Tiến sĩ văn học nói về sách tình ái '50 sắc thái'
Bộ ba "50 Sắc thái" của E.L.James - mà cô học trò cứ ngần ngại mãi mới dám tặng tôi vì sợ thầy mắng – in ở trang bìa dòng chữ “Độc giả cân nhắc trước khi đọc”, với tôi đó không chỉ là chiêu câu khách mà thực sự là lời cảnh báo nghiêm túc với bạn đọc.
Đó là những chia sẻ thẳng thắn của tiến sĩ văn học Nguyễn Việt Hùng (ĐH Sư phạm Hà Nội) về cuốn sách đang gây tranh cãi dư luận, xung quanh một tác phẩm văn học và những tình tiết khiêu dâm - 50 sắc thái, do Alpha Book phát hành vào tháng 1 vừa qua.
Dưới đây là toàn bộ bài viết của tiến sĩ Việt Hùng:
Câu chuyện kể về cô nữ sinh ngành văn Steele, trong một lần thay bạn mình đi phỏng vấn Christian Grey – CEO của một tập đoàn kinh doanh khổng lồ. Cô đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp quyến rũ, bí ẩn, lịch thiệp của Grey và tình nguyện trở thành “người phục tùng” nhu cầu tình dục của anh ta. Nhưng cô nhanh chóng nhận ra những trò chơi bạo lực tình dục của Grey và quyết tâm chạy trốn khỏi những sự hành hạ thể xác đó. Năm ngày xa Grey, cô không ăn không ngủ và chợt nhận ra những đau đớn về thể xác, nỗi tủi nhục bị giày vò, sự ê chề của mình lúc quan hệ với Grey không khốn khổ bằng cảm giác xa anh ta. Thế rồi chàng CEO trở lại từ tốn, lãng mạn, nhẹ nhàng hơn bằng sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ với Steele. Chính bản thân Steele cũng nhận ra những khao khát, những ham muốn ẩn chìm trong tiềm thức mình và những cảm giác đó càng mãnh liệt khi cô nghe bất cứ thứ gì, nhìn thấy gì liên quan đến Grey. Và họ trở lại với nhau theo một “luật lệ” của hai người: Steele muốn yêu không có đánh đập, không có dụng cụ hỗ trợ, theo cách của cô, Grey cũng chấp thuận. Hai người có thời gian để khám phá cảm xúc và những ham muốn của thể xác, cùng với những ghen tuông, giận hờn, những lo âu, đe dọa từ bên ngoài… Giữa tất cả những thứ đó, họ vẫn biết thưởng thức tình yêu và thỏa mãn nhục cảm…
Vấn đề gây tò mò, tranh cãi hay hấp dẫn nhất của tác phẩm chính là việc miêu tả những cảnh làm tình chi tiết cụ thể, tỉ mỉ: từ những va chạm đầu tiên cho đến những phút thăng hoa của hai người. Với mục đích thể hiện tất cả những khám phá bản thân, những trải nghiệm đời sống tình dục của người phụ nữ, tác giả 50 sắc thái đã cho người đọc đi từ hết ngóc ngách của cảm xúc, của cơ thể, của những đòi hỏi với cường độ cao một cách không ngại ngần. Những cảnh như vậy khiến tác phẩm chông chênh giữa một bên là tiểu thuyết tình yêu với một bên là những truyện khiêu dâm. Sự chông chênh đó càng nguy hiểm hơn, mong manh hơn đối với các bạn trẻ, và thực sự là đối với tất cả chúng ta cũng vậy. Những cảnh đó có thể khiến những người nghiêm túc (nghiêm khắc) đỏ mặt mà quăng quyển sách đi, nhưng cũng khiến những kẻ kiếm tìm sex thì lần mò tìm đọc cho bằng được. Nhưng cảm giác chung là những cảnh đó không thô tục, không khiến người ta kinh hoàng hay ghê tởm mà chúng chỉ có một nhược điểm là nói quá thật, quá tỉ mỉ về chuyện tình dục.
Ngôn ngữ tự nhiên được con người chia ra thành hai thái cực: thanh và tục. Hành vi của con người được chia thành đúng/sai; chuẩn mực và phi chuẩn mực; đạo đức và phi đạo đức. Vậy thì những ranh giới đó từ đâu mà có? Câu trả lời là chính do con người đặt ra. Điều trớ trêu của thế giới này là chính những thứ không có thật/hoàn toàn do con người tạo ra lại thành những ranh giới, những rào cản của con người. Bước qua hay không bước qua, đứng ở vị trí nào lại quy định nhân cách, hành vi của con người đó là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều thời gian.
Trong ngôn ngữ, lấy ví dụ những từ chỉ bộ phận cơ thể người, ở khía cạnh hành chính – công vụ, ở các văn bản quy phạm người ta dùng những từ (được gọi là chuẩn mực) và trong giao tiếp thường ngày những người tôn quý, đạo đức nhất luôn sử dụng đúng. Vậy thì chính những vị đó, lúc làm tình với vợ/ chồng hay đối tác của họ, thì họ dùng loại từ ngữ nào (bình dân - thô tục? hay thanh cao? hay im lặng?). Như vậy, ngôn từ không phải do ai dùng, dùng từ nào mà vấn đề trong hoàn cảnh nào thì sử dụng từ ngữ nào. Vấn đề này gợi nhớ việc nhạc sĩ Trần Tiến tham gia Cặp đôi hoàn hảo được 3 số thì bị bật bãi vì ông ấy dám gọi cái mông là mông, ngực là ngực. Lẽ ra muốn đi xa hơn ông nên nhã nhặn hơn, thanh tao hơn. Rồi trong triển lãm khó khăn lắm mới xin được phép của Thái Phiên, có người bình bức ảnh Mầm sống (cô gái khỏa thân nằm trong hốc đá) là “dâm tục” thì ngay lập tức có người phản bác bằng câu nói của một danh nhân (mà ở ta dẫn danh nhân cứ như một sự đảm bảo): bức ảnh nghệ thuật như thế mà nhìn ra dâm tục thì người ta nhìn ảnh Đức Phật cũng thấy dâm tục!
Trong giới nghiên cứu văn chương, có một giai thoại nổi tiếng: Có một cô học trò sau mấy ngày nghỉ để lấy chồng, trở lại lớp cứ cúi mặt xuống bàn cười rúc rích. Thấy vậy giáo sư mới hỏi lí do. Cô ấy đứng dậy đỏ bừng mặt nói: Em kết hôn rồi mới biết rằng hóa ra các thầy cũng làm tất cả những việc như đàn ông họ làm, thế thì em buồn cười lắm.
Câu chuyện này là để nói dù bạn là ai, ở bất cứ địa vị nào, thì bạn cũng chỉ là con người thôi chứ không phải là một loại gì khác.
Tâm lý xấu hổ thực chất không có với các hành vi cá nhân và đó chỉ là cảm giác bị phơi bày trước đám đông. Giống như một thằng ăn trộm, chẳng bao giờ nó thấy đấy là xấu và ăn năn và những cảm giác đó chỉ khi bị bắt quả tang. Thế nên, người ta phê phán thì cứ phê phán nhưng rồi người ta âm thầm đọc nó. Cũng như người ta vốn dĩ định phê phán Hồ Xuân Hương dâm tục, Thị Màu lẳng lơ, Xúy Vân phụ bạc, cô Kiều dâm đãng nhưng rút cục ai cũng thương cảm, xót xa cho những thân phận đó. Hơn thế, họ còn thấy một sự đồng cảm và có phần hả hê vì những con người đó đã nói thay cho những khát vọng thầm kín của họ.
Và tôi cho rằng nghệ thuật rõ ràng cần một con mắt cảm nhận. Một người chỉ cần tìm những cảnh làm tình, những sự khêu gợi hoàn toàn có thể tìm thấy trong cuốn sách này. Nhưng điều đó kích thích chúng ta, dẫn đến hành vi nào là cả một quá trình chứ không phải mọi thứ đều do những con chữ gây ra. Nhưng mỗi người đọc sẽ tìm cho mình những cảm nhận riêng.
Thực tế, 50 sắc thái được viết rất thật, cả ở nội dung, nhân vật, ngôn từ. Tác giả đưa vào những bức thư điện tử giữa hai nhân vật chính (gồm cả giao diện của email: người gửi, người nhận, ngày tháng, địa điểm, nội dung…) tạo cảm giác chân thật như chính chúng ta đang khám phá những bí mật của nhân vật. Hứng thú, hồi hộp đọc lướt những khoảng trắng của email giống như cảm giác vội vã khi đọc trộm thư của ai đó.
Các bạn trẻ cũng học được những điều tốt đẹp, đặc biệt là cách cư xử của con người hiện đại.
Steele nhận món quà iPad từ Grey sau 5 ngày chia tay. Grey tặng iPad chắc chắn khác với cách chúng ta tặng: không nguyên đai nguyên kiện mà anh ta chụp ảnh kỷ vật của Steele làm deskop, cài những bản nhạc mà cô thích nghe, để sẵn những ứng dụng.
Steele đã viết thư gửi lại cho Grey:
Anh lại làm em bật khóc rồi
Em yêu chiếc iPad
Em yêu những bài hát
Em yêu ứng dụng thư viện nước Anh
Em yêu anh
Cảm ơn anh
Grey trả lời:
Thật vui vì em thích nó. Anh mua một chiếc cho mình rồi
Bây giờ mà anh ở đó anh sẽ hôn cho em khô hết nước mắt thì thôi
Nhưng anh không có ở đó nên em ngủ đi
Những cảnh Steele nấu bữa ăn tối, trò chuyện nghe nhạc tạo cảm giác thư thái cho người đọc. Đặc biệt, tác giả rất khéo léo sắp xếp cho sự trở lại của Grey với cô Steele bằng cảnh đến thăm triển lãm ảnh người bạn của Steele là Jose. Grey đã mua tất cả những bức ảnh Jose chụp chân dung Steele như những anh chàng muốn sở hữu tất cả những thứ của người yêu mình. Nhưng có lẽ trong đời thực ít có ai nói thế này với người mình yêu: “Những bức ảnh bạn em chụp em vô lo và xinh đẹp. Em ngồi đây vẫn xinh đẹp, nhưng anh có thể nhìn thấy nỗi đau của em”. Chỉ bằng câu nói đó, Grey đã thay đổi từ kẻ chinh phục, thợ săn thỏa mãn nhục dục của bản thân sang cảm giác yêu. Đó cũng chính là quy luật của tình yêu, một quy luật cao đẹp chứ không hề tầm thường: Chính tình yêu khiến tình dục trở nên đẹp đẽ. Mọi sự chiếm đoạt thân xác sẽ được thay thế bằng sự dâng hiến, sự trân trọng cảm giác của nhau và khiến cho sự giao hoan trở thành nghệ thuật của cơ thể và sự thăng hoa cảm xúc tình yêu. Xưa nay chẳng thấy ai xấu hổ vì giỏi chuyện chăn gối cả, thay vào đó cảm giác xấu hổ chỉ dành cho những kẻ bệnh hoạn hay kém cỏi vì ngay cả những xúc cảm từ chính bản thân mình cũng không thể có được.
Cho nên cuối cùng Steele đã phải thừa nhận, những đau đớn mà Grey đem lại cho cô cũng là sự sung sướng, khoái lực và “anh làm thế vì em vượt qua một số giới hạn tự nhiên nào đó (trang 50, cuốn 2 Đen).
Đó có lẽ là lời nhắn nhủ của tác giả với chúng ta. Liệu có thể vượt qua được những giới hạn của chính mình hay không?
Thiên Thanh
Theo Infonet