Tiệc độc thân vốn xuất phát từ văn hóa phương Tây và du nhập vào Việt Nam những năm gần đây.
Thông thường, buổi tiệc này sẽ được tổ chức vào đêm trước ngày cưới. Lúc này, cô dâu, chú rể sẽ mời những người bạn thân thiết nhất để cùng ăn mừng, kỷ niệm hoặc làm những việc không còn có thể thực hiện sau khi kết hôn.
Các đôi uyên ương thường có quy tắc ngầm rằng sẽ không xuất hiện tại buổi tiệc của vợ hoặc chồng tương lai, tạo điều kiện cho họ dành thời gian với bạn bè.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngoài việc tổ chức riêng tiệc độc thân, nhiều đôi cũng kết hợp tổ chức chung nhằm tiết kiệm chi phí, mời được bạn bè của cả hai bên. Họ xem đây là buổi tiệc ấm cúng trước khi cưới (pre-wedding).
Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ để lắng nghe những kế hoạch và cách thức họ tổ chức buổi tiệc này cho mình.
Lên kế hoạch
Uyên Phương (26 tuổi, TP.HCM): Tôi và chồng yêu nhau được 7 năm, sẽ về chung một nhà vào 27/11 sắp tới. Cuối tháng 9 vừa qua, tôi tổ chức tiệc độc thân, mời 6 người bạn thân của mình.
Tôi lên kế hoạch trước một tháng cho bữa tiệc này. Ban đầu, cả nhóm dự định đi Đà Lạt, song có một cô bạn vừa sinh em bé nên quyết định tổ chức trong thành phố. Tôi có chút tiếc nuối vì cả nhóm có lời hẹn ai cưới đầu tiên sẽ sắp xếp để tổ chức tiệc độc thân ở nơi xa.
Vợ của Hồng Đăng là người lên ý tưởng cho buổi tiệc độc thân, cả hai hoàn thiện các công đoạn chuẩn bị trong vòng 1 tuần. |
Mai Khanh (26 tuổi, TP.HCM): Tháng 10/2021, tôi và vợ quen nhau qua ứng dụng hẹn hò. Chỉ sau vài tháng, đến đầu năm nay, chúng tôi bàn tính chuyện kết hôn.
Chúng tôi dành 2 tuần trước ngày cưới để lên kế hoạch và chuẩn bị cho tiệc độc thân chung. Tôi hẹn bạn bè đến dùng bữa, sẵn tiện gửi thiệp cưới. Phần trang trí do hội bạn thân của tôi đảm nhận.
Hồng Đăng (29 tuổi, Hà Nội): Sau 2 năm hẹn hò, tôi và vợ quyết định kết hôn. Chúng tôi dành 2 tháng để lên kế hoạch cho bữa tiệc độc thân chung. Người đầu tiên đề cập và đưa ra ý tưởng cho buổi tiệc này là vợ tôi. Chúng tôi chốt thời gian và hoàn thiện tất cả công đoạn chỉ trong vòng một tuần.
Kiều Trang (27 tuổi, Hà Nội): Tôi và chồng mình quen nhau khi học chung một trường đại học. Yêu nhau 4 năm, trải qua đủ thăng trầm, buồn vui, tính đến nay đã được 4 năm rồi.
Ngày đó, hai đứa quyết định làm chung một buổi tiệc độc thân trước hôn lễ. Bữa tiệc này chủ yếu để cả hai gặp gỡ bạn bè thân thiết, tạo không khí thật vui nhộn trước sự kiện cưới quan trọng của cuộc đời. Tôi và anh cùng nhau chuẩn bị tất cả mọi thứ trong vòng 2 tháng, từ lên ý tưởng đến khâu thực hiện.
Tổ chức
Uyên Phương: Bữa tiệc độc thân kéo dài 2 ngày một đêm, được kết hợp với sinh nhật của tôi. Tôi chú trọng sự thân mật, thoải mái nên chọn tổ chức tại nhà. Vợ chồng tôi tham khảo cách bày trí của các cặp đôi sắp cưới ở châu Âu. Nhưng thay vì mặc trang phục lộng lẫy, chúng tôi dặn khách mời chỉ cần chuẩn bị pijama có họa tiết nhiều màu để chơi hết mình đến tận ngày hôm sau.
Uyên Phương tổ chức tiệc độc thân kéo dài 2 ngày 1 đêm tại nhà. |
Về phần kinh phí, chúng tôi tiêu tốn khoảng 2 triệu đồng bao gồm khâu trang trí, đồ ăn, thức uống... Bạn bè của tôi góp lại cùng chi trả.
Mai Khanh: Tôi thích những bữa tiệc riêng tư nên tổ chức nhỏ gọn, kéo dài một ngày tại nhà riêng, chỉ mời khoảng 10 người bạn thân thiết.
Theo văn hóa phương Tây, phần chi phí do các bạn chia với nhau và không tính phần của tôi.
Hoạt động trong chương trình cũng tương đồng những tiệc độc thân khác ở nước ngoài, bao gồm chụp ảnh kỷ niệm, ăn uống, thực hiện các nghi thức gửi thiệp, "trao vía" theo kiểu hài hước, chơi boardgame và tâm sự với nhau.
Chúng tôi để mọi thứ diễn ra tự nhiên, không theo kịch bản cụ thể nào. Bữa tiệc dựa trên tinh thần vui và thoải mái, mang lại cảm xúc chân thật nhất.
Hồng Đăng: Chúng tôi tổ chức buổi tiệc độc thân tại Hội An, Đà Nẵng trong vòng 3 ngày 2 đêm. Điều đầu tiên tôi cần làm chính là chốt danh sách khách mời. Do tổ chức tiệc ở xa, chúng tôi chỉ gói gọn lại những người bạn thân thiết nhất.
Tôi và vợ cũng nói rõ với khách mời hai bên cứ xem đây là chuyến đi du lịch. Do đó, chi phí vé máy bay và khách sạn các bạn sẽ chủ động chi trả. Riêng chi phí bữa tiệc sẽ do vợ chồng tôi chịu trách nhiệm.
Vợ tôi lựa chọn Hội An là điểm đến vì nơi đây đáp ứng được các tiêu chí cả hai đề ra bao gồm hợp gout, nhiều dịch vụ, nhiều nơi ở, quán ăn và dễ di chuyển cho cả khách ở Hà Nội và TP.HCM.
Kiều Trang: Chúng tôi tôi thuê một villa cách trung tâm Hà Nội 30 km để tiết kiệm chi phí cho tiệc độc thân của mình. Tôi và chồng đến đó từ sớm để hoàn tất các khâu trang trí. Tôi thuê thêm một ôtô 30 chỗ đón khách từ Hà Nội đến villa, các bạn bè của tôi sẽ tập trung tại cùng một vị trí để thuận tiện di chuyển.
Hôm đó, chúng tôi cũng đề ra dresscode: nam mặc vest đen, còn nữ sẽ mặc váy trắng. Buổi tiệc chủ yếu là để cô dâu, chú rể tâm sự, mọi người cùng nhau ăn uống và vui chơi đến sáng.
Ý nghĩa của buổi tiệc
Uyên Phương: Theo tôi, tiệc độc thân không cần quá náo nhiệt, tưng bừng. Tôi thích phong cách nhẹ nhàng, cùng hội bạn thân ăn uống, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Đây cũng là dịp để tôi xả hơi, thư giãn khi chưa quá bận rộn chuẩn bị cho thủ tục đám cưới. Tôi cũng muốn thử nốt những điều muốn làm cùng hội bạn thân, nhưng trước đó chưa có cơ hội.
Mai Khanh cho rằng buổi tiệc độc thân không nên quá tốn kém vì còn nhiều thứ phải chi tiêu cho đám cưới. |
Mai Khanh: Tôi muốn dành thời gian để ăn mừng việc sắp kết hôn với bạn bè thân thiết, kỷ niệm khoảng thời gian cuối cùng của cuộc sống độc thân. Cá nhân tôi thấy đây cũng là dịp "chia vía" cho bạn bè, cầu mong họ cũng sớm tìm được nửa kia của mình.
Hồng Đăng: Khi nhắc tới tiệc độc thân, chúng tôi không nghĩ đến những gì quá sang trọng, chủ yếu muốn dành thời gian cùng bạn bè thân thiết của cả hai.
Đây cũng là bữa tiệc để bạn bè của cô dâu, chú rể có thể trở thành bạn của nhau. Chúng tôi cũng có thời gian cùng nhìn lại một chặng đường đã đi qua và chuẩn bị cho những bước tiến mới.
Kiều Trang: Tôi nghĩ bữa tiệc này đánh dấu một cột mốc lớn trong cuộc đời mình. Sau ngày hôm đó, tôi đã có một người đồng hành, gắn bó. Tôi cũng phải học cách làm vợ, chuẩn bị cho việc làm mẹ.
Bên cạnh đó, bữa tiệc ấm cúng này khiến tôi thấy trọn vẹn hơn vì có bạn bè thân thuộc nhất bên cạnh. Trong khi đó, đám cưới chính của chúng tôi chủ yếu là khách của cha mẹ hai bên, tôi không có quá nhiều cảm xúc.
Tiết kiệm, nhưng chất lượng
Uyên Phương: Tôi chú trọng đến chất lượng bữa tiệc, tổ chức hợp gout, nên chi phí cao hay thấp không quá quan trọng.
Theo tôi nghĩ, nếu có điều kiện, mọi người nên sắp xếp một chuyến đi du lịch cùng hội bạn. Còn muốn tiết kiệm nhưng vẫn vui, ấm cúng, bạn có thể tổ chức tại nhà hoặc thuê homestay gần trung tâm để tạo kỷ niệm đẹp cho những ngày cuối cùng của cuộc sống độc thân.
Kiều Trang cho rằng vợ chồng nên cố gắng tự lên kế hoạch tổ chức buổi tiệc để tiết kiệm chi phí. |
Mai Khanh: Tùy vào nhu cầu và tài chính cá nhân, mỗi người có thể chọn quy mô của bữa tiệc: xa hoa hoặc nhỏ gọn, private party (nhà riêng, thuê villa...) hay public party (bar, pub, karaoke...). Nhưng yếu tố ấm cúng, thân mật nên được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, sự kiện này nên dựa trên tinh thần là ăn mừng việc kết hôn và vui vẻ với bạn bè, thay vì biến tướng theo như một số bữa tiệc ở nước ngoài: mời vũ công múa sexy, có những hành vi thác loạn không phù hợp với người sắp kết hôn.
Theo tôi, một bữa tiệc cho 10-15 người dao động 5-10 triệu đồng là chất lượng, đủ vui. Chúng ta không cần đặt nặng việc phải làm hoành tráng mới đáng nhớ, ghi lại dấu ấn.
Hồng Đăng: Cá nhân tôi thấy không cần quá tốn kém cho bữa tiệc này. Tôi nghĩ nên chủ động chia sẻ với bạn bè về kế hoạch của bữa tiệc: đâu là những khoản chi phí mà cô dâu, chú rể sẽ mời, còn đâu là chi phí mà mọi người cùng chia sẻ.
Kiều Trang: Tôi nghĩ buổi tiệc này không nên thuê wedding planner vì sẽ làm chi phí độn lên. Tốt nhất cả hai nên tự lên kế hoạch và tổ chức buổi lễ.
Tôi và chồng đều cho rằng quan trọng nhất chính là bám sát theo chi phí đề ra ban đầu, làm sao để bữa tiệc đảm bảo được 3 yếu tố chính: buổi lễ thân mật, đồ ăn cho khách và phần trò chơi cho cô dâu chú rể.
Tiệc độc thân cho nam giới là bachelor party, còn cho phái nữ là bachelorette party. Sự kiện này được cho là bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại từ thế kỷ V TCN, tổ chức ngay trước ngày cưới của cô dâu, chú rể, theo Time.
Ban đầu, bữa tiệc này chỉ dành cho chú rể. Đến khi phong trào bình đẳng giới phát triển, tiệc độc thân áp dụng cho cô dâu từ những năm 1960 và bắt đầu phổ biến từ khoảng 1980.
Ở Anh, Australia, Canada và Ireland, bachelor/bachelorette party còn được gọi là stag party, stag night, stag weekend, buck's night…
Tiệc độc thân trước đây ở Mỹ gắn liền với những trò ăn chơi, quậy phá trác táng. Chú rể và những người bạn sẽ cùng tiệc tùng, uống rượu, vào quán bar vui chơi. Bạn bè của nhân vật chính thường tổ chức vài trò chơi để thử thách sự trách nhiệm của chú rể đối với cuộc sống hôn nhân, gia đình. Luật ngầm là tất cả sự kiện diễn ra phải được cam kết giữ bí mật và quên ngay sau cuộc vui.
Còn với cô dâu, tiệc độc thân cùng hội chị em cũng sẽ làm những việc táo bạo, phóng khoáng hoặc chỉ đơn giản là tụ họp để tâm sự, tư vấn, ôn lại chuyện cũ. Họ cũng cùng nhau say mèm tại nhà riêng, quán bar hoặc nhà hàng.
Hình ảnh tiệc độc thân từng được truyền tải qua nhiều bộ phim với những trò chơi khăm mãn nhãn, độ xa hoa và tinh nghịch của các nhân vật như Rough Night, American Wedding, The Hangover, Bachelor Party…