Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiết học đặc biệt cho học sinh yếu ôn thi tốt nghiệp

Tại trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp nhà trường đã áp dụng mô hình tiết 0 và tiết 5 dành cho các học sinh có học lực yếu ôn thi.

Tiết học đặc biệt cho học sinh yếu ôn thi tốt nghiệp

Tại trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp nhà trường đã áp dụng mô hình tiết 0 và tiết 5 dành cho các học sinh có học lực yếu ôn thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ diễn ra vào 3 ngày từ 2-4/6. Như vậy, các học sinh khối 12 chỉ còn 3 ngày để sẵn sàng bước vào lần “vượt vũ môn” đầu tiên trong mùa thi năm nay.

Vào những ngày này, không khí ôn thi tốt nghiệp tại trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng luôn “nóng”. Được biết khối 12 năm nay của trường có 3,8% học sinh đạt loại giỏi, 41,4% đạt loại khá, 46,6% loại trung bình và vẫn có đến 8,2% đạt loại yếu. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường là hơn 95%.

Như vậy, đối với môi trường tỷ lệ học sinh trung bình, yếu chiếm hơn 50% thì việc tổ chức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp là rất quan trọng.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trò chuyện với NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm.

Tiết đặc biệt dành cho học sinh yếu

- Thưa thầy, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến gần, nhà trường đã có những biện pháp nào để giúp học sinh khối 12 ôn tập?

- Do tỷ lệ học sinh trung bình và yếu của trường khá nhiều (chiếm hớn 50%), vì vậy việc tổ chức ôn tập là hết sức quan trọng. Trường bắt đầu năm học mới từ tháng 8/2012 đến cuối tháng 3/2013 thì kết thúc chương trình,  và không hề cắt xén bất cứ nội dung nào. Bắt đầu từ tháng 4, khối 12 của trường chỉ tập trung vào ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Nhà trường áp dụng đồng bộ rất nhiều biện pháp để giúp các em học sinh ôn tập tốt nhất. Trong mỗi môn thi, giáo viên có trách nhiệm yêu cầu học sinh cùng tiến hành xây dựng đề cương ôn tập, học đến nội dung nào thì làm đề cương đến đó.

Đối với các môn vừa được công bố sẽ nằm trong danh sách thi tốt nghiệp là Hóa học, Địa lý, Sinh học, nhà trường đã bố trí tăng giờ dạy. Trước đây, các môn này chỉ có 1-2 tiết/tuần thì nay tăng lên 4-5 tiết/tuần.

Đa số học sinh đều chưa có ý thức tự học ở nhà nên việc nhà trường luôn duy trì một tuần 3 buổi học thêm để củng cố kiến thức cho các em. Việc học thêm bắt đầu ngay từ đầu năm học và kéo dài đến khi thi tốt nghiệp. Như vậy, số giờ các em học tại trường tương đối nhiều.

Ngoài kiểm tra đánh giá của từng bộ môn, từng giờ dạy, nhà trường năm nào cũng tổ chức hai kỳ thi thử tốt nghiệp vào cuối tháng 4 và tháng 5 để giáo viên kiểm tra đánh giá kết quả dạy của mình. Lần thi thử đâu tiên còn có mục đích lấy điểm tổng kết, và giúp các giáo viên sẽ xem xét rà soát những học sinh yếu kém để mời phụ huynh đến cam kết phối hợp giáo dục cùng nhà trường.

Các học sinh khối 12 của trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) tham dự kỳ thi thử tốt nghiệp vòng 2.

- Nhà trường có biện pháp đặc biệt nào dành cho các bạn học sinh yếu?

- Nhà trường đã xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có kinh nghiệm luôn theo sát học sinh trong suốt quá trình học tập, Đặc biệt, thời gian này, các thầy cô còn tổ chức tiết 0 bắt đầu từ 7h để học sinh truy bài, và tiết 5 (sau khi tan học) dành cho các học sinh yếu, kiểm tra chưa đạt yêu cầu phải ở lại học thêm.

Các giáo viên chủ nhiệm chính là người phụ trách, đôn đốc, nhắc nhở và động viên các em học tập trong những tiết học đặc biệt này. Tất cả các thầy cô chủ nhiệm đều phải nắm chắc đề cương của tất cả các môn thi để liên tục kiểm tra học sinh của mình. Mặc dù hình thức tiết 0 đã được áp dụng từ đầu năm để rèn luyện ý thức cho học sinh, nhưng không quyết liệt bằng thời gian này.

Bên cạnh đó, các giáo viên cũng tận dụng những học sinh khá giỏi của lớp để học nhóm cùng các bạn có học lực yếu hơn. Các em này sẽ phụ trách kèm cặp, kiểm tra bài cho bạn, nếu chưa đạt, có thể cả hai sẽ cùng phải ở lại học vào tiết 5.

- Trong số 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, các bạn học sinh khối 12 tỏ ra lo lắng nhất đối với môn nào?

- Các em khá lo lắng với môn Sinh học  bởi khối lượng kiến thức cũng khá nhiều và các bài toán tương đối khó. Tuy nhiên, về phía nhà trường chúng tôi luôn giúp đỡ học sinh để ôn tập tốt nhất bằng cách tăng tiết và phải bố trí giáo viên có kinh nghiệm, họ vừa có kiến thức vừa có biện pháp hướng dẫn các em ôn tập tốt nhất.

- Năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường là hơn 95%, năm nay nhà trường đặt ra mục tiêu như thế nào?

- Bản thân nhà trường không bao giờ đặt ra chỉ tiêu đỗ tốt nghiệp 100%. Thậm chí mỗi năm trường đều có một số học sinh không được dự thi tốt nghiệp vì thái độ học tập kém. Chúng tôi luôn tạo ra môi trường công bằng, không bao giờ chủ trương “làm đẹp” học bạ, các em học thế nào thì sẽ được đánh giá đúng như vậy.

Năm ngoái, trường đạt hơn 95% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Nhưng bản thân nhà trường không bao giờ đặt ra chỉ tiêu đỗ 100%, vì như thế các em học sinh sẽ không chịu học. Thậm chí mỗi năm nhà trường đều có một số học sinh không được dự thi tốt nghiệp bởi không chịu học. Bởi có nhiều em cấp hai không chịu học, tạo thành nếp.

Ngoài việc nhắc nhở, động viên các em học tập, giáo viên cũng phối hợp với phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho học sinh trước mùa thi.

Thiết bị ghi âm, ghi hình không thể chống tiêu cực

- Gần đây, một quy định mới của Bộ GD - ĐT cũng khiến dư luận rất quan tâm đó là  quyết định cho phép học sinh được quyền mang thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thu mà không phát tín hiệu vào phòng thi. Thầy đánh giá như thế nào về quyết định này của Bộ?

- Bộ GD - ĐT muốn giảm tiêu cực trong thi cử là mong muốn rất tốt, nhưng tôi không đánh giá cao biện pháp này vì thực chất các thiết bị nghe nhìn rất biến thiên, công nghệ cao hiện đại nên không thể kiểm soát đâu là thiết bị chỉ thu mà không phát.

Bên cạnh đó, chính quyết định này đã dẫn Bộ GD – ĐT đến tình huống khó khăn khác đó là nếu các em cứ ghi âm, ghi hình trong phòng thi tốt nghiệp sau đó tung lên mạng thì sẽ xử lý thế nào.

Thay vì việc cho các em mang các thiết bị vào phòng thi tôi cũng vẫn đề nghị cho lắp camera tại tất cả các phòng thi. Nếu làm được điều đó sẽ dễ dàng kiểm soát những sai phạm của giáo viên, học sinh.

- Liệu quy định này có làm khó nhà trường, giáo viên trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Bản thân giáo viên coi thi cũng không đủ khả năng, trình độ công nghệ thông tin để kiểm soát thiết bị ghi âm, ghi hình mà học sinh mang vào phòng thi chỉ thu mà không thể phát tín hiệu. Chính điều đó có thể sẽ tạo nên nhiều tình huống khó cho giáo viên khi coi thi. Nhưng chắc chắn các giáo viên sẽ làm hết trách nhiệm của mình.

Nhà trường cũng không thể kiểm soát được vấn đề này mà chỉ có thể nhắc nhở học sinh quy chế thi, và tất cả chỉ là lời khuyên. Mặc dù vậy, tôi vẫn hy vọng kỳ thi năm nay sẽ diễn ra tốt đẹp.

An Hoàng

Theo Infonet

An Hoàng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm