Sáng 30/8, những người được vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng 90 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) ủy quyền có mặt tại phòng tố tụng của TAND Hà Nội để tiếp tục tham gia phiên xử vụ tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch mua bán nhà đất liên quan vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống để bán nhà đất, xảy ra ở quận Tây Hồ.
Theo quan sát của Zing, sáng nay, vợ chồng cụ Hợp (người có quyền và nghĩa vụ liên quan) vắng mặt do sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Nguyên đơn là chị T.H. (ở quận Ba Đình) có mặt. Tuy nhiên, bị đơn là bà Vũ Thị Viễn (con dâu cụ Hợp) không đến tòa.
Sau phần thủ tục, HĐXX cho biết nhiều cá nhân có liên quan được triệu tập nhưng vắng mặt. Họ gồm đại diện UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Tây Hồ, đại diện Phòng Công chứng số 3 cùng một số cá nhân khác.
Con trai và con dâu cụ Hợp được ủy quyền đến tòa sáng 30/8. Ảnh: Hoàng Lam. |
Nguyên đơn là chị T.H. cũng đề nghị HĐXX xem xét hoãn phiên tòa để định giá lại tài sản. Trong vụ việc này, chị T.H. là người mua nhà của bà Viễn. Ngoài ra, đại diện VKSND Hà Nội kiến nghị chủ tọa cho hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi các bên. Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định dời phiên làm việc sang ngày khác.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), trong vụ án này, thủ tục định giá tài sản nhằm giúp HĐXX xác định giá trị tài sản tranh chấp. Kết quả định giá là cơ sở cho mức án phí và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Vụ tranh chấp nêu trên kéo dài từ năm 2015. Sau 6 lần mở phiên tòa, TAND TP Hà Nội chưa thể đưa ra phán quyết.
Theo nội dung vụ việc, năm 1998, ông Tiến (con trai cả của cụ Hợp) cùng vợ là bà Viễn xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất rộng hơn 180 m2 của cụ Hợp là đất thừa kế do cha ông để lại. Năm 2005, ông Tiến qua đời khi đã xây xong nhà trên khu đất này. Một năm sau, bà Viễn đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế nhà và đất.
Thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú ký duyệt nêu rõ: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”. Nhận được văn bản này, UBND phường Nhật Tân niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở.
Trong giấy niêm yết có nội dung ghi ông bà Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết. Năm 2015, vợ chồng ông Hợp mới biết con dâu đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán tài sản cho vợ chồng chị T.H. Khi đến UBND phường tìm hiểu, ông Hợp biết được con dâu đã khai tử bố mẹ chồng khi làm giấy tờ tại Phòng Công chứng số 3.
Chia sẻ với Zing, bà Viễn giải thích khi đến làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản, công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã kê khai là "ông, bà ấy chết cả rồi". Bà Viễn nói rằng lúc còn sống, chồng cũng dặn bà như thế. Bà Viễn thừa nhận bản thân sai khi khai tử bố mẹ chồng, nhưng bà cho rằng điều đáng tiếc là câu trả lời lại được công chứng viên ghi vào văn bản rồi gửi sang UBND phường.