Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếng violin của nghệ sĩ gốc Hàn chinh phục khán giả Việt

Với Stefan Jackiw, khi tiếng đàn cất lên là lúc anh hoàn toàn chìm trong thế giới âm nhạc của riêng mình, đồng thời đưa người nghe đến những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Tối 29/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, cùng với nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky, Stefan Jackiw đã mang đến cho khán giả Việt Nam một đêm hòa nhạc đầy cảm xúc. Với thông điệp về hành trình từ bóng tối ra ánh sáng và niềm hy vọng, nhạc mục của chương trình gồm 4 tác phẩm mang đậm dấu ấn của âm nhạc cổ điển cận hiện đại.

Đêm diễn mở màn bằng bản Tzigane của Maurice Ravel. Khúc rhapsody với trường cảm xúc mạnh mẽ như lời chào nồng nhiệt của cặp song tấu với công chúng Việt Nam. Stefan Jackiw truyền tải một cách rõ nét tinh thần cuồng tưởng digan với những sắc thái cảm xúc phong phú bằng sự nhuần nhuyễn trong xử lý tác phẩm.

Tác phẩm thứ 2, cũng là tác phẩm trung tâm của đêm diễn, là tổ khúc Partita của nhà soạn nhạc người Ba Lan Witold Lutoslawski. Đây được coi là bản nhạc điển hình cho âm nhạc cổ điển thế kỷ XX với tinh thần đương đại và cách tân đậm nét.

Bản nhạc gồm 5 phần viết theo kỹ thuật ứng tác ngẫu hứng đặc trưng của Lutoslawski. Cảm xúc mạnh mẽ và kịch tính là đặc điểm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Tiếng violon của nghệ sĩ 30 tuổi gốc Hàn như cuốn đi cùng tác phẩm - khi nhập vào, khi tách ra đối thoại cùng âm thanh piano của Anna Polonsky.

Không phải dễ dàng để Stefan Jackiw được giới chuyên môn công nhận là người đại diện xuất sắc cho thế hệ của anh. Thưởng thức Stefan biểu diễn mới thấy, với anh, kỹ thuật chỉ đơn thuần là một công cụ. Tiếng đàn của anh vượt ra khỏi giá trị công cụ đó để đạt tới một phong cách âm nhạc riêng - hoà trộn giữa năng lượng và cảm xúc.

Nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky là một nửa không thể thiếu của Stefan. Tiếng đàn của cô như chạm tới từng mạch máu người nghe. Anna có lối chơi vừa chuẩn mực, nhưng lại vô cùng phóng khoáng. Điểm gặp nhau giữa hai nghệ sĩ chính là tinh thần cách tân, sự tìm tòi và thấu hiểu tư duy âm nhạc của nhau.

Tác phẩm thứ 3 là bản dạ khúc dành cho độc tấu violon của nhà soạn nhạc người Phần Lan Kaija Saariaho, được viết năm 1994 khi bà nghe tin người bạn thân Witold Lutoslawski qua đời. Bản nhạc truyền tải một nỗi buồn đau sâu sắc, sự mất mát dường như không thể bù đắp. Những hợp âm được triển khai chậm rãi, xen với những nốt cao như tắc nghẹn tiếng đàn, hút mọi giác quan của người nghe.

Bản Sonate cung La trưởng dành cho violon và piano của nhà soạn nhạc người Pháp Cesar Franck là cái kết tươi sáng, hân hoan. Stefan Jackiw truyền tải đến người nghe đầy đủ tinh thần của bản nhạc là sự lãng mạn, niềm hạnh phúc và hy vọng.

Đáng lẽ bản nhạc của Cesar Franck đã khép lại đêm hòa nhạc. Nhưng với tràng pháo tay không ngớt của khán giả, cặp song tấu quyết định trở lại sân khấu, chơi thêm bản nhạc ngắn Méditation trong vở opera Thais của nhà soạn nhạc Jules Massenet. Những giai điệu sâu lắng, du dương là cái kết hoàn hảo cho một đêm cảm xúc thăng hoa cùng âm nhạc cổ điển.

Hà Thu

Ảnh: Tuấn Đào

Bạn có thể quan tâm