Từ thời sinh viên cho đến lúc đi làm, Phạm Hà Trang (25 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn phải ở ghép vì giá phòng ở khu vực trung tâm thành phố rất đắt đỏ. Phần nữa, Trang cũng sợ ở một mình.
“Sức khỏe mình không tốt, có bệnh tim nên phải ở cùng người khác. Có lúc mình ở ghép với một người, khi ở cùng với nhiều bạn. Thế nhưng, tìm 1 người ở chung dễ chịu và hợp tính khó như tìm người yêu vậy", Trang nói với Zing.
Tiện tay "cầm nhầm"
Từng ở chung với một người chị lớn hơn 2 tuổi, làm cùng cơ quan, nhưng chỉ sau một tháng, Trang đã phải “khăn gói ra đi” vì không chịu nổi vì người kia luôn tự tiện dùng đồ của cô mà không xin phép.
“Mình có thói quen buổi tối sắp sẵn quần áo sẽ mặc đi làm vào ngày hôm sau để đỡ phải suy nghĩ. Sáng hôm đó định diện chiếc váy đã treo ngoài tủ quần áo nhưng tìm mãi không thấy, mình đành mặc một bộ khác. Tối chị ấy về, mình ngỡ ngàng khi chị đang mặc chiếc váy của mình. Chị không xin lỗi mà chỉ nói: ‘Sáng nay đi gặp khách hàng vội quá, chị mượn mà quên bảo em, ai cũng khen váy đẹp lắm’”.
Nhiều người ở ghép với nhau không tránh khỏi rắc rối khi khác biệt tính cách với người ở chung. Ảnh: Getty. |
Nhắm mắt cho qua lần đó nhưng những hôm sau, Trang không khỏi khó chịu khi thỏi son để trên bàn biến mất, đôi giày mới mua chưa đi lần nào cũng bị người ở cùng thử trước hay đôi bông tai trong hộp trang sức “không cánh mà bay”.
“Vì là đồng nghiệp nên mình rất nhường nhịn, nhưng đổi lại mình thấy chị không tôn trọng quyền riêng tư và đồ đạc cá nhân của mình. Mỗi lần không thấy thỏi son, kẻ mắt hay chiếc kẹp cài đầu, không cần hỏi cũng biết nó đang nằm trong túi của chị. Chị luôn bảo 'tiện tay mượn dùng rồi quên mất', 'có việc gấp nên mượn mà chưa hỏi'. Mình có nhắc khéo, than thở nhưng chị vẫn chứng nào tật nấy, mình đành phải dọn đi”.
Hiện tại, Trang đang ở cùng phòng với 2 người bạn bằng tuổi trong căn chung cư ở quận 2. Từng trải qua nhiều rắc rối khi ở ghép, lần này, trước khi dọn về nhà chung, Trang và những người ở chung đã thống nhất với nhau những quy tắc trong nhà.
“Bọn mình chia lịch dọn nhà, thống nhất từ việc nhỏ nhất như chuyện dùng nhà vệ sinh. Vì công việc của mình tự do hơn nên mình thường ưu tiên các bạn vệ sinh cá nhân trước vào buổi sáng. Chưa quen thân nhưng bọn mình đã rõ ràng về sở thích, giới hạn khi ở cùng để mỗi khi có vấn đề gì khó chịu đều dễ dàng bày tỏ, mình thấy làm vậy tốt hơn. Ví dụ buổi tối không được bật nhạc to ảnh hưởng bạn khác, nếu đưa bạn về nấu ăn thì có trách nhiệm dọn dẹp, mỗi tuần đều ngồi lại để chia sẻ vấn đề của nhau”, Trang nói về cách để hòa hợp với người sống cùng nhà.
Giống với Hà Trang, nhiều bạn trẻ đang là sinh viên hoặc người mới đi làm ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội thường tìm kiếm người ở chung để giảm bớt chi phí, đỡ cô đơn. Song thực tế, để có một người cùng tính cách, hòa hợp với nhau không phải dễ. Không ít người rơi vào hoàn cảnh khổ sở khi bạn cùng phòng xấu tính, bừa bộn, không tôn trọng sự riêng tư của nhau.
Phòng trọ thành nơi hẹn hò
Ngọc Giang (nhân viên văn phòng tại TP.HCM, ngụ quận 1, TP.HCM) tâm sự cô từng có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi ở ghép với em họ của người bạn thân. Trước đó, Giang chưa từng ở chung nhà với người lạ.
“Bạn mình nhờ cho em họ ở mấy tháng để quen với Sài Gòn. Mình cũng rất thoải mái, nói nhà rộng lắm em cứ đến ở, thậm chí không bắt em ấy đóng tiền nhà, chỉ đề nghị chung vào một số khoản phụ phí như điện, nước, tiền gửi xe. Nhưng tháng nào em cũng bảo đang kẹt tiền, xin nợ rồi không bao giờ trả. Trong khi em mua sắm không tiếc tay, túi xách hàng hiệu phải có đến mấy chiếc”.
Nhà có một phòng ngủ và một giường bên ngoài phòng khách, Ngọc Giang ở phòng trong.
“Em ấy hay nói bị trúng gió, cảm lạnh rồi xin vào ngủ phòng bên trong, mình cũng đồng ý. Rồi dần dần em thường xuyên đưa bạn trai về nhà, mình không phản đối nhưng rất khó chịu vì bị làm ồn. Đỉnh điểm có một hôm em dẫn bạn về rồi khóa trái cửa, mình gọi mãi không mở. Sau lần đó, mình không thể chịu đựng được nữa và bảo em tìm nơi ở khác”.
Nhiều người bức xúc khi bạn ở chung không chia sẻ việc nhà hay biến nơi ở chung thành chốn hẹn hò. |
Giống như Ngọc Giang, Nguyễn Cường (nhân viên IT, ngụ đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 6) cũng rơi vào tình cảnh khó xử vì bạn cùng thường xuyên dẫn người yêu về phòng.
Cường quen bạn ở chung khi đăng tin tìm người ở ghép trên mạng. Anh nói con trai với nhau không có nhiều vấn đề, đôi khi đến tối về ngủ chứ cũng không trò chuyện gì. Cả ngày đi làm ở cơ quan, tối chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi nhưng khoảng thời gian đó của Cường thường xuyên bị bạn ở chung “chiếm dụng”.
“Ở với nhau được khoảng 2 tuần, bạn ấy bắt đầu quen và thường đưa bạn gái về phòng. Trước mặt mình nhưng hai người quá thoải mái thể hiện tình cảm, nhiều khi khiến mình ngượng chín người. Những lần sau, thấy bạn nữ kia đến, mình đành đi ra ngoài uống nước hay ngồi quán game. Nhiều hôm quá nửa đêm bạn gái cũng chưa về, mình cũng phải ngồi ở ngoài đến khuya, kết quả là sáng hôm sau thức dậy đi làm với tinh thần uể oải”.
Cường cho biết, phòng anh đang thuê giá 5 triệu đồng, có người ở cùng giúp giảm chi phí khá lớn. Song việc phòng trọ trở thành nơi hẹn hò của người bạn ở chung khiến anh không khỏi khó chịu.
“Mới ở với nhau vài tháng nay nên cũng ngại khi phải nói ra điều này, nhưng mình rất khó xử khi phòng trọ chung thành chốn hẹn hò. Mình nghĩ một hôm nào đó sẽ nói chuyện rõ ràng để bạn ấy hiểu. Nếu không thể giải quyết, mình có thể phải tìm một người khác để ở ghép”, Cường nói.
Mâu thuẫn
Năm 2014, Thanh Trà (sinh năm 1996) lên thành phố học đại học, đó cũng là lần đầu tiên cô bắt đầu cuộc sống xa nhà một mình. Muốn thuê một phòng trọ tốt gần trường trên khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), Trà và một người bạn học cùng cấp 3 ở ghép với nhau.
“Hồi ở quê, bọn mình có chơi chung và khá hợp tính nhau. Nhưng đến lúc sống cùng một phòng trọ, ngày ngày sinh hoạt cùng nhau, mình thực sự sốc vì có quá nhiều sự khác biệt giữa hai đứa. Mình mất người yêu cũng vì bị bạn cùng phòng ấy chơi xấu”, Thanh Trà tâm sự.
Cô nàng 25 tuổi kể người bạn ở chung rất xinh xắn, gọn gàng khi đi ra ngoài, tuy nhiên ở nhà lại bừa bộn. Trà luôn là người phải đi chợ nấu ăn vì bạn kia luôn bận sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu với bạn mới và về muộn.
“Mình là người nấu nhưng ăn xong bạn ấy ít khi rửa bát. Bạn để hết bát vào chậu rồi kêu mệt, nói sáng mai rửa. Nhưng sáng lại đi học nên núi bát cứ chồng đầy lên đến tận tối, chịu không nổi rồi mình tự rửa luôn. Dù thống nhất sẽ thay phiên nhau đi đổ rác nhưng bạn chẳng bao giờ để ý, đến lúc rác quá đầy, bốc mùi hôi trước cửa phòng, mình lại là người phải mang đi vứt”.
Có nhiều lần Thanh Trà nhắc nhở nhưng “bạn cứ ừ à rồi đâu lại vào đó, không thay đổi”. Cô nói rằng vì là bạn bè bằng tuổi nên có những lúc cô nêu ý kiến cũng sợ khiến bạn mình cảm thấy khó chịu.“Có lần mình nghe người quen kể lại là bạn ở cùng đi nói xấu, chê mình khó tính. Mình trực tiếp nói chuyện với bạn ấy, nhưng bạn trách ngược lại mình lúc nào cũng quá chăm chăm vào tiểu tiết”.
Một lần, Trà được một bạn nam cùng câu lạc bộ ở trường đưa về vào tối muộn sau buổi sinh hoạt tháng của nhóm. Bạn ở chung lén chụp ảnh hai người đứng ở cổng nhà trọ và gửi cho bạn trai của Trà.
“Người yêu mình gọi điện trách cứ, dù có giải thích thế nào anh cũng không tin rồi đòi chia tay. Mình rất tức, hỏi tại sao lại làm thế thì bạn ở chung bảo ‘chỉ định đùa chút thôi’. Sự việc lần đó như giọt nước tràn ly, mình quyết định chuyển đi. Thuê một căn phòng ở xa hơn để giảm tiền trọ, phải đi xe buýt đi học nhưng mình thoải mái. Suốt những năm đại học, mình không ở chung với ai nữa”.
Hiện tại đã đi làm, Trà nói nếu tìm được một người hợp tính cách, cô vẫn sẽ chọn ở ghép.
“Mấy năm qua mình ở trọ một mình nên nhiều lúc không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Nhiều lúc mình cũng muốn có bạn ở cùng, sau khi đi làm về có người trò chuyện, chia sẻ. Nhưng hiện tại chưa có ai hợp tính cách nên mỗi dịp cuối tuần thường ra ngoài chơi hoặc đến nhà bạn bè, đồng nghiệp nấu ăn, tụ tập”.