Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tích trữ bao nhiêu tiền là đủ để sinh con ở thành phố lớn?

Dù đã chuẩn bị tinh thần sẽ đầu tư cho con dùng đồ tốt nhất, nhiều bà mẹ vẫn không khỏi bất ngờ trước số tiền đã chi ra.

Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, chi phí cho dịch vụ thai sản, sinh nở thường cao hơn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Làm mẹ lần đầu ở tuổi 25, Hương Quỳnh (25 tuổi, Hà Nội) đã chi 100 triệu để chuẩn bị cho thành viên nhí. "Dù đã lên kế hoạch cho việc sinh con, tôi vẫn không ngờ chi phí cho việc này tốn kém hơn tưởng tượng", bà mẹ trẻ chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tiết kiệm trăm triệu mới dám sinh con

Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng Quỳnh quyết định chưa thuê người giúp việc mà tự chăm con tại nhà. Hai vợ chồng sống riêng, không có nhiều sự giúp đỡ từ gia đình nội ngoại. Cặp đôi phải chia nhau việc nhà và chăm con.

Sau một lần sinh nở, kinh nghiệm mà bà mẹ gen Z này rút ra là các cặp vợ chồng nên có một khoản tiền tiết kiệm cố định dành riêng cho việc sinh con.

"Điều này rất cần thiết. Khi mang thai và sinh con, chúng ta có thể gặp phải rất nhiều vấn đề phát sinh, ví dụ phải xét nghiệm chuyên sâu, nhập viện, sinh mổ thay vì sinh thường, bé cần lưu viện theo dõi sau sinh... Nếu có khoản tiết kiệm, bạn sẽ không bị bối rối khi gặp phải vấn đề nằm ngoài kế hoạch", Quỳnh chia sẻ.

chuan bi gi sinh con anh 1

Vợ chồng Quỳnh Hương tự chủ động chăm con để tiết kiệm chi phí. Ảnh: NVCC.

Lần đầu sinh con, chị Lê Hằng (37 tuổi, TP.HCM) tốn khoảng 120 triệu đồng cho các khoản chi về sinh nở, mua sắm vật dụng cho em bé. Chi phí này được tính cho các dịch vụ năm 2017.

Đến lần sinh em bé thứ 2 vào năm 2020, các khoản chi được tóm gọn còn 50 triệu đồng.

Dù đã dự trù một số tiền không nhỏ, chị Hằng vẫn hốt hoảng khi ngồi kiếm kê lại số tiền mình đã chi ra.

"Lần sinh đầu, tôi tiết kiệm nửa tỷ mới dám quyết định mang thai. Sinh em bé thứ 2, tôi cũng để dành 300 triệu đồng. Tôi quan điểm con sinh ra, tự mình phải nuôi dạy con tốt mà không phải nhờ cậy giúp đỡ. Do đó, phải có một số tiền nhất định tôi mới dám đẻ", bà mẹ 2 con chia sẻ.

Theo chị Hằng, số tiền dự trữ cho việc sinh con phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi cặp đôi. Với chị, khi đã quyết định sinh con, mỗi gia đình nên để dành ít nhất 200 triệu. Số tiền này không chỉ dành cho con mà còn dùng để trang trải một số chi phí khác trong nhà, khi người vợ không thể tạo ra kinh tế như trước.

Tuy nhiên, các cặp vợ chồng cũng không nên quá chú trọng vào yếu tố kinh tế làm lỡ mất thời gian vàng sinh con. Với chị, việc sinh con quá muộn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ cũng như quá trình giáo dục con cái sau này.

Nên dự trù gấp đôi chi phí trên giấy tờ

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Huỳnh Khánh Trang, Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), việc sinh con là cột mốc lớn, có thể thay đổi cuộc đời những người làm cha mẹ.

"Khi sinh con, mọi người sẽ phải gánh thêm trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Trách nhiệm này cao cả nhưng rất nặng nề, bởi vậy, các cặp đôi cần suy nghĩ thật kỹ và có kế hoạch, chiến lược dài hạn để chuẩn bị cho việc sinh ra và nuôi dạy thành viên mới", chuyên gia đánh giá.

chuan bi gi sinh con anh 2

Mọi người cần chuẩn bị kỹ về tâm lý, sức khỏe cũng như kinh tế trước khi sinh con. Ảnh: Unsplash.

Ngoài ra, yếu tố sức khỏe là điều cần thiết phải chuẩn bị khi quyết định sinh con. Đầu tiên, các cặp vợ chồng cần đi khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.

Khám tiền hôn giúp các cặp đôi nắm rõ tình trạng sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của mình và bạn đời. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp phát hiện các bệnh lý có thể gây khó khăn trong việc sinh con, mang thai hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe em bé, từ đó giúp các cặp vợ chồng có hướng điều trị sớm.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, cặp vợ chồng cũng cần chú trọng bổ sung dinh dưỡng và làm các xét nghiệm cần thiết, đi khám thai theo lịch. Điều này đòi hỏi mọi người cần lên kế hoạch chuẩn bị kinh tế kỹ càng trước khi sinh con.

"Chuẩn bị tài chính sinh con cũng như xây một căn nhà, mọi người cần chuẩn bị gấp hai, thậm chí gấp ba các chi phí trên giấy tờ. Điều này giúp đảm bảo rằng các bạn có thể đối mặt được với những sự việc bất ngờ khi sinh nở", chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo PGS Trang, sinh con là việc đang được khuyến khích, nhưng mọi người cần cân nhắc kỹ và không nên vội vàng sinh con khi chưa có khả năng tài chính hay tự lo được cho bản thân.

"Khi bạn tự thấy cuộc sống còn 'khổ', việc sinh thêm một em bé có thể tạo ra gánh nặng cho chính bạn và không tốt cho sự phát triển của con", chuyên gia phân tích.

Tuy vậy, các cặp đôi cũng không nên quá chú trọng về kinh tế mà bỏ quên lứa tuổi sinh con.

Theo PGS Trang, độ tuổi sinh học lý tưởng nhất để sinh con của người phụ nữ là từ 25 đến 30 tuổi. Việc chần chừ sinh con sang đến độ tuổi sau 40 có thể tăng khả năng mắc dị tật cho thai nhi cũng như tai nạn sản khoa cho người mẹ như sảy thai, sinh non, tiền sản giật...

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Chi trăm triệu đồng sinh con đầu lòng

Chịu áp lực tài chính không nhỏ khi nuôi con tại thành phố lớn, nhiều gia đình tiết kiệm hơn trăm triệu đồng mới dám sinh con.

Linh Thùy - Phương Anh

Bạn có thể quan tâm