Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa thứ hai
Hung thủ trong vụ án là Trần Nhật Duy (20 tuổi, ngụ Gò Công, tỉnh Tiền Giang), có quan hệ đồng tính với nạn nhân là anh Vạn Anh Tuấn (30 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Do bị bạn tình ghen tuông quản thúc, ngăn cấm giao lưu với người khác, Duy đã đầu độc chết anh này, sau đó cưa xác thành nhiều phần mang phi tang. Bạn gái Duy cũng là đồng phạm trong vụ án.
Theo thông tin từ công an TP.HCM, đến thời điểm này đã tìm thấy phần đầu và hai chân của nạn nhân, riêng phần tay hung thủ khai vứt tại khu vực bến phà Mỹ Lợi (tỉnh Tiền Giang), cảnh sát vẫn đang tích cực tìm kiếm.
Hành vi của đối tượng khiến dư luận liên tưởng đến vụ Nguyễn Đức Nghĩa cách đây 4 năm. Vào tháng 5/2010, tại một khu chung cư ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Nghĩa (khi đó 26 tuổi, ngụ Hải Phòng) đã đâm chết người yêu cũ, sau đó chặt xác thành các phần nhỏ đem phi tang.
Nhiều người không thể cắt nghĩa tại sao Duy và Nghĩa - những thanh niên vốn được nhận xét là hiền lành, học hành bài bản lại có hành động tàn nhẫn với người từng một thời mặn nồng với mình như vậy?
Nguyễn Đức nghĩa (trái) và Trần Nhật Duy. |
Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, hành vi giết người rồi tìm cách phi tang đã từng xảy ra ở một số nơi trước đó. Tuy nhiên, điều khiến dư luận xã hội bàng hoàng, bức xúc ở hai vụ án trên là hung thủ gây án đều còn rất trẻ, được học hành nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội dã man, lạnh lùng.
Đặc biệt, thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội tinh vi như tội phạm chuyên nghiệp. Nạn nhân của hai vụ án đều là những người từng có tình cảm gắn bó với hung thủ. Dư luận đặc biệt quan tâm đến hai vụ này cũng bởi sự “kích ứng” của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số.
Do thiếu kỹ năng sống
Về động cơ gây án của Duy và Nghĩa, Đại tá Thìn cho rằng, hành động giết người dã man của hai thanh niên đều xuất phát từ động cơ nội tâm, muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh bất lợi cho bản thân hoặc muốn thỏa mãn về nhu cầu vật chất, tình cảm không chính đáng.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, Đại tá Thìn lý giải: Độ tuổi của Duy và Nghĩa, nhận thức, hiểu biết về pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng sống còn nhiều hạn chế. Một bộ phận có những khuyết tật về nhân cách, khi có động cơ tiêu cực và gặp hoàn cảnh, môi trường thuận lợi họ có thể sa vào tội lỗi.
Trong một thế giới phẳng, thông tin đa chiều như hiện nay, có rất nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến chúng ta, nhất là giới trẻ. Những vụ án được mô tả chi tiết, ly kỳ, giật gân, kích thích sự tò mò xuất hiện tràn lan trên sách, báo, điện ảnh… đã làm cho một bộ phận giới trẻ bị tiêm nhiễm, bị kích thích, bị lôi cuốn bởi yếu tố tâm lý tiêu cực, đến mức độ nào đó nó trở lên trơ lỳ, vô cảm. Điều này nguy hiểm nếu người bị tiêm nhiễm thực hiện hành vi phạm tội.
Sau khi án mạng xảy ra, gia đình hung thủ đều chia sẻ con cái họ vốn ngoan, lễ phép, được lớn lên trong tình yêu và sự bao bọc của người thân. Không ai ngờ các thanh niên vốn hiền lành đó lại trở thành những “sát thủ máu lạnh”.
Theo Đại tá Thìn, ngoài những yếu tố về hoàn cảnh, những động cơ nội tâm biến họ từ “con ngoan, trò giỏi” thành những kẻ giết người, yếu tố giáo dục đóng vai trò nền tảng. Những người này thường không được hưởng sự giáo dục đầy đủ về nhân cách, dù có thể họ lớn lên trong một gia đình lương thiện hoặc môi trường học tập bình thường.
Theo Đại tá Thìn, những vụ án giết hại người tình phản ánh một hiện tượng xã hội tiêu cực, xuất phát chính từ mâu thuẫn được tích tụ trong đời sống riêng của hai người. Họ không có kỹ năng, không có môi trường thuận lợi để hóa giải những mâu thuẫn đó, dẫn đến những hành vi bộc phát hoặc hành vi có tính toán kỹ lưỡng nhằm loại bỏ quan hệ bất lợi cho cuộc sống của thủ phạm.
Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, những vụ án giết người rồi tìm cách phi tang có chiều hướng gia tăng. Dẫu không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng hành vi này có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đây là một thủ đoạn gây án, che giấu hành vi phạm tội rất man rợ.Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng này, theo Đại tá Thìn, điều cốt lõi phải nâng cao nhận thức về pháp luật cho mọi người dân, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi có sự hiểu biết về pháp luật, người ta mới biết điều chỉnh hành vi của mình.
Cần phải coi trọng vấn đề giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành; đồng thời phải hạn chế những yếu tố tiêu cực từ cuộc sống để tạo môi trường xã hội lành mạnh, ngăn ngừa tội phạm.