Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếp viên hàng không đi chống dịch: 'Coi bà con như hành khách'

Hơn 2 tháng qua, tiếp viên hàng không Minh Thoại phải tạm dừng công việc do dịch bệnh. Anh đăng ký trở thành tình nguyện viên, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Chiều 6/9, Trần Huỳnh Công Thoại (sinh năm 1993) nhận nhiệm vụ đi chợ hộ cho người dân trên địa bàn phường 24 và 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nam thanh niên mặc bộ đồ bảo hộ y tế, đeo khẩu trang, găng tay và kính chắn giọt bắn, sau đó mới ra khỏi nhà.

"Hôm nay tôi được giao mua hộ vài đơn hàng thôi, chủ yếu là thức ăn và nhu yếu phẩm cho bà con. Tôi phải đi nhanh cho kịp, mong sao mua xong sớm còn mang phát cho mọi người", Thoại chia sẻ cùng Zing.

Tiếp viên hàng không trở thành TNV chống dịch

Thoại là tiếp viên hàng không, hiện phải tạm dừng công việc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đầu tháng 7, anh đăng ký trở thành TNV hỗ trợ phòng, chống dịch tại quận Bình Thạnh.

tiep vien hang khong di chong dich anh 1

Thoại là tiếp viên hàng không của Hãng hàng không VietJet Air.

Anh cho biết mình đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ, thay đổi mỗi ngày theo phân công của trưởng nhóm. Công việc của anh bắt đầu từ 7h30, kéo dài đến 19h30 mới hoàn thành và được phép về nhà nghỉ ngơi.

"Buổi sáng, tôi hỗ trợ trung tâm y tế phường tiêm vaccine cho người dân. Buổi trưa, tôi mang cơm đến các bệnh viện dã chiến cho y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19. Đến chiều, tôi lại cùng các bạn TNV trong đội vào các khu vực 'vùng đỏ', lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ cho người dân để sàng lọc F0.

Chiều tối, tôi còn tham gia công việc đi tặng cơm cho những người dân vô gia cư trên địa bàn quận nữa. Ngoài ra, khi nào được giao đi chợ hộ, tôi cũng sẵn lòng", Thoại nói.

Nam tiếp viên hàng không cho biết không quá lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh bởi đã tự kỷ luật bản thân áp dụng quy trình bảo hộ khắt khe, vừa bảo vệ chính mình, vừa tránh ảnh hưởng đến người thân, cộng đồng.

Suốt 12 tiếng ở ngoài đường làm nhiệm vụ, Thoại đều chú ý mặc kín trang phục y tế theo quy định, luôn xịt khuẩn toàn thân sau khi tiếp xúc nguồn lây. Dù nắng nóng hay mưa lớn, bộ đồ bảo hộ vẫn luôn theo anh đi khắp nơi. Buổi tối khi về nhà, anh sử dụng dung dịch sát khuẩn cá nhân xịt khắp người rồi mới dám mở cổng.

"Tôi thường xuyên vào các 'vùng đỏ', tiếp xúc nhiều F0, tôi không muốn vì nhiệm vụ của mình mà những người xung quanh bị ảnh hưởng. Bản thân tôi là TNV chống dịch được anh chị bác sĩ hướng dẫn, đào tạo kỹ, không thể để xảy ra sai sót được", Thoại cho hay.

Anh chia sẻ về lý do tham gia tình nguyện, đó là bởi biết được tình hình địa phương rất cần lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ phòng dịch. Khi đội ngũ y tế đã phải quá tải do lượng bệnh nhân rất lớn, đời sống người dân bị đảo lộn để đảm bảo quy định giãn cách, Thoại cho rằng đó chính là thời điểm mình có thể góp sức.

"Tôi nghĩ mình là người Việt Nam, là người TP.HCM, khi quê hương cần giúp đỡ thì tôi nên góp sức. Tôi còn trẻ, có sức khỏe tốt lại luôn bảo hộ an toàn, tôi không sợ Covid-19. Tôi tin từ trên thiên đàng, bố mẹ cũng luôn dõi theo và ủng hộ việc làm của tôi", Thoại nói.

Coi bà con như hành khách

Trong suốt những ngày tháng tham gia tình nguyện, Thoại đã chứng kiến và lắng nghe nhiều hoàn cảnh rất khó khăn. Có những gia đình đã mất đi người thân do dịch bệnh, cũng có nhiều người khác thiếu thốn vật chất do phải nghỉ việc lâu ngày. Những câu chuyện đó chính là động lực để Thoại cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mỗi ngày.

"Tôi luôn coi bà con như những hành khách trên chuyến bay của mình, ứng xử với những họ với thái độ bình tĩnh và ân cần nhất. Họ có chuyện gì thắc mắc, tôi luôn giải đáp và giúp đỡ trong khả năng của mình, mong mọi người có thể vượt qua giai đoạn này", Thoại tâm sự.

tiep vien hang khong di chong dich anh 4

Nam tiếp viên hàng không mong dịch bệnh kết thúc để anh có thể tiếp nối giấc mơ bay của mình.

Khi được hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ trong suốt thời gian làm tình nguyện, Thoại kể về trường hợp một nữ TNV là đồng đội của anh bị ngất xỉu khi đang làm nhiệm vụ tại "vùng đỏ". Theo Thoại, cô gái lả người vì làm việc kiệt sức dưới nắng nóng.

Do đã được tập huấn từ trước tại hãng bay, theo phản xạ, Thoại nhanh chóng đỡ lấy đồng đội và tiến hành sơ cứu. Nữ TNV sau đó dần tỉnh lại và hồi phục, được đưa về trung tâm y tế nghỉ ngơi.

"Tôi thấy rất trân trọng những bài học được huấn luyện khi làm tiếp viên hàng không, nó thật sự hữu ích trong bối cảnh hiện tại khi xung quanh nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe. Tất nhiên tôi không mong ai bị ngất xỉu cả, nhưng nếu chẳng may họ gặp tình huống bất ngờ như vậy, tôi hoàn toàn có thể giúp đỡ", Thoại nói.

Thoại chỉ có khoảng 20 phút để chia sẻ cùng phóng viên, sau đó anh lại vội vã chạy xe ra đường, tiếp tục nhiệm vụ được giao. Anh nhắn gửi điều mình hy vọng nhất lúc này đó chính là tinh thần đoàn kết và cố gắng của tất cả để dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

"Khi đi chống dịch, tôi càng hiểu hơn sự vất vả của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu. Họ thật sự đã phải hy cả sức khỏe, dành trọn thời gian để giữ gìn mạng sống cho người dân. Tôi mong tất cả hãy cùng nỗ lực để cuộc sống sớm được tái thiết, mọi người có thể trở lại làm việc, học tập bình thường như trước đây".

Từ 27/4 đến 6h ngày 6/9, TP.HCM ghi nhận 251.414 ca dương tính SARS-CoV-2, là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc Covid-19.

Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ các địa phương dập dịch, điều trị bệnh nhân tại khu vực phía Nam. Nhiều trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được xây dựng và đi vào hoạt động, giảm tải tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.

Chiến sĩ bộ đội rơi nước mắt khi gọi điện với vợ sắp sinh

"Anh xin lỗi không về được. Vì con, em cố gắng lên nhé", Đại úy Tùng nói khi thấy vợ cúi gập người vì những cơn đau trong phòng chờ sinh của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, tối 1/9.

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm