Trong cái rét âm 10 độ C của buổi sáng sớm, khoảng 20 cậu bé trong câu lạc bộ (CLB) Real Man không mặc áo khoác đang hì hục chạy tại một công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Mỗi người đeo một chiếc băng đô có dòng chữ “Đàn ông đích thực” trên đầu. Bộ quần áo họ mặc đều in: “Sức mạnh lãnh đạo” hay “Bất kỳ điều gì đều có thể”.
Dưới sự hướng dẫn của một giáo viên nam, các cậu bé vừa chạy theo hai hàng dọc vừa vỗ ngực, hô to các câu khẩu hiệu tiếng Trung: “Tôi khỏe nhất”, “Tôi giỏi nhất”, “Tôi là đàn ông thực thụ”.
Khi các khái niệm “tiểu thịt tươi” hay “sissy boy” - dùng để mô tả những anh chàng “xinh trai” – dần trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại Trung Quốc, Tang Haiyan, một huấn luyện viên về hưu, người thành lập Real Man, ví CLB của ông là nơi hiếm hoi “bảo tồn những người đàn ông mạnh mẽ”.
Zing.vn tổng hợp các bài viết trên AP, New York Times, South China Morning Post về câu chuyện nam giới Trung Quốc ngày càng chăm chút ngoại hình, tạo nên hình mẫu đàn ông lý tưởng mới, trái với quan niệm truyền thống.
Các ngôi sao Trung Quốc sở hữu gương mặt xinh trai có hàng triệu fan tại Trung Quốc. Ảnh: Handout. |
‘Tiểu thịt tươi’ mặt hoa da phấn
Li Chao sống trong một căn hộ sang trọng ngoại ô Bắc Kinh, là người mẫu tự do.
Dù có hơn hai triệu người hâm mộ trên mạng, chủ yếu là phụ nữ từ 12-30 tuổi, anh chàng 21 tuổi chưa bao giờ làm vừa lòng bố mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình.
Tóc của Li hơi dài, được nhuộm sáng màu và uốn cong. Trước khi bước ra khỏi nhà, anh luôn trang điểm khá cầu kỳ. Đánh phấn nền, kẻ mắt, tô son, tạo khối là những bước cơ bản không thể thiếu.
Chỉ riêng với công việc livestream trang điểm trên mạng, 9X kiếm được khoảng 30.000 USD mỗi tháng, một khoản tiền khổng lồ đối với một người trẻ chưa có bằng cấp gì như anh.
“Trang điểm khiến tôi thấy mình tươi tắn, tuyệt vời hơn. Tâm trạng từ đó cũng tốt lên”, người mẫu trẻ nói.
Nam giới Trung Quốc ngày càng coi trọng, chăm chút vẻ ngoài. Ảnh: China Daily. |
Li là một đại diện của nhóm “tiểu thịt tươi”, biệt danh người hâm mộ dùng để đặt cho các nghệ sĩ nam trẻ trung, xinh đẹp tại Trung Quốc.
Sự nổi lên của những người như Li được xem là một trong những xu hướng văn hóa đang gây tranh cãi nhất trong thập niên qua tại đất nước tỷ dân.
Chịu ảnh hưởng từ các thần tượng Kpop như BTS, EXO, Wanna One… những chàng trai Trung Quốc, từ người nổi tiếng đến người bình thường, ngày càng chăm chút vẻ ngoài hơn. Họ dùng mỹ phẩm, thích nhuộm tóc, trang điểm, đeo khuyên tai, mặc những trang phục thời thượng.
Xu Tao, 25 tuổi, sống tại thành phố Hàng Châu, nói có thể chi hơn 4.300 USD mỗi năm cho mỹ phẩm và đồ trang điểm. Mỗi ngày anh dành ít nhất 30 phút để đứng trước gương chải chuốt, ngắm nghía bản thân.
Hình ảnh của những “tiểu thịt tươi” mặt hoa da phấn như Li và Xu ngày càng được lòng nữ giới, đặc biệt là những cô gái trẻ, đối lập hoàn toàn với mẫu đàn ông rắn rỏi, mạnh mẽ từng được ca tụng gần 10 năm trước.
Nỗi lo khủng hoảng đàn ông nam tính
Cha của Li là một người truyền thống. Ông sẽ nổi giận nếu thấy con trai trang điểm và nghĩ trang phục của Li quá ẻo lả, chỉ phù hợp với con gái.
“Cha tôi luôn nói: ‘Đừng mặc những thứ đó nữa’, ‘Con nên ra ngoài và chơi thể thao nhiều hơn’… Có lẽ tôi sẽ không bao giờ thay đổi được ông ấy”, Li kể.
Có cùng nỗi lo như bố của Li, nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc có con nhỏ tuổi hơn nghĩ mình phải "hành động trước khi quá muộn". Đa số họ tìm đến các khóa học, CLB như Real Man của Tang Haiyan.
“Quảng bá hình ảnh người đàn ông yếu đuối sẽ gây ra tai họa cho đất nước sau này. Chúng tôi không bao giờ bồi dưỡng những kẻ hèn nhát và ẻo lả", Tang tuyên bố.
Chạy bộ trong thời tiết âm 10 độ C, chơi golf, chèo thuyền, bóng bầu dục… là những bài học cụ thể của giáo trình đào tạo đàn ông thực thụ ở đây.
Trẻ em Trung Quốc được bố mẹ gửi đến CLB Real Man để trở nên nam tính, mạnh mẽ hơn. Ảnh: SCMP, New York Times. |
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Zheng Jiawen của ĐH Nam Kinh, nhiều người có thể đang hiểu sai khái niệm nam tính và bản chất của vấn đề.
Nam tính không chỉ là vẻ bề ngoài, nó còn là tính cách, phẩm chất của một người. Vì vậy, đàn ông không trở nên nữ tính chỉ vì lớp trang điểm trên mặt, những đôi khuyên tai hay chiếc quần bó sát.
Ngoài ra, khủng hoảng thực sự của Trung Quốc về nam tính không phải do "sissy" hay "tiểu thịt tươi". Nó bắt nguồn từ một thế hệ đàn ông lo lắng và bất an về tình trạng xã hội. Họ tuyệt vọng níu kéo quyền lực khi phong trào nữ quyền ngày càng có tiếng nói hơn.
“Tất cả chúng ta phải học cách chấp nhận sự thật rằng một anh chàng có khuôn mặt thanh tú không có nghĩa là anh ta mang một trái tim yếu đuối, bờ vai thon thả không thể hiện tâm hồn mong manh.
Và hơn cả, 'phản bội' những khuôn mẫu nam tính lỗi thời không phải là một thảm họa của quốc gia”, ông Zheng viết trên tờ Sixth Tone.