Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tiệm tóc báo giá 600.000 đồng nhưng tính tiền gấp 4 ngày cận Tết

Quỳnh Thy tìm đến salon sau khi đọc tin quảng cáo về combo làm tóc 599.000 đồng. Tại đây, nhân viên thông báo chi phí tăng lên 2,6 triệu đồng bởi tóc cô nhiều hư tổn.

Nhiều người bàng hoàng bước ra khỏi tiệm tóc vì hóa đơn hàng triệu đồng không được báo trước. Ảnh minh họa: Thụy Trang.

27 tháng Chạp (tức 18/1 Dương lịch), Quỳnh Thy (25 tuổi, quận 3, TP.HCM) mới sắp xếp được thời gian để đi làm tóc. Tuy nhiên, sau một tiếng chờ đợi và 20 phút nghe nhân viên salon tư vấn, cô quyết định ra về.

Chia sẻ với Zing, Quỳnh Thy cho biết mình tìm đến salon này sau khi xem được quảng cáo ưu đãi trên mạng xã hội. Combo cắt, uốn, nhuộm, bọc collagen tại đây chỉ có giá 599.000 đồng.

Thậm chí, khi gửi hình ảnh độ dài tóc, chất tóc của mình cho salon, cô vẫn được nhân viên khẳng định mức giá chỉ 599.000 đồng, không phụ thu, đồng thời tặng thêm dịch vụ hấp tóc cao cấp, bảo hành 3 tháng.

"Chỉ khi tôi đến salon chờ đợi, kỹ thuật viên mới thông báo chi phí nhuộm tóc, phủ bóng của tôi là 2,6 triệu đồng. Tôi đứng dậy ra về luôn, ai cũng ngoái lại nhìn", Quỳnh Thy kể lại.

Xếp lịch, chờ đợi

Tết Nguyên đán là mùa bận rộn nhất trong năm đối với các salon tóc, tiệm spa, làm móng... Nhiều cửa tiệm tung chương trình giảm giá, tri ân khách hàng nhằm thu hút sự chú ý.

lam toc anh 1

Tin nhắn Quỳnh Thy được nhân viên tư vấn về chi phí dịch vụ.

Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng phải chờ đợi, đặt lịch rồi "ngã ngửa" khi nghe báo giá gấp 3, gấp 4 lần so với quảng cáo hoặc con số dự tính ban đầu.

Thế nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng ra về như Quỳnh Thy.

Ngồi tại một salon làm tóc, Nga Trần (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) như ù tai vì những lời tư vấn của các chuyên viên, thợ phụ, đội ngũ lễ tân... Họ thay nhau tư vấn cho cô các gói phục hồi chuyên sâu, chăm sóc, tạo kiểu.

"Tóc em khô xơ quá nhỉ, thế này nhuộm kiểu gì cũng xấu".

"Tóc này mà không phục hồi thì không làm được gì đâu em ơi, nhiều salon là họ từ chối nhận đó".

Đó là 2 trong số nhiều lời nhận xét mà nhân viên salon nói với nữ khách hàng. Ngại ngùng trước lời chê bai, đồng thời lo ngại mái tóc khô xơ sẽ khiến diện mạo của mình xấu đi vào dịp Tết, Nga ậm ừ, gật đầu trước những liệu pháp mà salon gợi ý.

"Họ nói rằng sát Tết rất đông khách, đáng lẽ sẽ không nhận những trường hợp tóc hỏng, yếu như của tôi. Trong thời gian xử lý mái tóc của tôi, họ có thể nhận được nhiều khách hơn", Nga chia sẻ, ái ngại nhìn đồng hồ đã điểm 21h.

lam toc anh 2

Nga Trần bối rối vì bị chê bai mái tóc cũ và đề nghị một loạt dịch vụ hấp, xả phục hồi.

Lan Anh (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) tự nhận mình là một "nạn nhân" làm đẹp ngày Tết.

Cô dành thời gian nghỉ trưa tại văn phòng để xem clip quảng cáo, review làm xoăn, nhuộm màu nổi bật của nhiều cơ sở làm tóc.

Mặc dù các salon đều công bố mức giá làm hóa chất khá hợp lý, từ 399.000 đồng đến 699.000 đồng, Lan Anh vẫn lo ngại về khoản tiền thật sự phải bỏ ra trong giai đoạn cao điểm này.

Sau khi liên hệ với 3-4 bên, cô đều hỏi kỹ càng về chi phí và nhận được câu trả lời là phải đến tận nơi để xem chất tóc, độ dày, dài của mái tóc.

Cuối cùng, khi "chốt" được một cơ sở cam kết không phụ thu, không thay đổi bảng giá Tết, cô lại bị thêm vào danh sách chờ.

"Salon thông báo rằng từ 23 Âm lịch trở đi, họ kín khách trong tất cả khung giờ. Họ chỉ có thể phát số trước để tôi đến ngồi chờ, nếu trống chỗ thì vào làm", Lan Anh cho biết.

Rủi ro với dịch vụ giá rẻ

Sau khi Nga Trần đồng ý với liệu pháp phục hồi, 2-3 chuyên viên làm tóc bắt đầu đánh đèn, chiếu thẳng vào mái tóc của cô. Ngay gần đó, một nhân viên khác đang nhanh chóng pha thuốc, chuẩn bị máy móc để tiến hành "giải cứu" mái tóc của khách hàng.

1h sáng, sau 5-7 công đoạn, cô mới có thể đứng dậy ra về và là vị khách cuối cùng rời khỏi salon. Đây cũng là thời điểm cô bất ngờ khi nhận hóa đơn hơn 3 triệu đồng, gấp 3 lần con số dự tính ban đầu.

"Tờ hóa đơn dài, liệt kê hàng chục dịch vụ như ủ phục hồi, hấp, bọc keratin... Thú thực, sau 4 tiếng nghe các bạn nhân viên tư vấn quá nhiều, tôi không nhớ rõ mình có đồng ý thực hiện các dịch vụ kể trên hay không", Nga nói.

Và cũng vì không chắc chắn về quyết định lúc đầu của mình, cô không dám hỏi lại mà đưa thẻ ngân hàng cho lễ tân thanh toán. Sờ mái tóc mềm mại, lên màu nổi bật, cô đành bấm bụng: "Âu cũng là dịp Tết!".

lam toc anh 3

Lan Anh bức xúc sau 6 tiếng "chôn chân" tại salon vì mái tóc không đẹp như kỳ vọng.

Đồng cảnh ngộ với Nga Trần, Lan Anh cũng rời khỏi salon sau 6 tiếng đồng hồ với tâm lý thất vọng.

Đúng như cam kết, cơ sở làm tóc này không thay bảng giá dịp Tết Âm lịch, song vẫn gợi ý cô sử dụng dầu cặp (dầu gội đến từ thương hiệu cao cấp) khi gội đầu, mua thêm tinh chất dưỡng tóc sử dụng tại gia...

Sau khi Lan Anh cương quyết nói không với các dịch vụ, sản phẩm đính kèm, nhân viên salon cảnh báo về chất lượng làm tóc.

"Họ nói rằng vẫn sẽ thực hiện theo yêu cầu của tôi, nhưng không đảm bảo kết quả như mong đợi", nhân viên văn phòng này chia sẻ.

Trong suốt thời gian tại salon, Lan Anh nhận thấy mình không được phục vụ chu đáo. Chuyên viên làm tóc ưu tiên những khách hàng chấp nhận dùng thêm dịch vụ, bỏ ra nhiều tiền hơn.

Lần lượt nhìn khách khác ra về, cô sốt ruột giục giã và nhận lại thái độ thờ ơ, yêu cầu chờ đợi từ phía nhân viên.

Nhìn mái tóc đã hoàn thành trong gương, Lan Anh tỏ ra không hài lòng bởi lọn xoăn nhỏ và ngắn hơn ảnh mẫu. Tuy nhiên, nhà tạo mẫu tóc nói rằng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của cô.

Không muốn đôi co thêm, cô chấp nhận ra về, hy vọng có thể khắc phục tại nhà sau những lần gội đầu.

"Tôi hiểu dịch vụ làm tóc ngày Tết chắc chắn sẽ khó chu đáo như bình thường, nhưng không nghĩ thành quả lại tệ đến vậy, đúng là tiền nào của nấy. Tôi không có ý định quay lại salon này thêm một lần nào nữa", cô cho hay.

Trao đổi với Zing, anh Trần Anh Tuấn (31 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM), quản lý một salon tại quận 1, cho biết tình trạng "chạy quảng cáo một đằng, báo giá một nẻo" đã xảy ra nhiều năm qua, tại cả những tiệm lớn và nhỏ.

Tại salon của anh, khi nhận được yêu cầu báo giá, nhân viên tư vấn đều đề nghị khách hàng cố thu xếp đến chi nhánh gần nhất để được kỹ thuật viên kiểm tra chất tóc và tư vấn các dịch vụ kèm theo.

"Tôi đảm bảo không thể báo giá chính xác qua vài dòng tin nhắn vì giá tiền làm dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất tóc, độ dài, mỏng, các loại thuốc, kem, xả, dầu dưỡng kèm theo", anh Tuấn khẳng định.

Quản lý này cho rằng để tìm được salon uy tín, mọi người có thể tham khảo qua bạn bè, đồng nghiệp. Đây là những người mà bạn gần gũi nhất, có thể dễ dàng quan sát kiểu tóc, độ bền mái tóc của họ sau khi làm dịch vụ.

"Bạn cũng có thể tìm kiếm cơ sở làm tóc uy tín, có nhiều lượt bình chọn, được đánh giá cao trên mạng. Không nên xem quảng cáo, review từ những nguồn thiếu uy tín", anh nói thêm.

Anh Tuấn cho biết khi đến salon làm tóc, khách hàng cũng nên quan sát toàn bộ cửa tiệm, xem cách làm việc của nhân viên, các sản phẩm được họ sử dụng và trưng bày.

Ngoài ra, bạn cũng nên đặt nhiều câu hỏi cho kỹ thuật viên tư vấn về độ phù hợp, cách chăm sóc kiểu tóc, toàn bộ chi phí cần chi trả, tránh bản thân rơi vào tình huống khó xử khi nhận hóa đơn thanh toán.

Những việc nên hoàn thành trước kỳ nghỉ Tết

Để thực sự tận hưởng mùa Tết Nguyên đán, bạn nên dành thời gian dọn dẹp màn hình máy tính cá nhân. Bên cạnh đó, dù không tìm việc, cập nhật CV cũng là lựa chọn tốt.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm