Tim Dolling say mê giới thiệu cho du khách từng công trình di sản khu trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Tiến Long. |
Một ngày cuối tháng 9, sau khi nhâm nhi ly cà phê cùng bốn du khách đến từ Anh và Mỹ, chúng tôi theo chân những vị khách này thực hiện cuộc hành trình bốn giờ cùng “hướng dẫn viên” Tim Dolling - nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử người Anh, tác giả cuốn sách Khám phá TP HCM - ngược dòng chảy lịch sử tìm về những công trình kiến trúc độc đáo, quyến rũ của vùng đất một thời là “hòn ngọc Viễn Đông”, Sài Gòn - TP HCM ngày nay.
Dạo bộ ngắm Sài Gòn xưa
Cơn mưa sáng đổ xuống khiến trời Sài Gòn nhẹ dịu, trong lành. Không ôtô, xe máy, du khách tham gia tour du lịch “ngắm Sài Gòn xưa” chỉ thả bộ theo chỉ dẫn của người hướng dẫn vui tính. Hành trình xuất phát từ quảng trường trước nhà thờ Đức Bà.
Dẫn mọi người đi dọc con đường Đồng Khởi, Tim Dolling “phác họa” cho du khách hình ảnh con đường Catinat với những tòa nhà kiến trúc độc đáo, sang trọng, nơi tọa lạc hàng chục công trình văn phòng, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và khách sạn cao cấp...
Ở đó, hình ảnh khách sạn Majestic, hành lang Eden với hai quán La Pagode và Givral cùng tiệm sách Albert Portail, nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TP... hiện ra trên nền những câu chuyện kể phảng phất dấu tích xưa cũ. Du khách như được dịp rong ruổi, dạo chơi giữa khung cảnh nhộn nhịp trên con đường quan trọng nhất Sài Gòn.
Được sống trong nhịp thở đời sống “văn hóa cà phê” thị dân với những quán Café de la Musique, Café de la Terrace và Continental Terrace nhộn nhịp người ra vào. Anh Brandon Coleman, du khách đến từ Mỹ, phải thốt lên: “Catinat không hổ danh là Canebière của Đông Nam Á” (Canebière là đường lớn nhất nổi tiếng tại Marseille, miền nam nước Pháp - NV). Đáng tiếc hình ảnh, hơi thở đời sống thị dân đó bây giờ chỉ còn trong những bức ảnh đen trắng.
“Tại khu vực này chúng ta đều quen thuộc với các di tích nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, khách sạn Continental và khách sạn Caravelle. Nhưng bây giờ tôi muốn dẫn các bạn tìm về gốc tích những công trình đó mà trước giờ ít người để ý đến...”, lời gợi mở đầy hấp dẫn thôi thúc du khách nhập cuộc.
Đưa mọi người đến trước Bưu điện thành phố (số 2 Công trường Công xã Paris, quận 1), nhiều khách du lịch ra vào, say sưa chụp từng chi tiết kiến trúc. Một vài đôi uyên ương chụp những bộ ảnh cưới hạnh phúc.
Tim Dolling giới thiệu đây không phải là bưu điện đầu tiên của Sài Gòn. Bưu điện đầu tiên được tạm thời thành lập vào đầu những năm 1860 trên khu vực tòa nhà Metropolitan bây giờ (235 Đồng Khởi).
Đến năm 1878, người Pháp đã xây bưu điện thứ hai tại số 162-166 Catinat (nay là bót Catinat, 162-166 Đồng Khởi). Do bưu điện này không đủ lớn nên trong những năm cuối thập niên 1880, nó được xây dựng lại với quy mô lớn hơn tại chỗ hiện nay.
Khi du khách chưa hết ngạc nhiên, Tim Dolling chỉ về hướng khách sạn Caravelle (Đồng Khởi) rồi tiết lộ nơi đây từng là nhà hát đầu tiên được xây dựng tại Sài Gòn. Nhà hát nhỏ này được xây từ đầu những năm 1870, trang trí đơn giản nhưng rất ấm cúng.
Khoảng năm 1882, nhà hát bị cháy và được xây dựng lại bằng gạch. Nhưng chính quyền Pháp muốn có một tòa nhà hát lớn hơn và sang trọng hơn, do đó năm 1898 họ cho xây dựng Nhà hát TP (Công trường Lam Sơn, quận 1).
Vừa giới thiệu, ông vừa dẫn du khách đi từng tòa nhà và đưa ra những hình ảnh đen trắng để xác thực cho câu chuyện.
Giữ gìn, bảo tồn “kho vàng” du lịch
Giữa dòng người xô bồ qua lại, tiếng xe cộ, còi xe nhốn nháo, Tim Dolling dẫn mọi người qua từng con đường Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Pasteur, Lý Tự Trọng... lần lượt giới thiệu những tòa nhà kiến trúc tọa lạc nơi đây. Mỗi công trình được thổi hồn bằng những câu chuyện lịch sử, văn hóa.
Có những tòa nhà bị che khuất, lãng quên theo thời gian vẫn được Tim Dolling “khai quật” kể cho mọi người. Sau khi dạo chơi khu vực bến thuyền, khu ngân hàng, ông dẫn du khách đến khu chợ nhỏ trên đường Tôn Thất Đạm (quận 1) và cho biết đây là khu chợ tiền thân của chợ Bến Thành.
Khu chợ có trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Sau những biến cố lịch sử, khu chợ được di dời đến địa điểm mới (nay là khu vực tòa nhà Bitexco và Ngân hàng Nhà nước). Con đường Nguyễn Huệ với phố đi bộ nhộn nhịp người qua lại hiện nay từng là con rạch chạy trước khu chợ.
Dọc bờ sông, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau buôn bán sầm uất, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Đến khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ, có nguy cơ sụp đổ. Người Pháp phải lựa chọn địa điểm mới để xây cất một khu chợ lớn hơn, chính là chợ Bến Thành ngày nay.
Giữa chuyến đi có một cuộc gặp gỡ rất bất ngờ. Khi đang dạo trên đường Hàm Nghi, Tim Dolling đưa du khách đến trước khu nhà địa chỉ 70 - 72 Hàm Nghi giới thiệu đó là nhà hàng Động Phát, nổi tiếng món vịt quay ngon nhất Sài Gòn một thời.
Dấu tích nhà hàng chỉ còn dòng chữ “Restaurant Động Phát” dập nổi mờ nhòe, bạc màu, bị các bảng hiệu hiện đại che khuất, phải nhìn kỹ du khách mới nhận ra. Nhà hàng do hai ông Trần Muội Tư (1915) và Văn Hương (1913) mở ra phục vụ tiệc cưới.
Bà Nguyễn Thị Năm (67 tuổi), con dâu ông Tư, cho biết sau ngày 30/4/1975 nhà hàng dường như bị lãng quên. Sau này bà Năm mở hàng bánh kẹo nhỏ lấy tên Động Phát để ghi nhớ thương hiệu nổi tiếng cha ông gây dựng.
Chỉ có những người lớn tuổi từng tổ chức lễ cưới tại nhà hàng mới biết và quay lại hỏi thăm. Còn khách du lịch không hề hay biết. Bà Năm bất ngờ khi một người nước ngoài giới thiệu về thương hiệu của gia đình nên nắm tay Tim Dolling cảm ơn ríu rít.
Cuối cuộc hành trình, Tim Dolling chia sẻ về tour du lịch của mình: “Hiện nay khách du lịch văn hóa là những người giàu nhất. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để được hướng dẫn và tìm kiếm nhiều kiến thức độc đáo về một thành phố Sài Gòn là thành phố có lịch sử rất phong phú, rất hấp dẫn du khách trên thế giới đến tìm hiểu.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhiều người sống ở Sài Gòn gặp và nói với tôi thành phố này không có gì để tham quan. Vì vậy tôi mở tour du lịch khám phá công trình kiến trúc di sản Sài Gòn giúp mọi người hiểu hơn giá trị từng di sản.
Mọi người phải chung tay gìn giữ, bảo tồn “kho vàng” của du lịch. Để một ngày không phải hối hận khi những công trình này mất đi”.