần. Cho đến một ngày, chị biết, mình cần phải ra đi...
Cô gái có bùa yêu...
Thủy Hương nói, thời sinh viên chị hoàn toàn không có khái niệm về nhan sắc. Chỉ biết có rất nhiều chàng trai thích mình. Trong số ấy có một anh sinh viên da trắng thư sinh, yêu đến mức gần như cuồng tín. Khi ấy trong lớp chị, rất nhiều người là bộ đội xuất ngũ, đã lớn tuổi và thích đùa dai. Họ đã làm cho chàng sinh viên kia tin rằng, chính Thủy Hương cũng yêu anh. Anh viết cho chị mỗi ngày một bức thư yêu thương tha thiết. Và đám bạn anh lại mạo danh chị viết thư trả lời.
Có những chiều mùa hè, từ cửa sổ phòng mình, anh hướng sang phòng chị, ôm đàn hát mười bảy bài tình ca. Rồi anh đọc kịch, hát dân ca, đọc diễn xướng cả những bài văn cổ. Có thể nói tình yêu của chàng trai văn khoa là thứ tình yêu thuần khiết nhưng nhuốm màu bi kịch. Vì hiếm có cô gái khoa văn nào yêu chàng trai cùng khoa. Và hơn thế, khi ấy Thủy Hương đã có người yêu. Và chị không muốn đẩy anh vào cuộc đùa dai của chúng bạn.
Chị mất rất nhiều công giải thích cho anh, nhưng tình yêu trong trạng thái tâm thần của anh đã đi vào hồi cần phải chữa trị. Chàng trai ấy được đưa về nhà và anh đã không thoát khỏi trạng thái "điên tình" cho đến bây giờ.
Thủy Hương nói, chị không có lỗi trong chuyện ấy, và anh có tiền sử tâm thần phân liệt, nên đến lúc phát bệnh mà thôi, nhưng chị vẫn cảm thấy day dứt. Bởi nếu không gặp chị, đời anh có thể sẽ khác. Và nếu không có chuyện của anh, đời chị cũng bớt đi những thị phi không đáng có.
Ngày ấy, ai cũng tìm để xem mặt Thủy Hương, xem vì sao mà chị lại có "bùa phép" với đám con trai như thế. Và nghe nói chị có bùa ngải, nên mắt chị xanh biếc. Những tin đồn như thế diễn ra liên tục. Đến khi chị tốt nghiệp đại học vẫn chưa dứt tin đồn. Ngày ấy, làm một cô gái đẹp thì quyền năng chẳng có nhiều, cơ hội nổi tiếng thành ngôi sao cũng chẳng có, mà thường hay chuốc những tai ương.
Người đẹp trong tranh Thủy Hương bỏ lại mọi thứ để vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống mới. Chị phải bắt đầu bằng việc đi học thêm tiếng Anh và máy tính. Chị chọn những lớp học rẻ tiền nhất. Và buổi tối, cô con gái 3 tuổi ngồi bên cạnh mẹ trong giờ học. Hai mẹ con cùng bắt đầu cho một cuộc xuất phát lại. Rồi mọi thứ qua dần.
Chị bắt đầu tham gia công tác quản lý người mẫu ở Nhà hát Hòa Bình và lần đầu tiên xuất hiện trong bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh trong vai trò người mẫu. Và chị là mẫu vẽ của các họa sỹ, rồi sau này gần như độc quyền trong những mẫu ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải.
Như một thứ trường phái riêng. Thủy Hương đã gắn với Lê Thanh Hải như một mối nhân duyên như thế. Người ta nói, chị là người đẹp trong tranh. "Nhưng tôi cũng chỉ làm nghệ thuật nghiệp dư, xuất hiện rất chừng mực, chủ yếu chụp ảnh lịch và làm một số mẫu quảng cáo. Tôi không phải là người mẫu chuyên nghiệp. Mẹ tôi nói, công việc của tôi là gia đình, chứ không phải chạy long nhong ngoài đường nữa. Tôi nghe mẹ, vì tôi biết mẹ hiểu mọi sự hơn mình" - Thủy Hương nói.
Thủy Hương bây giờ đã là một bà chủ của một công ty xuất nhập khẩu và quảng cáo. Nhưng chị không thích nói nhiều về vai trò ấy. Chị thích nói về công việc sản xuất các dự án âm nhạc hơn. Dự án 5 album bắt đầu từ "Bóng tối ly caphe" của Lê Thanh Hải, đang bước vào giai đoạn tiếp theo, với đĩa nhạc của Thanh Lam. Công ty chị cũng đang thực hiện phần tách âm cho những bộ phim nước ngoài, chuẩn bị cho một kênh truyền hình mới.
Không nhận mình làm nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng Thủy Hương nói về nghệ thuật lại hấp dẫn hơn nhiều người tự gọi mình là nghệ sỹ. Thủy Hương từ chối nói chuyện tình yêu. Nhưng khi nói về người đàn ông hiện tại, có điều gì đó ấp úng, ngập ngừng như sự cả thẹn. Thật ngạc nhiên khi người phụ nữ bước vào tuổi gần 50 mà lại quá ngập ngừng khi nói chuyện tình yêu. Thủy Hương nói, đó là người đàn ông khiến chị cảm thấy tự hào. Và họ đang cùng nhau thực hiện những dự án nghệ thuật.
Khi xem chương trình "Chuyện phái đẹp" trên kênh VTC9 Let"s Việt, tôi thầm nghĩ, Thủy Hương là một lựa chọn chính xác cho công việc dẫn chương trình này. Bởi Thủy Hương đang minh chứng bằng chính khả năng và nhan sắc của mình, cho hình ảnh một người phụ nữ vượt qua bão tố mà vẫn giữ được nét thanh xuân. Vẻ đẹp của chị dường như khước từ thời gian. Hoàn toàn không tì vết.
Thủy Hương nói, khi mẹ chị khuyên chị nên là người phụ nữ của gia đình, chị có một thoáng buồn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chị lại thấy mình may mắn vì biết vâng lời.
Có những người bạn chị trở nên giàu có với số tài sản khổng lồ, nhưng lại kém may mắn và ngày càng cô đơn hơn bao giờ hết. Còn chị tìm cách "enjoy" (hòa nhập) với cuộc sống, vậy mà hậu vận lại an lành. Thủy Hương chưa già, dù chị có quyền để chuẩn bị làm mẹ chồng, mẹ vợ. Thủy Hương vẫn còn là người mẫu của các hãng mỹ phẩm, thì thời gian vẫn còn phải đứng ở đâu đó rất xa.
Theo CAND