Dường như tiếng mõ tre chống cướp trên biên giới đã trở nên quen thuộc với người dân ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An từ lâu lắm.
Ông Đặng Sầu Riêng - Trưởng ấp - được bà con nơi đây quen gọi với cái tên trìu mến “ông Bảy Sầu Riêng”. Ông là người đầu tiên nghĩ ra mô hình “Tiếng mõ tre chống cướp trên biên giới”, làm đổi thay bộ mặt nông thôn nơi đây.
Gặp “cha đẻ” của tiếng mõ tre
Ông Bảy kể: “Cách đây chừng 10 năm, tại ấp bỗng xuất hiện một băng nhóm “xã hội đen” thường xuyên hoành hành, tác oai tác quái nhân dân quanh vùng. Đêm đêm, chúng dùng xe phân khối lớn phóng bạt mạng, nẹt pô xì khói đen ngòm, gầm rú như điên, phá tan giấc ngủ của xóm làng. Chúng nhòm ngó những nhà có nhiều gia súc, gia cầm, ngang nhiên vào bắt mà dân tình ai nấy đều im phăng phắc, không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Có nhà còn bị chúng dắt cả chuồng trâu đi mà không làm gì được”.
Ông Bảy Sầu Riêng - “cha đẻ” của tiếng mõ tre bắt cướp. |
Bà Sáu Thu bức xúc: “Tội nghiệp nhất vẫn là mấy đứa nhỏ, mỗi khi nghe tiếng xe máy gầm rú giữa đêm lại giật mình khóc thét lên vì sợ bị bọn cướp đột nhập, tấn công. Những ngày ấy, cứ chập choạng tối, chưa đến 6h là nhà nào nhà nấy đều đóng cửa im ỉm, có việc gì cũng không dám ló mặt ra đường”.
Bên cạnh đó, xã Mỹ Quý Đông có địa hình giáp ranh với tỉnh Tây Ninh và biên giới Cam-pu-chia nên tình hình an ninh trật tư rất phức tạp. Ngày đó, người Cam-pu-chia thường xuyên sang đây buôn bán. Có một bộ phận kẻ xấu đã móc nối với bọn “đầu trộm đuôi cướp” trong ấp, hình thành nên các băng nhóm “xã hội đen” để trộm cướp.
Có thời gian cao điểm, bình quân một ngày trong ấp xảy ra 5, 6 vụ cướp có vũ trang. Bọn chúng đều là thanh niên trai tráng, rất hung dữ, lại thường xuyên đem theo vũ khí nóng, khi bị truy đuổi thì sẵn sàng bắn trả. Bọn chúng thường tụ tập, làm náo loạn vào mùa mưa, lợi dụng khi các lực lượng chức năng ít tuần tra để dễ bề hoạt động. Khi công an xã và dân phòng đến nơi thì chúng đã phóng xe mỗi đứa một ngả, “cao chạy xa bay” từ lúc nào.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương còn tìm cách giăng dây, mắc bẫy giữa đường và lấy gáo dừa đổ trên cầu để đêm tối bọn chúng chạy xe tăng tốc qua sẽ bị mắc vào dây hoặc bị lật xe bởi đống gáo dừa. Nhưng suy đi tính lại, cách làm này sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của bọn chúng và chưa thực sự hiệu quả. Đêm đêm, các băng nhóm vẫn thường xuyên hoành hành, khuấy đảo cuộc sống bình yên của người dân chân lấm tay bùn.
Ông Bảy Sầu Riêng, ngày đó là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp, tự nhận thấy trách nhiệm nặng nề của mình đối với dân, đêm ngày lo lắng, băn khoăn, trăn trở để nghĩ cách diệt trừ kẻ gian, phá tan băng nhóm trộm cướp hung dữ này. Ông Bảy nghĩ, ở Cam-pu-chia, khi trộm đột nhập có phong trào đốt đuốc để làm hiệu lệnh, nhưng với tình hình địa bàn ở đây, không thể đốt đuốc được vì sẽ rất dễ lộ, bọn cướp lại có súng nên chỉ cần nhìn thấy nơi nào đốt đuốc, chúng sẽ dùng súng bắn trả ngay.
Ông Bảy chợt nghĩ ra sáng kiến, ở đây nhà nào cũng trồng tre, nếu tận dụng cây tre để làm mõ chống cướp sẽ vừa tiện lợi lại vừa hiệu quả. Tiếng mõ trong đêm thường vọng rất xa, bọn cướp nghe tiếng mõ từ xa sẽ không thể phát hiện được từ đâu để bắn trả. Khi có hiệu lệnh, toàn dân cùng nổi lên, đồng loạt đánh mõ, bọn chúng sẽ khiếp sợ, kinh hồn bạt vía mà tháo chạy.
Thành công hơn mong đợi
Ông Bảy liền vạch ra các phương án “tác chiến”, báo cáo với chính quyền xã và Đồn Biên phòng Mỹ Quý Đông, các phương án lập tức được triển khai và thực hiện điểm ngay tại xã. Ban đầu, người dân trong ấp còn hoang mang và chưa tin vào hiệu quả của phong trào, vì lo sợ “bọn chúng có súng, có dao và rất hung dữ, mình chỉ đánh mõ thì làm được gì”, nhưng khi nghe ông Bảy thuyết phục, đông đảo nhân dân đều đồng tình hưởng ứng.
Từ đó, ấp 6 đã huy động lực lượng mua tre làm mõ, nhà nhà đều trang bị mõ. Ông Bảy trực tiếp đứng ra tập trung tất cả các lực lượng như công an, dân phòng kết hợp với quần chúng diễn tập hiệu lệnh của tiếng mõ và đưa ra các tình huống giả định để diễn tập suốt một thời gian dài và kết quả đã thành công ngoài ý muốn.
Ông Bảy Sầu Riêng nhớ lại: “Nửa đêm, băng nhóm lưu manh lại nẹt pô xe inh ỏi. Khi hay bọn chúng đến, tiếng mõ rầm rập vang lên, một nhà đánh mõ rồi cứ thế lan dần ra cả xã. Mõ càng lúc càng dồn dập, liên hồi, vang vọng khắp nơi. Người dân từ bốn phía cầm dao, gậy gộc, cuốc, xẻng nhất tề xông lên. Công an, dân quân xã bao vây, Biên phòng chặn các lối, các lực lượng chức năng phối hợp hiệp đồng tác chiến khiến bọn cướp không kịp trở tay. Bọn chúng hốt hoảng xuống xe tháo chạy, không còn lối thoát, chúng lao cả xuống sông, bơi tán loạn. Thấy các lực lượng chức năng càng lúc càng đông, chúng trầm mình dưới sông, núp vào các bụi lau sậy um tùm, gai góc, môi tím tái, tê lạnh. Trên bờ, tất cả các lực lượng đã bao vây tứ phía, người đốt đuốc, soi đèn khắp nơi. Bọn cướp đã hết đường chạy thoát”.
Vụ đầu tiên thành công, bắt gọn bọn cướp khiến người dân trong ấp mừng vui khôn kể. Ông Võ Văn Vét, người dân ấp Tân Lễ 2 cũng như nhiều người dân ở đây vui mừng nói: “Nếu như tiếng trống trường để triệu tập học sinh vào lớp học, tiếng chuông chùa để báo hiệu từng canh khuya thì người dân chúng tôi dùng tiếng mõ để triệu tập quần chúng chung tay bắt trộm bắt cướp, cứu hỏa... Nhờ thế mà tình hình gây rối trật tự đã giảm hẳn, trộm càng lúc càng sợ không còn dám lân la, bén mảng tới đây nữa”.
Tiếng mõ ngày càng vang xa
Không chỉ bắt tội phạm, tiếng mõ tre còn giúp người dân thoát khỏi nhiều vụ tai nạn hiểm nghèo. Ông Nguyễn Văn Bình kể lại: “Nhà tôi có hai vợ chồng và hai con nhỏ, cuộc sống còn khó khăn nên chúng tôi tối ngày làm việc ngoài đồng. Lũ trẻ tui đành vứt ở nhà để chúng tự trông nhau. Hôm ấy, hai vợ chồng lo cắt cỏ mướn ở xa nên tối mịt mới về nhà. Khi về thì thấy một bên vách nhà bị cháy rụi, không thấy hai cháu nhỏ đâu cả. Chúng tôi hốt hoảng đi tìm thì thấy chúng đang ăn cơm ngon lành bên nhà hàng xóm. Thì ra, buổi trưa do mải chơi, bất cẩn nên hai cháu đã lỡ tay làm lửa cháy lan ra khắp nhà. Bên hàng xóm thấy khói bốc cao đã kịp thời đánh mõ, bà con liền chạy tới chữa cháy và đưa hai cháu thoát ra ngoài an toàn. Cũng may mà đồ đạc, tài sản trong nhà vẫn còn nguyên vẹn. Tiếng mõ đã cứu nguy cho cả gia đình tôi đó”.
Có hôm, “mõ tre” còn cứu liếp mía của bà Phạm Thị Bền ở ấp 6, bị kẻ xấu đốt cháy ngùn ngụt, gió mạnh càng làm đám cháy lan nhanh, lửa bốc đỏ trời. Bà con xung quanh phát hiện đám cháy liền dùng mõ tre báo hiệu, dân làng tập trung lại rất đông để cứu mía cho bà Bền. Từ đó, tiếng mõ tre đã trở nên quen thuộc, còn được coi là vật “cứu hỏa”, “cứu mía”… của bà con nơi đây.
Từ tên gọi “Tiếng mõ tre chống cướp trên biên giới”, sau này với ý nghĩa mõ dùng bắt trộm, bắt cướp,… giữ vững an ninh trật tự xóm làng nên dần được đổi tên thành “Tiếng mõ an ninh”. Trung tá Đoàn Văn An - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An cho biết: “Từ mô hình điểm thành công tại ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo phát triển phong trào tại 45 ấp của 20 xã trên toàn huyện biên giới Đức Huệ. Giờ đây, phong trào không chỉ được áp dụng trên toàn tỉnh mà còn lan rộng ra một số tỉnh lân cận như Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… Thắng lợi nhất của phong trào này là đã huy động được sức mạnh của toàn dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ xóm làng. Tiếng mõ đã mang lại tác dụng rõ rệt, tình hình tội phạm, trộm cướp đã không còn xảy ra trên biên giới. Người dân yên tâm lao động sản xuất, không còn nơm nớp lo sợ như trước đây bởi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã được ổn định”.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây cho biết: “Giờ đây, người dân ở các xã vùng biên đã coi mõ tre như một “báu vật”, cùng đồng hành với cuộc sống của họ. Nhà nào cũng không thể thiếu được một vài cái mõ tre như một vật để cứu nguy cho mình. Và không chỉ người lớn, thanh niên mà cả trẻ nhỏ cũng được ông bà, cha mẹ dạy cho cách đánh mõ”.
Tuy hiện tượng trộm cướp, gây rối trật tự không còn xảy ra nhưng phong trào “Tiếng mõ an ninh” không hề lắng xuống mà vẫn được hâm nóng. Chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tổ chức diễn tập để cảnh báo các đối tượng và nhắc nhở người dân cảnh giác, đề phòng bất trắc và các hiện tượng xấu xảy ra trên địa bàn...