Một màn biểu diễn trong lễ khai mạc Olympic Paris hôm 26/7 đã thu hút sự chỉ trích vì được cho là có nhiều nét giống với bức bích họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci "The Last Supper" (“Bữa tiệc cuối cùng” hay “Bữa tiệc ly”). Bích họa mô tả một cảnh trong Kinh thánh và một số người coi phần trình diễn ở Olympic là "sự nhạo báng" đối với Cơ đốc giáo.
Những người lên kế hoạch và tổ chức sự kiện đã phủ nhận rằng phân cảnh này được lấy cảm hứng từ "The Last Supper" và nó không nhằm mục đích chế nhạo hay xúc phạm bất kỳ ai. Trong khi đó, các nhà sử học nghệ thuật có quan điểm đối lập về vấn đề này.
Tiết mục gây tranh cãi
Trong màn trình diễn được phát sóng trực tiếp, một người phụ nữ đội chiếc mũ màu bạc giống như vầng hào quang đứng giữa một chiếc bàn dài, với các drag queen, vũ công tạo dáng ở hai bên. Sau đó, cũng tại chiếc bàn này, một chiếc khay khổng lồ xuất hiện, để lộ người đàn ông gần như khỏa thân và được sơn màu xanh lam toàn bộ cơ thể. Người này bắt đầu hát khi phía sau anh, các drag queen đang nhảy múa.
Nhiều người nói những hình ảnh này nhại lại "The Last Supper", một cảnh trong Kinh Tân Ước đã được họa sĩ da Vinci đưa lên bích họa cùng tên.
Bức tranh "Bữa tiệc ly" mô tả một cảnh trong Kinh thánh. |
Hội đồng Giám mục Pháp, đại diện cho các giám mục Công giáo của đất nước, cho biết trong một tuyên bố rằng lễ khai mạc bao gồm "những cảnh nhạo báng và chế nhạo Cơ đốc giáo". Giám mục Robert Barron, một người Công giáo có ảnh hưởng ở Mỹ, đã gọi màn trình diễn là "sự nhạo báng thô thiển".
Buổi biểu diễn tại lễ khai mạc diễn ra trên và dọc theo sông Seine vào ngày 26/7 cũng đã thúc đẩy nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có trụ sở tại Mississippi, C Spire, thông báo sẽ rút quảng cáo của mình khỏi các chương trình phát sóng Thế vận hội. Diễn giả Mike Johnson đã miêu tả cảnh tượng này là "gây sốc và xúc phạm Cơ đốc nhân.
Giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc, Thomas Jolly, nói tại cuộc họp báo hàng ngày của Olympic hôm 27/7 rằng sự kiện này không nhằm mục đích "hủy hoại, gây sốc hoặc chế nhạo mọi người". Ngày hôm sau, Anne Descamps, phát ngôn viên của Olympic Paris 2024, cho biết: "Nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, tất nhiên, chúng tôi thực sự rất xin lỗi".
Thomas Jolly, Giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc Olympic Paris. |
Ông Jolly khẳng định tiết mục tại lễ khai mạc không lấy cảm hứng từ "The Last Supper".
"Chính Dionysus là người ngồi trên bàn ăn", ông Jolly nói trong cuộc phỏng vấn với BFM. Dionysus là vị thần lễ hội và rượu vang của Hy Lạp, đồng thời là cha đẻ của Sequana, nữ thần sông Seine. "Thay vào đó, ý tưởng là tổ chức một lễ hội hoành tráng kết nối với các vị thần của đỉnh Olympus", ông nói thêm.
"Bữa tiệc ly" hay "Bữa tiệc của các vị thần"
Tuy nhiên, đối với một số người, sự giống nhau giữa tiết mục khai mạc và bức tranh của da Vinci là không thể phủ nhận.
Nhà nghệ thuật Sasha Grishin, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, nói với The New York Times: "Ý tưởng về nhân vật trung tâm với vầng hào quang và một nhóm người đi theo ở hai bên rất điển hình trong hình tượng 'The Last Supper', đến nỗi thật khó để hiểu nó theo cách khác".
Giáo sư Grishin cho biết nhân vật trung tâm đội chiếc mũ gợi nhớ đến những bức bích họa theo phong cách thời Phục hưng, trong đó Chúa Jesus được miêu tả với vầng hào quang hoặc ánh sáng quanh đầu. Trong một số bức tranh, điều này được miêu tả như một vòng tròn vàng. Ở những tác phẩm khác, như của da Vinci, Chúa Jesus được chiếu sáng từ cửa sổ hoặc có ánh sáng dịu nhẹ xung quanh.
Ông Grishin nói thêm tư thế của các drag queen cũng giống với hình ảnh của những tông đồ bên cạnh Chúa Jesus. Giáo sư cho biết cảnh "The Last Supper" là một "hình ảnh rất thiêng liêng" đối với những người theo đạo Cơ đốc vì nó tượng trưng cho khoảnh khắc Chúa Jesus tuyên bố sẵn sàng hy sinh bản thân vì tội lỗi của nhân loại.
Bức tranh "Bữa tiệc của các vị thần" của họa sĩ Jan van Bijlert. |
Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng hiện chưa rõ tiết mục ở lễ khai mạc có liên quan đến "The Last Supper" hay không.
Đầu tiên, có ít nhất 17 drag queen trong tiết mục, nhưng "The Last Supper" lại mô tả 12 tông đồ của Chúa Jesus, tiến sĩ Louise Marshall, giảng viên danh dự cao cấp tại Đại học Sydney và một nhà nghiên cứu về nghệ thuật thời Phục hưng, cho biết. "Số lượng, đó là điều cơ bản".
Ngoài ra, bà Marshall nói rằng trong bích họa, da Vinci mô tả các tông đồ thường tập hợp thành 3-4 nhóm, được kết nối trực quan thông qua cử chỉ mà họ thực hiện với nhau. Trong khi đó, tư thế của các drag queen có vẻ thời trang, có vũ đạo hơn, khá quen thuộc với loại hình biểu diễn này. Sự xuất hiện của người đàn ông được sơn màu xanh cũng không ăn nhập với những gì được mô tả trong "The Last Supper".
"Thành thật mà nói, khi tôi xem các đoạn clip, 'The Last Supper' không nhất thiết phải là điều hiện lên trong đầu tôi. Tiết mục có vẻ rất vui vẻ, hài hước, dí dỏm và rất bao quát", tiến sĩ Marshall nói.
Một số người còn so sánh khung cảnh này với bức tranh vẽ các vị thần trên đỉnh Olympus có tên là "The Feast of the Gods" (Bữa tiệc của các vị thần). Được vẽ bởi họa sĩ người Hà Lan Jan van Bijlert vào thế kỷ XVII, tác phẩm thể hiện các vị thần tụ họp quanh một chiếc bàn dài. Ở trung tâm là Thần ánh sáng Apollo với vầng hào quang quanh đầu.
Bảo tàng Magnin ở Dijon, Pháp, nơi trưng bày bức tranh này, đã đăng lại hình ảnh trên X hôm 28/7. "Bức tranh này có gợi nhớ cho bạn điều gì không?", bảo tàng đã viết chú thích ảnh, thêm một biểu tượng cảm xúc nháy mắt.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.