VKSND Tối cao vừa có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thành Tài (67 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng 4 người khác.
Vào cuối tháng 12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án này, đề nghị VKSND Tối cao truy tố các bị can tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Tuy nhiên, gần 3 tháng sau, VKSND Tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu thẩm định lại giá trị lô đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), giá trị thiệt hại của vụ án để từ đó xác định trách nhiệm, vai trò phạm tội của từng cá nhân.
Đến giữa tháng 4, Bộ Công an có kết luận điều tra lần 2 vụ án, đề nghị truy tố nhóm bị can cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo khoản 3, Điều 219, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục trả hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ thêm vai trò đồng phạm của những người liên quan trong vụ án này.
Bị can Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Bộ Công an. |
Trong kết luận điều tra gần nhất, Bộ Công an cho rằng không có tài liệu chứng minh các ông Lưu Văn Thăng (Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Vataco), Nguyễn Minh Tâm (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim khí TP.HCM), Nguyễn Khắc Thám (Chủ tịch HĐQT Công ty Hóa chất vật liệu điện TP.HCM) và Nguyễn Đình Hình (Chủ tịch HĐQT Công ty Thiết bị phụ tùng Sài Gòn) đồng phạm với cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Do đó, cơ quan điều tra không đủ cơ sở xử lý hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Với yêu cầu điều tra, xác minh làm rõ về tài sản của các bị can để kê biên, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhà chức trách đã tiến hành kê biên 11 bất động sản thuộc sở hữu của 4 bị can Lê Thị Thanh Thúy, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư quận 2), Trương Văn Út (nguyên Phó phòng quản lý đất Sở Tài nguyên và Môi trường) tại TP.HCM.
Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tại phiên tòa tháng 12/2019. Ảnh: Lê Quân. |
Năm 2007, khu đất 8-12 Lê Duẩn do Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở.
Trong thời gian giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM (2008-2011), ông Tài được giao phụ trách lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà.
Bản thân ông Tài nhận thức rõ khu đất 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, được điều chỉnh theo quyết định 09, được sửa đổi, bổ sung tại quyết định 140 của Thủ tướng.
Khi có chủ trương xây khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại đây, UBND TP đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương, thành lập Công ty Lavenue thực hiện dự án.
Tháng 6/2011, Lavenue được UBND TP.HCM chấp thuận cho sử dụng toàn bộ khu đất trên để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn.
Do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và bị tác động bởi mối quan hệ tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy, ông Tài đã ký nhiều văn bản chỉ đạo, chấp thuận theo đề xuất của Công ty quản lý kinh doanh nhà, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trái với các quy định của pháp luật.