Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 15/3.
Những hồ sơ đầu tiên đăng ký mang thai hộ
Từ 15/3, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận hồ 3 sơ đăng ký mang thai hộ. Theo bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cặp vợ chồng đầu tiên đăng ký với lý do người vợ không còn khả năng sinh con sau một lần tai biến sản khoa và chưa có con. Người mang thai hộ là chị dâu.
Các cặp vợ chồng muốn thực hiện kỹ thuật này đều được kiểm tra kỹ về mặt sức khỏe và hồ sơ pháp lý. Các bác sĩ phải khám, tư vấn từng trường hợp cụ thể xem nên áp dụng phương pháp nào là tốt nhất, không nhất thiết phải mang thai hộ. Với những cặp vợ chồng đã hoàn thành hồ sơ đúng quy định, căn cứ vào tình hình sức khỏe của người mang thai hộ, của vợ chồng, các bác sĩ sẽ tiến hành trong thời gian nhanh nhất.
Phòng xét nghiệm phục vụ việc thụ tinh ống nghiệm (ảnh minh họa). |
Là một trong 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, hiện Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã chuẩn bị đầy đủ kỹ thuật, nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu này... Kỹ thuật mang thai hộ là lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra vẫn mang gene di truyền, nhóm máu của cha hoặc mẹ chứ không phải của người mang thai hộ. Như vậy về mặt kỹ thuật không có sự khác biệt gì nhiều đối với việc các đơn vị hiện nay vẫn làm.
Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ ở 3 trung tâm lớn (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP HCM) - đại diện cho 3 khu vực để tạo thuận tiện cho người dân. Bộ Y tế khẳng định, với những quy định nghiêm ngặt khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó.
Một công đoạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ. |
Vướng mắc cần tháo gỡ
Là đơn vị duy nhất ở khu vực phía nam được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết, kể từ ngày 1/1, bệnh viện đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các cặp vợ chồng đặt vấn đề muốn thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Nhưng khi sàng lọc thì có chưa tới 10 trường hợp có đủ điều kiện được phép mang thai hộ.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cũng cho biết, mặc dù Nghị định có hiệu lực từ 15/3, nhưng bệnh viện chưa dám nhận hồ sơ một ca mang thai hộ nào vì nhiều quy định trong Nghị định còn quá chung chung và cần chờ… thông tư để hướng dẫn cụ thể hơn.
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, quy định điều kiện được phép mang thai hộ, trường hợp phụ nữ không có tử cung do bẩm sinh, bị mất tử cung do biến chứng sinh nở đương nhiên thuộc đối tượng được nhờ mang thai hộ. Thế nhưng, đây không phải là nhóm chiếm đa số. Theo thống kê, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn do tử cung gặp vấn đề dị tât bẩm sinh chỉ nằm trong khoảng 1/1.000. Tỷ lệ phụ nữ phải cắt tử cung do gặp biến chứng y khoa cũng chỉ nằm trong khoảng từ 1/10.000-4/10.000.
Một nhóm đối tượng chiếm tỉ lệ lớn nhưng khiến cho cơ quan thực hiện chuyên môn như bệnh viện Từ Dũ phải “vò đầu bứt tai” chính là những người đã thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản mà vẫn chưa thể có con. Trong Nghị định chưa quy định cụ thể phương pháp hỗ trợ sinh sản ở đây là phương pháp nào, thực hiện phương pháp bao nhiêu lần, thất bại khi thực hiện phương pháp như thế nào thì được phép nhờ người mang thai hộ.
Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ cũng cho rằng, Nghị định đã có nhưng cần có thông tư hướng dẫn và tập trung vào 3 nội dung: Chỉ định y khoa, pháp lý và tâm lý. Về chỉ định y khoa, cần có chỉ định cụ thể hơn về nhóm đối tượng hỗ trợ sinh sản nhiều lần mà vẫn thất bại. Về pháp lý, cần có hướng dẫn cụ thể về mặt pháp lý để xác định nhân thân, anh chị em họ hàng cùng hàng. Ai là người chịu trách nhiệm tư vấn về mặt pháp lý, luật sư nào thì được tư vấn; Cơ sở nào có trách nhiệm, người nào đủ điều kiện tư vấn tâm lý và đánh giá chất lượng tư vấn như thế nào.