Tại lễ phát động tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu ở Gia Lai chiều 9/7, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, cho biết từ năm 2013, bệnh bạch hầu đã xuất hiện trở lại tại khu vực này và có xu hướng tăng dần, trải rộng theo các năm.
Vì vậy, Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên. Đây là kế hoạch có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam.
Hơn 10 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp phục vụ tiêm chủng cho hơn 4,7 triệu người ở 4 tỉnh Tây Nguyên
Ông Chiến cho biết tuần này và tuần sau sẽ triển khai xét nghiệm bạch hầu tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Viện sẵn sàng cung ứng 500.000 liều vaccine cho Tây Nguyên trong một ngày nhưng khó khăn là người dân phần lớn ở vùng sâu vùng xa, chưa có ý thức tiêm phòng.
Nhóm đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là trẻ 2-48 tháng tuổi và trẻ 7 tuổi, triển khai đồng loạt tại tất cả xã, phường trên địa bàn Tây Nguyên.
Trong đó, nhóm 2-12 tháng tuổi sẽ được rà soát triệt để các trường hợp sót, thiếu mũi để tiêm bổ sung vaccine SII theo đúng quy định.
Nhóm 13-18 tháng được tiến hành tiêm ngay một mũi vaccine SII (không chờ 18 tháng tuổi). Nhóm từ 19-48 tháng tuổi tiến hành tiêm bổ sung bằng vaccine DPT cho trẻ chưa tiêm đủ 4 mũi.
Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Bộ Y tế. |
Nhóm trẻ 7 tuổi sẽ tiêm 2 mũi vaccine Td ngay trong chiến dịch. Tất cả phải đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 90%, không để vùng trắng về tiêm chủng ở quy mô cụm dân cư trở lên.
Chiến dịch còn tiến hành tiêm chủng vaccine Td cho nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên. Đối tượng này sẽ tiêm nhắc 2 mũi vaccine Td, mỗi mũi cách nhau một tháng.
Nhóm này sẽ được chia làm 2 đối tượng khác nhau: 49 tháng đến 40 tuổi và trên 40 tuổi.
99% ca bệnh ở Tây Nguyên nằm trong nhóm 49 tháng đến 40 tuổi (khoảng 3 triệu người). Do đó, nhóm này được ưu tiên tiêm trước. Kế hoạch tiêm theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (tháng 7-8): Tất cả huyện/thị có ca bệnh bạch hầu của năm 2019 trở lại đây triển khai đồng loạt. Ưu tiên tiêm các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trước.
Giai đoạn 2 (tháng 9-11): Tất cả huyện/thị từng có ca bệnh bạch hầu từ năm 2013 đến nay và những vùng lân cận cũng triển khai đồng loạt, ưu tiên tiêm các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 3 (tháng 12/2020-2/2021): Tất cả huyện còn lại (20 huyện) sẽ được triển khai đồng loạt.
Theo ông Chính, các đối tượng thuộc chương trình TCMR và giai đoạn 1 phải triển khai ngay. Với giai đoạn 2-3, trong quá trình triển khai, khu vực nào thuộc nhóm này xuất hiện ca mắc mới sẽ được điều chỉnh thành giai đoạn 1 hoặc 2, khẩn trương tiến hành ngay chiến dịch tiêm vaccine phòng bạch hầu cùng với hoạt động chống dịch, xử lý ổ dịch. Tùy theo nguy cơ, năng lực cung ứng vaccine, chương trình có thể mở rộng các huyện, thị giai đoạn 2 cho người dân tộc thiểu số.
Nhóm trên 40 tuổi sẽ triển khai giai đoạn 4 cho khoảng 1,3 triệu người và các đối tượng sót.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 8/7, Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca, Gia Lai có 16 ca, Kon Tum có 24 ca.