TikTok xuất hiện nhiều video dự đoán đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: SOPA. |
Những ngày gần kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trang mạng xã hội lại trở thành nơi để dân mạng thảo luận về kỳ thi và đưa ra dự đoán về phần thi nghị luận văn học trong môn Ngữ văn.
Khi tìm kiếm từ khóa “dự đoán đề văn năm 2023” trên TikTok, nền tảng này sẽ đưa ra hàng trăm video với nội dung liên quan và một số từ khóa gợi ý như “dự đoán đề Văn THPT quốc gia năm 2023”, “dự đoán đề Văn 2k5”, “Nam Định đoán đề Văn”, “Nam Định đoán đề thi Văn THPT quốc gia”...
Khẳng định đoán đúng đề
Khi đoán đề thi Ngữ văn, các TikToker thường đưa ra những quan điểm mang tính chất khẳng định để tạo lòng tin cho người xem. Ví dụ, trong video đoán đề, tài khoản @chigiaonhanhdayvan nói rằng 3 tác phẩm có khả năng “rất cao” sẽ xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023 là Vợ chồng A Phủ, Người lái đò sông Đà và Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Hàng loạt video đoán đề xuất hiện trên TikTok. |
Nói về tác phẩm Vợ chồng A Phủ, TikToker này cho rằng truyện ngắn này có khả năng xuất hiện trong đề thi vì đã 5 năm rồi chưa ra đề. Còn với tác phẩm Người lái đò sông Đà, TikToker tự xưng là "chị giáo dạy Văn" cho rằng đây là tác phẩm tương đối khó, có tính phân hóa và là nỗi sợ của nhiều học sinh. Cô cho rằng với kỳ thi đông sĩ tử như năm nay, tác phẩm này sẽ là lựa chọn hoàn hảo.
Còn riêng bài thơ Đất nước, TikToker này nói rằng đây là bài thơ được ra đề với chu kỳ 3 năm một lần, cụ thể là vào năm 2017 và 2020 nên cô dự đoán đề thi năm 2023 sẽ tiếp tục có bài thơ này.
Cuối video, cô gái này nói rằng việc đoán đề chỉ dựa trên kinh nghiệm của cô, học sinh vẫn cần ôn tập tất cả tác phẩm. Tuy nhiên, ở phần bình luận, nhiều học sinh vẫn khá nghe theo lời dự đoán này. Thậm chí, một người còn nói rằng “em tin chị đấy nhé”.
Tương tự, một người tự xưng là “thầy giáo” cũng đăng video dự đoán đề văn trên tài khoản TikTok @vanhaytv và cho rằng hai tác phẩm có thể xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023 là Người lái đò sông Đà và Vợ chồng A Phủ.
Để củng cố quan điểm của mình, tài khoản này đưa ra danh sách các tác phẩm đã xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn từ năm 2010 đến nay, bao gồm đề chính thức và đề minh họa của năm 2022 và 2023. Từ danh sách này, TikToker nói hai tác phẩm Người lái đò sông Đà và Vợ chồng A Phủ từ lâu chưa xuất hiện trong đề thi nên có khả năng sẽ được ra trong năm nay.
Người xem cũng nhiệt tình đưa ra dự đoán đề thi môn Ngữ văn. |
Hai video đoán đề khác cũng thu hút lượt tương tác khá lớn đến từ tài khoản TikTok @phuthuytrithuc và @anh_oc_1908. Tài khoản @phuthuytrithuc cho rằng Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông là những tác phẩm có khả năng giúp học sinh trúng tủ đến 99%.
Còn tài khoản @anh_oc_1908 đưa ra dự đoán đề với lời khẳng định 90% đúng. Cụ thể, người này liệt kê 5 tác phẩm có thể xuất hiện trong đề Ngữ văn là Vợ chồng A Phủ (6 năm chưa ra), Người lái đò sông Đà (10 năm chưa ra), Vợ Nhặt, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Đất nước.
Không chỉ đoán đề dựa theo tần suất xuất hiện của tác phẩm, nhiều người còn đoán đề văn dựa theo đề thi thử của tỉnh Nam Định vì một số lần tác phẩm trong đề văn của tỉnh này trùng với tác phẩm xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT.
“Cứ nghe theo đề Nam Định là được”, “Đề sở Nam Định gọi tên Vợ chồng A Phủ”, “Đề Nam Định ra vào Đất nước đoạn 4 nhé anh em”, nhiều người bình luận.
Hệ lụy khi tin nội dung đoán đề trên mạng
Bàn về những nội dung đoán đề Ngữ văn trên TikTok, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nhận định việc đưa ra dự đoán đề, thậm chí khẳng định 99% đúng như vậy sẽ gây hại rất lớn đến học sinh vì nếu học tủ và lệch tủ, công sức ôn tập của các em sẽ đổ sông đổ bể.
Loạt từ khóa gợi ý khi tìm kiếm dự đoán đề Văn năm 2023 trên TikTok. |
Theo thầy Đức Anh, những người đưa ra dự đoán đề thi là những người không có tâm với học sinh. Thầy giáo khẳng định không ai có thể đoán đề đúng đến 99% vì hiện nay chỉ giáo viên ra đề mới biết đề thi sẽ rơi vào tác phẩm nào. Những video đoán đề trên mạng chỉ mang tính chất câu like, câu view, học sinh nghe theo sẽ rất nguy hiểm.
“Một điều tôi thấy rất buồn là học sinh không nghe lời thầy cô dặn mà lại đi tin những thông tin trôi nổi trên mạng. Đây là vấn đề nan giải nhưng chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn. Điều quan trọng nhất là học sinh cần phải tỉnh táo, biết phân biệt đâu là thông tin nên nghe, đâu là thông tin không nên tin tưởng”, thầy Đức Anh nêu quan điểm.
Chung ý kiến với thầy Đức Anh, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ Văn trường THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng đoán đề thi Văn là hành động đáng lên án vì nó cổ xúy việc học tủ.
Là giáo viên dạy Ngữ văn, cô Thái Lê không bao giờ khuyến khích việc đoán đề và học tủ, dù là thi học kỳ hay thi tốt nghiệp THPT. Bản thân cô cũng không coi việc học sinh trúng tủ là niềm vui nên cô không bao giờ đưa ra dự đoán đề văn cho học sinh, càng không dạy tủ mà sẽ dạy tất cả kiến thức cần thiết.
Cô Lê nêu thêm một quan điểm là học sinh cần cảnh giác với việc đoán đề trên mạng xã hội vì đôi khi những tài khoản đó làm nội dung không vì một mục đích duy nhất, có thể họ còn có mục đích khác sâu xa hơn. Vì thế, học sinh cần tỉnh táo trước những thông tin không chính thống trên mạng chứ không thể mù quáng nghe theo.
“Nói chung, tôi không ủng hộ việc đoán đề. Dù ra tác phẩm nào, học sinh cũng nên làm bài với tâm thế chủ động và vững vàng về mặt kiến thức”, cô Lê nhấn mạnh.
Nói thêm về việc ôn thi Ngữ văn trong giai đoạn nước rút, thầy Đỗ Đức Anh khuyên rằng trong thời điểm này, học sinh chỉ nên lắng nghe chính mình, lắng nghe thầy cô của mình để biết mình học chưa tốt ở những phần nào, còn thiếu những đơn vị kiến thức nào để cố gắng trau dồi thêm. Với những nội dung đã nắm chắc, các em có thể ôn lại cho nhớ, không nên tin những lời suy đoán trên mạng rồi lại ảnh hưởng tâm trạng học tập.
Thời gian này, thầy Đức Anh khuyên học sinh cũng nên giữ cho mình tâm thế thoải mái, không nên quá căng thẳng, áp lực vì như vậy việc ôn tập sẽ không hiệu quả. Các bạn cũng có thể tự luyện đề và nhờ thầy cô chấm bài để rút ra những lỗi sai còn mắc phải. Điều quan trọng là học sinh không nên học tủ vì học tủ thì rất dễ bị “tủ đè”, gây uổng phí 12 năm đèn sách.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.