- Thạc sĩ chuyên ngành Hoạch định Tài chính cá nhân, Đại học Griffith (Australia).
- Giám đốc khối Tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FITDT.
- Thành viên Hội đồng chuyên gia - Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam VFCA.
Năm 20 tuổi, khi thu nhập tháng khoảng 10 triệu đồng, bạn đặt mục tiêu tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng. 25 tuổi, lương tăng lên gấp đôi, bạn sẽ cần một tỷ lệ và cách thức tích lũy khác nhằm làm "phình to" quỹ dự trữ của mình.
Hầu hết chúng ta đều hiểu về vai trò của tích lũy. Song, tiết kiệm bao nhiêu so với thu nhập để vừa có khoản dự phòng, vừa đảm bảo mức sống lại có thể là bài toán khó, đặc biệt khi bạn bắt đầu hoạch định tài chính cho bản thân.
Dưới đây, tôi sẽ phân tích 3 tình huống tiết kiệm đối với 3 bạn trẻ có thu nhập tháng khác nhau. Hy vọng đây có thể là một gợi ý giúp bạn có kế hoạch tích lũy phù hợp với chính mình.
Trường hợp 1
23 tuổi, độc thân, ở nhà thuê tại đô thị (Hà Nội/TP.HCM). Thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng
Nếu có mức lương cố định 10 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc (con/em nhỏ hoặc phải hỗ trợ cha mẹ ở quê), bạn cần dành từ một triệu đồng/tháng cho việc tiết kiệm. Số tiền này nên được cho vào quỹ tích lũy ngay sau khi nhận lương.
Nếu không có người phụ thuộc, số tiền kiếm được chỉ hoàn toàn chi tiêu cho bản thân, bạn có thể nâng mức tiết kiệm lên 2 triệu đồng/tháng.
Theo quy tắc chi tiêu 50-30-20 (50% thu nhập dành cho tiêu dùng thiết yếu, 30% cho nhu cầu cá nhân và 20% cho tiết kiệm, đầu tư), bạn sẽ có 5 triệu đồng để sử dụng cho việc thuê nhà, tiền chợ và sinh hoạt phí ở thành phố.
Tuy nhiên, với thời giá hiện nay, tôi cho rằng con số đó là không hợp lý. Do vậy, bạn cần cắt giảm tiền tiêu cho nhu cầu cá nhân (phục vụ sở thích, học tập...) để bù đắp thêm cho khoản tiền sinh hoạt.
Có như vậy, bạn mới đảm bảo mức sống và duy trì được quỹ tiết kiệm.
Đối với khoản tiết kiệm này, bạn nên xây dựng quỹ dự phòng khoảng 3 tháng chi tiêu. Tiếp theo, bạn cũng cần xem xét các cơ chế về bảo hiểm cho bản thân vì tài chính còn ít, càng cần phải đề phòng lúc ốm đau, tai nạn.
Bạn nên nắm vững quy tắc chi tiêu 50-30-20. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Trường hợp 2
27 tuổi, đang hẹn hò, ở nhà thuê tại đô thị (Hà Nội/TP.HCM). Thu nhập mỗi tháng dao động 25-30 triệu đồng, có khoản trả góp 3 triệu đồng/tháng
Trường hợp thứ 2, bạn nằm trong nhóm có thu nhập 20-40 triệu đồng. Lúc này, nếu có người phụ thuộc, bạn nên trích 20% vào quỹ tiết kiệm hàng tháng. Còn nếu chỉ "nuôi thân", con số này cần tăng lên 30%.
Sau đó, bạn trích vào tài khoản hưởng thụ 3-4 triệu đồng. Đây là số tiền bạn có thể phục vụ cho việc học tập, mua sắm, đáp ứng sở thích.
Phần còn lại được dành cho sinh hoạt thiết yếu. Các khoản trả góp và chi phí dành cho việc hẹn hò được tính chung trong khoản này.
Về phần tiết kiệm, bạn vẫn cần xây dựng quỹ dự phòng và các cơ chế bảo hiểm trước rồi mới tính đến việc đầu tư.
Trường hợp 3
30 tuổi, ở nhà riêng tại đô thị (Hà Nội/TP.HCM), đã có một con nhỏ 5 tuổi. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 50 triệu đồng
Ở trường hợp này, tôi khuyên bạn nắm chắc nguyên tắc chi tiêu 50-30-20. Với quy mô vốn và thu nhập ổn định, bạn có thể tiếp cận nhiều hạng mục đầu tư hơn như cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản.
Tuy nhiên, bạn và gia đình vẫn cần kiểm soát tỷ lệ chi tiêu để không rơi vào "lạm phát tiêu dùng". Ngoài tiết kiệm, việc chi tiêu đóng vai trò không nhỏ để giữ gìn sức khỏe tài chính cá nhân.
Có tiền tiết kiệm, nên đầu tư gì?
Với số tiền tiết kiệm hàng tháng, tùy theo khẩu vị đầu tư, bạn có thể nghiên cứu các hình thức đầu tư sinh lời.
Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng: Đây là công cụ đầu tư rủi ro thấp và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận bình quân của tiết kiệm ngân hàng thường khá thấp. Bạn trẻ chỉ nên bỏ khoảng 10% khoản tiết kiệm mỗi tháng vào khoản này.
Chuyên gia cho rằng bạn nên có kế hoạch tích lũy ngay khi vừa nhận lương. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Mua vàng vật chất: Đây là một tài sản tích lũy được yêu thích giai đoạn 1980-2000. Đến nay, nhiều người vẫn chuộng mua vàng để dành. Song, theo nghiên cứu của quỹ đầu tư Dragon Capital, tỷ suất lợi nhuận thu về từ loại tài sản này còn kém hơn tiết kiệm ngân hàng.
Mua trái phiếu doanh nghiệp: Loại đầu tư này có thể đem lại tỷ suất sinh lời bình quân 8-12%/năm. Muốn đảm bảo sinh lời, bạn trẻ phải trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp. Chỉ nên mua trái phiếu của các đơn vị thực sự uy tín, có tiếng tăm để hạn chế bị lừa hay thiệt hại về lâu dài.
Mua chứng chỉ quỹ đầu tư: Với tỷ suất sinh lời bình quân đạt 12-18%/năm, đây có thể được xem là hình thức đầu tư đáng cân nhắc nhất cho các bạn trẻ thuộc Gen Z. Tuy nhiên, cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xác định rõ mục đích và khẩu vị đầu tư trước khi chi tiền mua chứng chỉ quỹ.
Đầu tư cổ phiếu dài hạn: Các bạn có thể đầu tư cổ phiếu dài hạn, tỷ suất sinh lợi bình quân có thể đạt 15-20%/năm. Tuy vậy, bạn cần phải học kiến thức cơ bản để chọn doanh nghiệp tốt, cổ phiếu tốt. Một số điều cần được quan tâm đặc biệt khác gồm: tính giá trị nội tại của cổ phiếu, đa dạng hóa đầu tư, loại bỏ cổ phiếu có xu hướng mất giá trước khi lỗ.
Mua chung bất động sản: Tại Việt Nam, bất động sản tăng giá khá tốt. Với số tiền nhỏ hàng tháng, các bạn có thể cân nhắc chung tiền vào khoản nhà đất. Tuy vậy, khoản đầu tư này vẫn tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản và biến động giá. Đáng nói hơn, việc mua chung bất động sản vẫn còn bất cập khi chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.