Thủy Hương: Tôi chả thấy người đẹp nào dốt cả
Đối với tôi, người đẹp là thông minh. Người ta hay nói đàn ông có ngoại hình tuấn tú là người thông minh, vậy thì phụ nữ có gương mặt đẹp cũng thông minh vậy.
- Thưa người đẹp Thủy Hương, có chính xác không, nếu tôi gọi nhan sắc là một quyền năng, không chỉ trong thế giới giải trí, trong tình yêu, mà cả trong kinh doanh?
- Nhiều người quan niệm sắc đẹp là một lợi thế trên thương trường, nhưng tôi không nghĩ thế. Quan điểm của tôi xuất phát từ giới tính. Tôi cho người phụ nữ đẹp thường ít hy sinh hơn những phụ nữ khác và tự xã hội quy định điều đó, chứ không phải tại người đẹp không muốn hy sinh. Cứ cho đó là một thành phần ưu tú, vì người đẹp hiếm, và thường là tự xã hội quy định điều đó, chứ không phải tại người đẹp không muốn hy sinh.
Trong những người bình thường, có thể có người đủ kiên nhẫn, thậm chí lì lợm để đạt được mục đích gì đó, không biết là xấu hay tốt, nhưng người phụ nữ đẹp thường không đủ kiên nhẫn. Một ví dụ trực quan sinh động khác, người bình thường có thể đợi người đàn ông 4 tiếng, nhưng tôi không nghĩ có người đẹp nào dám làm thế, do họ không có kiên nhẫn. Vì họ luôn được người khác ưu ái, mà bắt nguồn từ chính sự quy định của xã hội như tôi đã nói.
Ở khía cạnh khác, các mẫu quảng cáo do những người đẹp làm mẫu đã đem lại hàng triệu đô la lợi nhuận. Cái đẹp có thể tạm coi là giá trị ảo mang lại đồng tiền thực. Xét về khía cạnh đó, thì vẻ đẹp cũng đẻ ra tiền. Nhưng cá nhân cô đó trên thương trường lao động như những người khác thì không có lợi hơn.
- Chị nói vậy thì tôi cũng nói quan điểm của mình thế này: Rất nhiều người đẹp của chúng ta vốn không tạo được niềm tin (về mặt trí tuệ) cho mọi người, mà trong kinh doanh, giá trị niềm tin rất quan trọng. Một đối tác lớn, có thể bỏ ra một số tiền nhỏ (đối với họ) để làm ăn với người đẹp, cho vui, cho đẹp lòng người đẹp. Nhưng để kinh doanh một cách nghiêm túc, họ lại phải cân nhắc. Vì nhiều người đẹp đang kinh doanh theo kiểu dạo chơi, như một món trang sức cho cuộc sống, vốn được coi là phù phiếm, chứ họ không chứng minh được năng lực của mình. Là một người đẹp kinh doanh, tất nhiên chị có thể “dội” lại ý kiến của tôi!
Nếu chị cho vì người đẹp dốt mà không thành công, thì tôi phản đối. Tôi chả thấy người đẹp nào dốt cả.
Đối với tôi, người đẹp là thông minh. Người ta hay nói đàn ông có ngoại hình tuấn tú là người thông minh, vậy thì phụ nữ có gương mặt đẹp cũng thông minh vậy. Tuy nhiên, tôi nhất trí với quan điểm của chị. Có cả lí do khách quan và chủ quan như chị nói.
Mặt khác, xét về giới tính, thành công và thông minh lớn nhất của người phụ nữ đẹp không phải là sự thành đạt trên thương trường, mà là lấy được một người thành công! Khi người ta hiểu được giá trị của mình, cùng những bất lợi, họ không quá kiễng chân đâu, người ta cũng lấy một ít áp lực để làm, nhưng không quá hy sinh và không dám xả thân. Vì chắc chắn người đẹp yêu bản thân mình, hiểu rõ giá trị quý hóa của mình hơn, nên sẽ... nhát hơn.
- Còn danh tiếng, theo chị, nó có giúp cho người ta kinh doanh dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh thành thị hiện nay, sự phù phiếm đang được coi là một giá trị?
Ông bà mình nói tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Chắc chắn danh tiếng sẽ hỗ trợ một phần kinh doanh của họ, giống một cái vỗ về an ủi của tạo hóa. Cô A đó đẹp, có tri thức, “profile” sạch sẽ, có tâm niệm, ước muốn được làm ăn một cách chân chính, chắc chắn họ sẽ có bước khởi đầu tốt đẹp. Nhưng đòi hỏi phải có một đối tác lớn hơn, lại như chị nói, họ thường ít tin tưởng!
- Chúng ta vừa nói về người đẹp có danh tiếng nói chung, giờ thì tôi muốn tập trung vào... chị! Chị nói người đẹp thiếu sự kiên nhẫn trong kinh doanh, chị công nhận người đẹp khó có được sự đầu tư nghiêm túc, còn danh tiếng cũng chẳng hỗ trợ nhiều. Là một người đẹp, nổi tiếng kinh doanh, chị có vấp phải những vấn đề đó không, nghĩa là cũng thiếu kiên nhẫn, không nhận được sự tin tưởng từ đối tác và danh tiếng cũng không hỗ trợ nhiều?
Tiêu chí để đánh giá một công ty thành công là phải có các bước thăng tiến, cụ thể là doanh thu. Xét về thành công, uy tín, được lòng tin của khách hàng, công ty của tôi có. Nhưng thiếu một chiến lược phát triển. Ngành của tôi, trong giai đoạn hiện nay có rất ít người đầu tư mạnh, bản thân tôi cũng băn khoăn. Trước sự hội nhập của nước ngoài, thông tin được bổ sung từng ngày. Nhưng ngành quảng cáo của mình sinh sau đẻ muộn, đầu tư không bằng nước ngoài.
Trong khi những tập đoàn lớn thường có agency khắp thế giới, sản phẩm lớn cũng sẽ về túi của những agency đó, nên đối với doanh nghiệp vừa, chiến lược phát triển phải hết sức cân nhắc. Người thông minh không phải nhìn vào doanh số, vì thời kỳ lạm phát này, doanh số nhích hơn năm ngoái, nhưng không có nghĩa là anh đang an toàn. Với các yếu tố chị phân tích, rõ ràng không có lợi cho công việc kinh doanh của tôi. Bản thân tôi cũng không nghĩ mình thành công trên thương trường. Quan điểm thành công của tôi không giống mọi người hiện nay.
- Chị quan niệm thế nào là thành công?
Nếu nói cô A thành đạt, mọi người nghĩ ngay cô A phải là tổng giám đốc, kèm theo danh tiếng, chức vụ, sự giỏi giang và có nhiều tiền. Thường người ta hay nghĩ đến số tiền. Nhưng tôi không đề cao nó. Với tôi, người phụ nữ thành đạt là người phụ nữ chủ động. Nên nếu đem tiền ra làm thước đo đánh giá một người thành đạt trên thương trường, thì tôi không phải người thành đạt.
Theo quan điểm của tôi, người thành đạt phải là người chủ động, chủ động trong các quyết định của mình, chủ động ngay cả trước nguy cơ phá sản, chủ động trong mọi tình huống để thể hiện giá trị và các kỹ năng giao tiếp của con người, kể cả chủ động trong hôn nhân. Có những người không nhiều tiền lắm, nhưng thành đạt vì luôn chủ động. Họ sẽ không bị công việc cuốn đi đến mức quên cả gia đình, thậm chí đánh đổi gia đình, để một ngày nào đó họ thấy mình đi quá xa so với mục tiêu ban đầu. Suy cho cùng, người phụ nữ bao giờ cũng muốn vun vén cho gia đình. Họ ra ngoài kiếm tiền cũng là cho chính tổ ấm của mình.
- Là người mẫu, ai cũng muốn làm vơ - đét, khi kinh doanh, đương nhiên sẽ khát vọng thành công. Chị nói mình không thành công về tiền, vậy chị có “đau khổ” vì điều đó không?
Trong nghề người mẫu, tôi cũng quan niệm vơ-đét khác. Mọi người hay nghĩ vơ-đét là phải nhiều sô, phải ở hàng đầu. Tôi là người mẫu không chuyên, tôi không sống bằng thu nhập người mẫu. Điều đó cũng có nghĩa tôi chủ động được công việc của mình và tôi có thời gian chăm sóc, lo lắng cho từng công việc người mẫu của mình.
Có người cho rằng chuyên nghiệp là đến đúng giờ, thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi vai diễn. Nhưng theo tôi, chuyên nghiệp thể hiện ở tính hiệu quả. Nhìn vào hiệu quả công việc, tôi cũng không kém ai. vơ-đét hay không, đối với tôi thật vô nghĩa, nếu chỉ là đi hàng đầu. Còn trong kinh doanh, đau khổ là “giá trị” không nằm trong ý nghĩ của tôi.
Khi đặt ra mục đích, tôi cố gắng đạt được ở mức cao nhất có thể. Tôi cảm thấy bằng lòng vì những mục tiêu ngắn hạn mình làm được. Đương nhiên, trong kinh doanh có lúc vui, lúc buồn. Quan trọng là mình phải có năng lực vượt qua những khó khăn. Tôi cũng phải học cách để vượt qua khó khăn. Và nếu có thất bại, cũng phải học cách vượt qua nó.
- Ở nước ngoài, chỉ cần ngôi sao tham gia kinh doanh, chưa cần biết họ giỏi thực không và kinh doanh có hiệu quả không, nhưng lập tức nhãn hiệu của họ nổi như cồn. Ở Việt Nam, người đẹp kinh doanh nhiều, nhưng nổi như cồn lại rất ít, kể cả chị?
Cũng là người Việt Nam, tại sao cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên ở cộng đồng hải ngoại quảng cáo cho sữa ong chúa lại bán chạy như tôm tươi? Cô ấy cũng là người đẹp, và cũng chỉ xinh đẹp như các cô ở đây, nhưng ở hải ngoại cô ấy nổi hơn. Các ngôi sao Hàn Quốc cũng vậy. Cái gì đã làm nên giá trị thực của các cô ấy? Không lẽ các cô ấy xinh đẹp gấp 100 lần các cô ở Việt Nam? Không! Mà vì công nghệ lăng xê và quảng cáo của người ta quá phát triển. Chính tôi cũng băn khoăn, thời điểm này không biết có nên đầu tư hay không, vì ngành quảng cáo truyền thông của mình còn non trẻ quá.
Ở nước ngoài, người ta đã xây dựng nên một xã hội tiêu dùng, mà bản chất của xã hội tiêu dùng là khuyến khích tất cả mọi người đều tiêu và dùng. Làm thật nhanh, thật nhiều, kiếm được nhiều tiền để tiêu và tiêu. Xét về khía cạnh xã hội, đó là bước nhảy vọt. Tất nhiên, trong xã hội tiêu dùng đó, ngành quảng cáo rất quan trọng. Còn ngành quảng cáo của mình mới hình thành mấy chục năm gần đây. Hiện nay cũng chẳng có mấy công ty có Giám đốc Thương hiệu, để bảo vệ thương hiệu của mình, huống hồ là đầu tư mạnh cho quảng cáo.
-Xin hỏi chị câu hỏi cuối: Là một người đẹp có danh tiếng, tại sao chị không làm theo công thức đã được nhiều người đẹp nổi tiếng “lập trình” sẵn: kinh doanh thương hiệu xa xỉ, như thời trang, mỹ phẩm..., mà lại tiến vào... quân đội Malaysia, nơi chị không dễ tận dụng quyền lực của mình, đó là nhan sắc và danh tiếng?
Những năm trước, xuất nhập khẩu là một thị trường lớn, có nhiều cơ hội, đồng đô la lại ổn định. Nhưng tình hình bất ổn hiện nay mà kéo dài mãi, tôi cũng không dám làm nữa. Hơn nữa, khi kinh doanh, tôi muốn nhìn nhận nó thật nghiêm túc, chứ không muốn “vịn” vào những giá trị ảo, để một ngày phải đi “dọn” hậu quả. Quay trở lại câu hỏi tại sao tôi không làm theo công thức đã được nhiều người đẹp nổi tiếng “lập trình” sẵn. Nói câu này có vẻ hơi... chua ngoa, nhưng tôi không phải là người “thấy người khác ăn khoai vác mai đi đào”!
Theo Doanh Nhân