Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tịch thu xe vấp phải phản ứng nhưng tôi cho là phù hợp'

Trước đề nghị bổ sung vào Bộ luật hình sự việc điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định, luật sư Thanh cho rằng thời điểm hiện tại là chưa phù hợp.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã gửi báo cáo lên Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị bổ sung vào Bộ luật hình sự tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5mg/1 lít khí thở).

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, ở nhiều nước, hành vi này ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe còn bị khởi tố hình sự với hình phạt tù. 

Ông Huyện cho rằng, ở nước ta, tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở cao hơn mức quy định vẫn chưa có chiều hướng giảm. Đây là nguồn nguy cơ đe dọa an toàn cho xã hội rất cao và rất nghiêm trọng.

Theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, người điều khiển xe khi say rượu vượt quá quy định có thể bị phạt tù. Ảnh minh họa: Hoàn Nguyễn.

Chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng tại thời điểm hiện tại, đề nghị trên là chưa phù hợp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng, luật sư cho rằng tịch thu phương tiện hay phạt tù người say rượu lái xe đều là các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện Bộ luật hình sự Việt Nam chưa có điều khoản quy định sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông được cấu thành tội phạm.

Vị luật sư phân tích, Điều 202 Bộ luật hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ nêu người phạm tội phải gây hậu quả nghiêm trọng (chết người, thương tích nhiều người, gây thiệt hại tài sản có giá trị lớn...) thì bị phạt tù từ 6 tháng – 15 năm. Pháp luật cũng quy định nếu người điều khiển phương tiện chỉ có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì không bị xử lý hình sự.

Theo quan điểm của luật sư Thanh, nên chăng cơ quan chức năng xử phạt nặng về mặt hành chính đối với hành vi này. Nếu muốn phạt tù người say rượu lái xe thì cần phải đợi Quốc hội sửa Bộ luật hình sự.

"Tịch thu xe tuy vấp phải phản ứng của dư luận nhưng tôi cho rằng đề xuất đó đúng luật và phù hợp hơn", ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng Luật giao thông đường bộ và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt quy định các hành vi như đua xe, lái xe có chất ma túy hay nồng độ cồn vượt quá mức cho phép ... chỉ bị xử phạt với các hình thức như treo bằng lái hoặc phạt tiền.

"Việc hình sự hóa hành vi này phải phụ thuộc vào Bộ luật hình sự và việc này nếu muốn làm phải chờ Quốc hội sửa luật", ông Thơm nhấn mạnh.

Ý kiến độc giả trên Zing.vn đến ngày 27/3.
Ý kiến độc giả trên Zing.vn đến ngày 27/3.

Trước đó, đầu tháng 3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đề xuất này đã có nhiều ý kiến trái chiều từ giới làm luật.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ quy định người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì mức phạt là 10 -15 triệu đồng/người điều khiển xe ôtô; 2-3 triệu đồng/ người điều khiển xe mô tô và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

 

Đề nghị xử lý hình sự việc chở quá tải, nồng độ cồn quá mức

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) đề nghị xử lý hình sự hai hành vi trên.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm