Trà chanh Đào Duy Từ
“Trà chanh chém gió” giờ đã thực sự là một văn hóa của giới trẻ Hà Thành. Chỉ vài cốc trà từ 10 đến 15 nghìn, thêm một đĩa hướng dương “tí tách” đã đủ cho một nhóm bạn ngồi rôm rả với nhau cả giờ đồng hồ.
Có thể điểm qua một số tụ điểm trà chanh đông nhất hiện nay là Nhà Nhờ Lớn, Chợ Gạo, Lương Văn Can hay Ngã Tư Sở… Tuy nhiên, với nhiều người sành miệng, khó tính thì “chỉ có trà chanh Đào Duy Từ là chuẩn nhất”. Đây cũng là nơi tiên phong, tạo ra trào lưu ẩm thực thơm, ngon, bổ, rẻ này.
Quán trà chanh Đào Duy Từ trước đây rất nhỏ, không gian tuềnh toàng, thậm chí trông hơi nhom nhem, mất điểm. Tuy nhiên, nhờ món trà chẳng đâu bán - chan chát, thơm hương trà mạn ướp hoa nhài, chua chua vị chanh, ngọt mát khi cho thêm đường với đá - mà quán rất đắt khách. Lúc đó một cốc trà chanh chỉ 6.000 - 7.000 đồng, cộng thêm thực đơn vài món chè rất hợp gu giới trẻ mà cái quán trà "xấu mã" ấy vẫn trở thành tâm điểm của cả con phố.
Sau vài năm thành công, quán vẫn giữ phong cách bình dân cũ nhưng mở rộng hơn nhiều, phục vụ cũng chuyên nghiệp hẳn. Tới nay, dù rất đông đối thủ cạnh tranh, phố Đào Duy Từ cũng mọc lên nhiều điểm ăn uống mới, nhưng quán trà chanh này vẫn khẳng định được ví trí cũng như thương hiệu của mình bằng lượng khách đông đúc, tấp nập mỗi ngày.
Bún ốc, riêu bò Hòe Nhai
Người Hà Nội nhiều năm nay rất quen với món bún riêu - bún ốc thịt bò. Nhưng nếu ngẫm lại, bạn sẽ nhận ra, khoảng hơn chục năm về trước, bún riêu - bún ốc là món ăn thuần túy và… chẳng liên quan đến thịt bò hay những thứ “lẩm cẩm” như giò tai, đậu rán…. Thời điểm đó, chỉ một số người hay lê la đến phố Hòe Nhai mới biết đến kiểu bún ốc - bún riêu thịt bò kỳ lạ này.
Thực tế, thịt bò chần tái nếu nói rất hợp gu với bún ốc - bún riêu thì không phải, nhưng cho thêm vào không bị lạc vị mà lại giúp người ăn ấm bụng, vui miệng hơn. Bởi vậy, cách kết hợp mới mẻ ấy được khách hưởng ứng ngay. Và nơi khởi xướng chính là phố Hòe Nhai.
Hồi ấy, ở con phố ngắn này có 2 quán đều bán bún ốc - bún riêu thịt bò. Một quán có cô chủ thân hình đẫy đà nhưng vui tính, chiều khách, được nhiều người rất khoái và hay gọi là “quán cô Béo”, quán còn lại thì trông sạch sẽ hơn. Không rõ đâu mới thực sự là nơi khởi xướng bún ốc - bún riêu thịt bò nhưng cả hai đều có lượng khách tương đương và ngày một nức tiếng.
2 quán được cho là khởi sướng phong trào bún ốc - bún riêu thịt bò. |
Món ăn dễ hợp lòng người, cách biến tấu lại quá đỗi đơn giản nên chỉ một thời gian sau, bún ốc – bún riêu thịt bò trở thành “cơn lốc” bao trùm khắp ngõ phố, từ quán gánh vỉa hè hay cửa hiệu đàng hoàng, nơi nào bán bún riêu, bún ốc đều không quên có thêm thịt bò, rồi sau này là giò lụa, giò tai, đậu rán… Đến nay thì bún ốc - bún riêu với thịt bò đã trở thành "cặp bài trùng" quen thuộc của ẩm thực Hà Thành.
Phở cuốn, phở chiên phồng Ngũ Xã
Không có “bề dày lịch sử” như phở truyền thống nhưng chẳng biết từ bao giờ, phở cuốn đã là văn hóa ẩm thực thú vị của người Hà Nội. Và nhắc đến phở cuốn, người ta nghĩ ngay đến làng Ngũ Xã ở kế bên hồ Trúc Bạch.
Đến đây, bạn sẽ thấy các tiệm san sát nhau đều treo biển “phở cuốn, phở chiên phồng”. Tuy nhiên, bạn dễ dàng nhận ra chỉ có tiệm Hưng Bền là áp đảo. Thông tin khó kiểm chứng nhưng theo nhiều thực khách sành ăn thì đây chính là nơi khởi nguồn cho món phở biến tấu thú vị này.
Hồi ấy, tiệm phở Hưng Bền chỉ là một quán vỉa hè giản dị bé xíu nằm ở ngã tư giao giữa Nguyễn Khắc Hiếu với Ngũ Xã. Quán rất đông khách vào các buổi tối nhưng thường chỉ người dân quanh đó và một số “ma xó” mới biết đến. Nhưng món là lạ, lại chế biến khéo léo vừa miệng thực khách nên phở cuốn với phở chiên phồng của quán như một lẽ tất yếu ngày càng đông khách.
Đôi ba năm sau, quán được mở rộng hơn, xung quanh đó cũng bắt đẩu mọc lên những tiệm cạnh tranh. Còn đến nay, Hưng Bền đã trở thành quán lớn rất chuyên nghiệp, và phố Ngũ Xã thì chẳng khác nào “phố phở cuốn”. Tất nhiên, để thay da đổi thịt như vậy, quán Hưng Bền đã phải mất hàng chục năm. Nhiều khách ruột đến đây vẫn rất hài lòng vì chất lượng món ăn của quán không hề thay đổi dù tác phong có công nghiệp hơn.
Bánh tráng trộn dốc Ngọc Hà
Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, món bánh tráng trộn Sài Gòn dần phổ biến ở các con phố Hà Nội. Bánh tráng dai dai kết hợp xoài ương chua chua thái sợi, thịt bò khô, trứng chim cút cùng một thứ nước trộn cay thơm đã “gây nghiện” với rất nhiều bạn trẻ. Giá lại bình dân 20.000 – 30.000 đồng/bát nên những quán bánh tráng trộn vỉa hè đua nhau mọc lên, thậm chí các địa chỉ bán bánh tráng trộn online cũng không thiếu.
Công đầu trong việc “phổ cập” món ăn này cho dân Hà Thành có lẽ thuộc về một quán ăn nhỏ trên dốc Ngọc Hà. Khi mới mở cách đây chừng 2 năm, quán ấy rất bé và tuềnh toàng. Nhưng rồi nhờ bán món mới lạ, giá rẻ, cộng thêm sức mạnh của internet giúp “tin lành đồn xa” mà quán nhanh chóng được rất nhiều bạn trẻ tìm đến. Kết quả là dù phải di dời địa điểm nhưng tiệm bánh tráng trộn “nhom nhem” ở dốc Ngọc Hà ngày nào này đã trở thành cửa hàng đẹp đẽ, có không gian, biển bảng nổi bật một góc phố Hoàng Cầu. Đây cũng là thành quả xứng đáng của người đã chịu khó mày mò mang về cho người Hà Nội một món ăn mới lạ.