Khách du lịch tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Linh Huỳnh. |
Với hơn 7 triệu lượt xem, clip nữ TikToker T.L đóng giả là người nước ngoài mua đồ tại ngôi chợ biểu tượng của TP.HCM gây nhiều tranh cãi sau khi việc đóng giả bị phát hiện.
Sở hữu khả năng ngoại ngữ tốt, ngoại hình trông giống người nước ngoài, nữ TikToker liên tục cho ra các clip “đóng giả người nước ngoài” sau khi những video ngắn đã đăng tải nhận được sự quan tâm của người xem.
Mới đây, T.L cùng bạn mình là M.C đóng giả làm du khách Hàn Quốc vào chợ Bến Thành mua đồ. Tuy nhiên cả hai đã bị phát hiện là người Việt. Các tiểu thương nhanh chóng nhận ra và nói: "Muốn kiếm chuyện đúng không?", "Đừng có mà quay nữa"... Trước phản ứng của các tiểu thương ở đó, cả hai nhanh chóng tháo chạy mà không có một lời giải thích hay xin lỗi nào.
Ý kiến trái chiều việc TikToker, KOL đóng giả người nước ngoài
Một tiểu thương cho biết việc TikToker tới quay clip mình đang buôn bán để thử thách trình độ ngoại ngữ khiến chị cảm thấy bản thân đang bị xem thường. Theo chị, mọi người ở đây chỉ có thể nói chuyện qua lại vậy thôi chứ nói về chuyên sâu thì khó. Tuy nhiên người này nhận định có người tốt nghiệp đại học chưa chắc đã giao tiếp được như vậy.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, chị Hương Giang, chủ một sạp quần áo, cho biết nếu như các TikToker chỉ quay 1-2 clip thì được. Nhiều người trong chợ bán không được hàng mà còn bị quay nhiều clip sẽ khó xử.
Việc tiếp các vị khách này khiến người bán tốn thời gian và bỏ lỡ cơ hội phục vụ những khách khác. Các video ngắn của nữ TikToker chị cũng đã từng xem qua và lo sợ khi nó trở nên phổ biến sẽ bị nhiều người làm theo, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Tại Việt Nam, những video ngắn trên TikTok khi trở nên phổ biến thường được nhiều người bắt chước thực hiện theo. Điều đó khiến một số tiểu thương lo lắng việc kinh doanh bị mang ra đùa giỡn chỉ để thỏa mãn sở thích, thể hiện bản thân của một số người.
Bên cạnh những phản ứng gay gắt, một số tiểu thương khác lại cho rằng việc đó cũng bình thường. Những tiểu thương này tưởng các TikToker là người nước ngoài nên đã chủ động giao tiếp với họ bằng ngoại ngữ trước. Việc họ tiếp tục trả lời bằng tiếng nước ngoài hay quay clip cũng không ảnh hưởng, miễn bán được hàng là được.
Chủ sạp bánh mứt Hương Xuân cho biết việc ai đến đây hỏi gì cô đều trả lời và đối xử như nhau, dù cho đó là khách nước ngoài hay khách Việt. Việc các bạn quay clip với mục đích gì, người tiểu thương này không quan tâm đến. Cô cho biết: "Ai mua gì bán nấy thôi, khách hỏi bằng tiếng nước nào mình trả lời tiếng nước ấy nếu như mình biết".
Hai thái độ của tiểu thương trước ống kính
Theo ghi nhận của Zing, nhiều tiểu thương ở chợ tỏ ra không thoải mái, dè chừng khi nhìn người chụp ảnh. Khi tiến lại gần trò chuyện, nhiều người bán ở đây tránh né, không muốn chia sẻ ý kiến của mình.
Tiểu thương giới thiệu mặt hàng đến du khách nước ngoài. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trái với những phản ứng trên, du khách nước ngoài cho biết việc họ quay video hay chụp ảnh ở đây không bị người bán thể hiện thái độ khó chịu.
Alvin (29 tuổi, du khách Đài Loan) nhận định những tiểu thương ở đây khá thân thiện và dễ thương. Người bán không tỏ ra khó chịu nếu anh muốn chụp ảnh hay quay video có hình ảnh của họ. Ở đây mọi người có thể giao tiếp rất tốt bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau, giúp cho việc mua bán, trao đổi diễn ra dễ dàng.
Cũng như Alvin, Yudith - nữ du khách đến từ Hà Lan - chia sẻ: "Người bán cư xử rất lịch sự và tốt bụng, họ sẵn sàng chỉ cho bạn nơi có thể tìm thấy món đồ bạn cần". Cô cho biết mình vẫn thường chụp lại những khoảnh khắc trong chuyến đi để làm kỷ niệm và không gặp phải vấn đề gì khi chụp ảnh ở ngôi chợ này.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.