Những ký ức buồn này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất, nó có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm, ám ảnh, rối loạn. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học cho biết có thể tìm ra cách để xóa, thay đổi và thậm chí cấy thêm ký ức mới ở con người khiến não chúng ta quên đi những ký ức đau buồn.
Gia cố ký ức - Quá trình tự nhiên của con người
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, những ký ức được lưu trữ ở một vị trí cụ thể trong não giống như một tủ hồ sơ chứa những tệp văn bản ghi lại những thông tin chúng ta tiếp nhận. Nhưng khi quét MRI, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng tất cả các dữ liệu ở bộ nhớ được trải dài trên bộ các tế bào thần kinh trong não với mỗi điểm kết nối là một ký ức nào đó.
Hiểu một cách đơn giản hơn, một bộ nhớ được hình thành khi các protein có tên beta-catenin kích thích các tế bào não của chúng ta phát triển và hình thành các kết nối mới lưu trữ các dữ liệu mới. Khi hình thành, ký ức sẽ vẫn nằm yên đó và thi thoảng lại khiến chúng ta nhớ lại vì các tín hiệu thần kinh sẽ không bỏ sót bất kỳ điểm nối nào của mạng lưới ký ức.
Đồng thời, các nhà khoa học nhận ra rằng ký ức dài hạn thường thiếu ổn định, cứ mỗi lần nhớ lại thì chúng lại trở nên mạnh mẽ hơn và sống động hơn. Quá trình này được gọi là gia cố ký ức. Điều này lý giải tại sao mỗi lần nhớ tới một ký ức nào đó chúng ta lại thấy có điều gì đó khác lạ.
Ví dụ như nếu bạn từng bị ngã xe đạp thì khi nhớ lại tức là não bộ của bạn đang tăng cường sức mạnh cho sợi dây liên kết giữa trí nhớ và các cảm xúc như sợ hãi, bực tức… Thậm chí, nếu liên kết này mạnh, nó sẽ khiến bạn run hoặc lo sợ mỗi khi ngồi trên xe đạp. Quá trình gia cố ký ức này là một yếu tố quan trọng trong việc nhớ lại những gì đã xảy ra và các nhà khoa học xem đây chính là điểm mấu chốt để can thiệp trong nỗ lực thay đổi ký ức con người hay còn gọi vui là “hack” não.
Những ký ức đau buồn có thể được viết lại để bạn cảm thấy yêu đời hơn. |
Propranolol - “Chìa khóa” ngăn chặn ký ức đau buồn
Theo Richard Gray - phóng viên chuyên viết về khoa học của tờ Telegraph: “Ký ức con người giống như việc luyện thủy tinh, khi bắt đầu hình thành hoặc khi nhớ lại chúng linh hoạt như một dòng chảy, nóng bỏng sau đó trở về trạng thái rắn theo thời gian. Đó là lý do tại sao có những ký ức chúng ta không thể nào quên”.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xóa ký ức tồi tệ có liên quan đến một chất hóa học có tên norepinephrine - một hợp chất giống như adrenaline có vai trò trong việc thực hiện phản ứng “đương đầu hay chạy trốn” trước các tác động bên ngoài đến não bộ.
Các nhà khoa học tìm cách ngăn chặn tác động của norepinephrine với việc gợi lại các ký ức với mục đích làm suy yếu những ký ức đau buồn và ngăn chặn chúng liên kết với những cảm xúc tiêu cực.
Vào cuối năm ngoái, các nhà khoa học đến từ Hà Lan đã chứng minh họ có thể xóa nỗi sợ hãi với nhện bằng cách sử dụng một loại thuốc có tên propranolol (thuộc nhóm phong tỏa thần kinh giao cảm) để ngăn chặn norepinephrine.
Nghiên cứu tiến hành với ba nhóm đối tượng mắc hội chứng sợ nhện (arachnophobes) để thử nghiệm tác dụng của thuốc propranolol. Hai trong ba nhóm được xem một con nhện Tarantula đựng trong lọ thủy tinh để kích thích nỗi sợ hãi và sau đó họ được cho sử dụng propranolol và một nhóm dùng giả dược. Nhóm cuối cùng không phải xem nhện và vẫn dùng propranolol.
Kết quả cho thấy, sau vài tháng, các đối tượng đồng thời được xem nhện Tarantula nhưng phản ứng nhóm 2 uống giả dược và nhóm 3 uống propranolol mà không xem nhện giống nhau - đó là vô cùng sợ hãi nhện. Nhóm 1 thì không hề tỏ ra sợ hãi, thậm chí một số người chạm tay vào các bộ phận của nhện, giống như nỗi sợ hãi nhện đã bị xóa khỏi bộ não. Nghiên cứu này tiến hành liên tục từ năm 2009 đến tháng 12/2015.
Trên thực tế, nếu công dụng của propranolol được áp dụng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích từ việc xóa toàn bộ ký ức đau khổ nhưng không ít chuyên gia tâm lý cho rằng nó sẽ vi phạm khá nhiều vấn đề đạo đức xã hội.
Nhà tâm lý Julia Shaw cho rằng: “Việc quên đi ký ức nào không phải là điều khiến nhiều người lo ngại mà nếu việc tận dụng quá trình tái gia cố ký ức để cấy thông tin vào bộ não sẽ khiến nhiều người trở thành nạn nhân của những hành động có chủ đích như việc cấy những ký ức về việc phạm tội, tội ác mà bản thân không hề làm”.
Theo Michael Bicks - tác giả chương trình Memory “hacker” nổi tiếng cho biết: “Việc viết lại những ký ức mục đích không phải để bạn lãng quên hoàn toàn mà để tạo thành những câu chuyện về bản thân để bạn cảm thấy có thể sống cùng trong quãng đời còn lại dễ dàng hơn”.