Con thoăn thoắt nhổ lúa chỗ dày cắm xuống chỗ thưa. Cha chống gậy, bước những bước rất chậm. Cha con cặm cụi bắc giàn trồng hoa màu.
Hằn sâu hình ảnh mẹ cha
Căn nhà nhỏ cặp mé kênh, vá víu nhiều chỗ. Nhà có duy một công đất chỉ giúp gia đình khỏi mua gạo mà thôi. Vì vậy ông Lê Thành Hưng (cha Yên) làm thêm ở ruộng chủ đất khác, chèo xuồng chở đi bán kiếm vỏn vẹn 100.000 đồng/tháng.
Lê Thị Hà Yên đang giặm lúa. |
Còn bà Nguyễn Thị Lượm (mẹ Yên) phụ bán hàng với tiền công 600.000 đồng/tháng.
Yên tâm sự cha bị bệnh sốt bại liệt từ nhỏ khiến đôi chân teo tóp nên đi đứng rất khó khăn. Chuyện đồng áng vì vậy càng vất vả hơn gấp bội lần. Một công lúa, người ta đứng cắt chỉ một buổi, còn cha phải ngồi hoặc quỳ gối cắt đến bốn ngày mới xong.
Trong ký ức Yên lưu giữ hoài hình ảnh người cha quảy bình xịt thuốc trừ sâu nặng 20kg khiến đôi chân tật nguyền nhiều khi không trụ nổi, cứ té lên té xuống. Về mẹ, Yên nhớ mãi hình ảnh bà vác từng bao lúa dù cột sống có gai và đôi chân bị khớp khiến đến đêm hành bà đau nhức...
Những hình ảnh của cha mẹ vất vả chăm từng chút một cho việc học của con là động lực để Yên quyết chí học. Yên bộc bạch: “Cha mẹ chỉ có hai anh em. Anh Hai đã lập gia đình cũng nghèo. Mình may mắn được học hành nên phải cố gắng để sau này phụng dưỡng cha mẹ”.
Không học, đời sẽ lỡ dở
Vào đầu năm học lớp 11, Yên vướng nhiều căn bệnh cùng một lúc: viêm xoang mũi, viêm tai giữa khiến đầu nhức kinh niên như búa bổ, tai lúc nào cũng đầy những âm thanh vo ve rất khó chịu, thính lực giảm sút rất nhiều, thậm chí có khi không nghe được lời thầy cô giảng.
Cha mẹ hoảng sợ vay mượn 10 triệu đồng đưa con đi bệnh viện chữa trị. Căn bệnh làm gián đoạn việc học của Yên hết một năm. Yên nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian rất khủng khiếp đối với mình vì sợ không được tiếp tục chuyện học”.
Điều trị suốt mấy tháng ròng, bệnh thuyên giảm nhưng năm học cũng lỡ dở. Yên đi làm thêm ở tiệm kính kiếm tiền mua sách vở, trang trải cho niên học sau.
Ông Hưng kể: “Sợ con kham không nổi nên tôi và mẹ nó có khuyên con nhắm không nổi thì nghỉ học, nhưng con khóc nhất quyết đi học lại cho bằng được”.
Đến năm lớp 12 để tiện việc học và nhẹ gánh cho cha mẹ, Yên ở tạm nhà người bà con và phụ bán quán tạp hóa cho họ với tiền công vài trăm ngàn đồng/tháng.
Vậy mà hai năm cuối cấp Yên đạt loại giỏi, đứng nhất lớp. Kỳ thi năm nay Yên đã trúng tuyển vào ngành quản lý công nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ. Yên tâm sự: “Mình chọn ngành này vì nữ được miễn giảm một phần học phí. Vả lại giờ có rất nhiều khu công nghiệp nên sau này chắc dễ tìm được việc làm”.
Giờ Yên đau đáu nỗi lo học phí. “Chủ tiệm đã đồng ý cho mình làm thêm ở tiệm photocopy trước cổng Đại học Cần Thơ với tiền công là 10.000 đồng/giờ. Mình sẽ ráng” - ánh mắt cô học trò rực sáng, kiên định.