Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiệm nail, quán cơm đóng cửa, chuyển sang bán rau củ, trái cây

Phải tạm ngừng hoạt động theo Chỉ thị số 16, việc chuyển đổi sang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu là cách nhiều chủ nhà hàng, cơ sở dịch vụ trụ lại trong làn sóng dịch thứ 4.

- Chú ơi, có dưa chua không ạ?

- Có cháu ơi, nhưng dưa gần cuối mẻ, chua nhiều đấy. Cháu nấu canh cá đúng không, vậy lấy ít hành lá và rau thì là nữa nhé, chú tính thêm 1.000 đồng thôi.

Khoảng 16h, quầy rau của ông Hà (sinh năm 1974) trong con ngõ trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu có khách mở hàng buổi chiều. Nhiệt tình hỏi han, tư vấn nhưng chưa quen lắm với việc bán hàng, thi thoảng, ông phải nhìn lại bảng giá các mặt hàng, lúng túng lấy túi, tiền thừa cho khách.

Vốn kinh doanh quán cơm, phở, ông Hà bắt đầu chuyển qua bán một số loại rau củ quả vài ngày trở lại đây, kể từ khi phải tuân thủ Chỉ thị số 16 về phòng chống dịch Covid-19.

"Thực ra tiền lời mỗi ngày cũng chỉ vừa đủ kinh phí mua thực phẩm cho gia đình trong hôm đó chứ chẳng được là bao. Tuy nhiên, giữa thời điểm hiện nay, đó là cách duy nhất tôi có thể làm để cầm cự, chờ ngày được bán hàng ăn trở lại", ông nói với Zing.

hang an Ha Noi ban rau cu qua anh 1

Ông Hà bán một số loại rau củ sau khi phải ngừng kinh doanh quán ăn.

Tìm cách xoay xở

Nói là quầy, thực chất chỗ của ông Hà chỉ là sạp rau nhỏ với dăm cân khoai tây, cà tím, chanh, bầu, ít rau muống, cải ngọt, trứng, chuối... và một số loại rau gia vị. Tất cả được xếp vào giỏ lớn hay trên vài chiếc bàn nhựa vốn là nơi để thực khách ăn uống. Bên ngoài, dây được quây kín quầy hàng ngăn khách đến mua đứng quá gần người bán.

Quán chủ yếu phục vụ người dân trong con nhõ ngỏ và một số sinh viên, người lao động bị kẹt lại Hà Nội do dịch bệnh. Giá thành được bán tương đương các chợ dân sinh.

Vốn kinh doanh hàng ăn, ông Hà quen biết một số đầu mối cung cấp rau củ và nhập hàng tại đây về bán. Mỗi sáng, sau khi nhận hàng, ông bắt đầu mở cửa từ 7h, 8h và bán đến khoảng 20h.

hang an Ha Noi ban rau cu qua anh 2

Một góc quán ăn được tận dụng làm nơi bày rau củ quả.

Xác định lượng khách không nhiều, ông Hà chỉ nhập mỗi loại vài kg để bán hết trong ngày, đảm bảo tươi ngon, các loại củ, quả có thể lấy nhiều hơn vì trữ được lâu.

"Khách đến mua cũng lác đác lắm, phần vì người dân ngại ra ngoài, phần vì mỗi lần đi chợ, họ thường mua đồ ăn cho cả vài ngày nên không đến thường xuyên. Nhưng túc tắc được ít nào hay ít đó, chứ ngồi không một chỗ tôi cũng không biết trụ lại làm sao".

Bán cơm, phở và một số món ăn bình dân khoảng 3, 4 năm nay, quán ăn rộng vài chục mét vuông của vợ chồng ông Hà là nơi cung cấp việc cho 4 nhân viên toàn thời gian. Khi có quy định ngừng bán tại chỗ, chỉ được ship hàng, ông phải cho nghỉ bớt 2 người về quê.

"Từ lúc kinh doanh đến giờ, đây có lẽ là khoảng thời gian khó khăn, khủng hoảng nhất đối với tôi. Tuy nhiên, tôi hiểu đây là tình cảnh chung. Mỗi người chịu khó một chút, cùng tuân thủ các biện pháp chống dịch, tôi tin virus SARS-CoV-2 sẽ sớm bị đánh bại để không chỉ những người kinh doanh như chúng tôi mà mọi người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường".

Mong dịch sớm được kiểm soát

Con gái của bà Y. (quê Tuyên Quang) thuê một cửa hàng trên phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) để mở tiệm nail khoảng 4 năm nay. Thi thoảng có nông sản ở quê gửi xuống, bà bày tại một góc trước cửa tiệm để bán.

Tuy nhiên, cũng từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát và việc kinh doanh của con gái phải ngừng lại, toàn bộ cửa tiệm trở thành nơi bà bày bán thanh long nhà trồng và một ít bí thơm Bắc Kạn.

"Đáng lẽ tôi cũng không định bán, nhưng ở quê thu hoạch xong cũng khó tiêu thụ, mà nhà thuê tại Hà Nội vẫn phải trả tiền nên tôi tận dụng. Dù vậy, chi phí vận chuyển đã cao gấp đôi trước do phía nhà xe phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch".

Từ năm ngoái, tiệm nail của con gái bà Y. đã gặp nhiều khó khăn khi các đợt dịch bùng phát. Với ít thanh long, bí "lấy công làm lãi", bà hy vọng có thể hỗ trợ con gái lo liệu chút tiền thuê nhà.

"Dù bán nhỏ lẻ, tôi vẫn tuân thủ các quy định phòng chống dịch, luôn yêu cầu khách hàng đứng sau làn dây cách cửa hàng 2 m. Thời điểm này, khó khăn đã là tình cảnh chung của mọi người, hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi".

Chung mong mỏi với bà Y., một chủ quán bún chả, bún đậu trên phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy) cũng cho biết đang tìm cách cầm cự để đợi ngày được thấy khung cảnh khách vào quán tấp nập trở lại.

Thời gian này, chị tranh thủ bán ít tỏi, hành khô nhà trồng ở quê Bắc Ninh gửi ra, vừa tính nhập thêm chút rau củ tươi về bán, tận dụng lợi thế nhà ở, cũng là cửa hàng, ở mặt đường. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp nhiều khó khăn bởi một số chợ đầu mối đóng cửa, việc tìm nguồn hàng không dễ.

"Lúc còn được bán đồ mang về, tôi làm thêm ít chả cốm, nem rán nhưng phí ship cao quá nên nhanh chóng không trụ được. Giờ chỉ mong dịch sớm qua đi, những ngày này có lẽ sẽ là quãng thời gian kinh doanh đáng nhớ nhất trong đời tôi", chị tâm sự.

Đi tình nguyện chống dịch ở TP.HCM, chàng trai quyết tâm bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá nhiều năm, Lê Quốc Bảo hạ quyết tâm cai để đảm bảo có sức khỏe tốt khi đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Ánh Hoàng

Bạn có thể quan tâm