Tiệc tân niên gần 300 bàn, 3.000 khách trên đường làng TQ
Thứ năm, 22/2/2018 11:15 (GMT+7)
11:15 22/2/2018
5 họ tộc lớn tại một ngôi làng của người Khách Gia ở Quảng Tây cùng nhau tổ chức tiệc "bách gia đoàn viên" với cỗ bàn được bày biện kín một đoạn đường làng.
260 bàn tiệc được bày biện trên đường làng Cổ Mộc ở thành phố Liễu Châu, khu tự trị Quảng Tây vào chiều 21/2, tức mùng 6 Tết Mậu Tuất.
Đây là bữa tiệc mừng năm mới âm lịch được tổ chức thường niên tại ngôi làng của người Khách Gia (một tộc người Hán). Năm nay là lần thứ tư "bách gia đoàn viên khai niên yến" được tổ chức.
Theo China News, gần 3.000 người gồm dân làng và du khách tham dự bữa tiệc. Với nhiều người cao niên, làng Cổ Mộc chưa bao giờ tổ chức tiệc linh đình đến thế này. "Làng chúng tôi có năm họ tộc lớn là Quách, Giang, Tiêu, Lưu và Lý. Ngày trước thì họ nào thì biết họ nấy thôi, Tết đến mỗi họ tự tổ chức ăn uống", cụ ông 77 tuổi Quách Thừa Khâm nhớ lại.
"Hồi xưa nhà nghèo khó, năm hết Tết đến mới được ăn thịt. Tiệc tân niên cũng rau dưa nhiều mà thịt thà ít", cụ Quách nói thêm. Theo China News, việc tổ chức tiệc khai niên từ lâu đã phổ biến tại Quảng Tây, có lịch sử "cả nghìn năm".
Tết Nguyên đán năm 2015, năm họ tộc trong làng Cổ Mộc quyết định cùng nhau tổ chức tiệc "bách gia đoàn viên" để các gia đình có dịp giao lưu. "Bất luận là làm ăn ở đâu, dân trong làng đều quay về vào ngày này", một người người dân nói.
Hầu hết món ăn là các món truyền thống của người Khách Gia như món xào "tứ kiện" (bốn loại thực phẩm) này. Ngoài ra, bữa tiệc còn có các món như "khâu nhục" (thịt nấu mềm rục), "bạch trảm kê" (gà hấp chặt miếng), "tôm tam bảo núi Long Hổ"...
Người Khách Gia sống tập trung ở các vùng miền Nam Trung Quốc. Tuy có những khác biệt về ngôn ngữ với cư dân xung quanh nhưng họ không được coi là một dân tộc riêng biệt mà được xem là một bộ phận của người Hán. Nhiều người Khách Gia nổi tiếng toàn thế giới như Tôn Dật Tiên, Lý Quang Diệu, Thaksin Shinawatra, Trương Quốc Vinh, Châu Nhuận Phát,...
Công trình tạc vào vách đá nằm đối diện núi Nga Mi, từng là tượng Phật lớn nhất thế giới, thu hút rất đông du khách tham quan mỗi dịp lễ tết tại Trung Quốc.
Nhờ công nghệ thanh toán hiện đại, người dân Trung Quốc nhận lì xì bằng cách dùng điện thoại quét mã QR ngay trên người "Thần Tài", thay vì tranh "hồng bao" như mọi năm.