Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh năm 2020, Hoàng Hạ (sinh năm 1998, TP.HCM) từng làm thực tập sinh telesale cho một công ty bảo hiểm, sau đó phụ bán hoa tại cửa hàng của người thân.
Cô mong muốn có được một công việc ổn định nhưng chưa kịp nộp hồ sơ tới đâu thì dịch Covid-19 bùng phát. Nhận thấy cơ hội kiếm việc mong manh khi nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM lao đao vì dịch, Hạ quyết định về quê ở Đồng Nai và rải CV, chờ đợi cơ hội phù hợp.
"Thời gian đó, trong 8 công ty tôi gửi CV thì chỉ có 2 nơi gọi phỏng vấn. Song kết quả đều không được như ý", Hạ kể với Zing.
Chấp nhận mức lương thấp
Tết Nguyên đán vừa kết thúc cũng là lúc mùa tuyển dụng bắt đầu sôi động, Hoàng Hạ tích cực tìm kiếm cơ hội hơn. Cô tham gia các hội nhóm tuyển dụng, chia sẻ cơ hội tìm việc trên mạng xã hội, bình luận xin JD (Job Description - mô tả yêu cầu công việc) dưới những bài đăng tiềm năng.
Tuy nhiên, Hạ nhận thấy bên cạnh nhu cầu tuyển dụng nhiều, những người có mong muốn tìm việc cũng không ít, khiến độ cạnh tranh bị đẩy lên cao, nhất là ở những công việc có đãi ngộ hấp dẫn.
Vì chưa có kinh nghiệm, Hạ không mong đợi mức lương quá cao khi tìm việc. Ảnh: NVCC. |
"Đợt dịch vừa rồi, cả những bạn sinh năm 1998 và 1999 đều chững lại, bây giờ mới bắt đầu đẩy mạnh tìm việc. Chưa kể những người có kinh nghiệm nhảy việc nên sự cạnh tranh cao là không tránh khỏi", Hạ nói.
Tự nhận thấy bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, Hạ chỉ mong đợi mức lương khoảng 7 triệu đồng cho các vị trí liên quan đến ngành học, ví dụ như sale admin.
Với cô, con số này đủ để tạm xoay xở chi phí sinh hoạt ở TP.HCM.
Nếu hết tuần này vẫn chưa tìm được việc, Hạ dự định mở rộng vị trí nhắm đến như chăm sóc khách hàng vì công việc này thường không yêu cầu nhiều kinh nghiệm.
"Nếu có công ty đề xuất mức lương thấp hơn mong đợi một chút nhưng trong dự tính, tôi vẫn sẽ nhận lời làm việc. Còn nếu con số quá thấp so với thị trường thì không", Hạ chia sẻ.
"So với các ứng viên khác, tôi nghĩ ưu điểm của bản thân là tinh thần sẵn sàng học hỏi thêm và chấp nhận mức lương thấp trong thời gian đầu để làm quen với môi trường, công việc", cô nói thêm.
Không ngại chờ đợi
Cũng đang trong tình trạng "thất nghiệp" như Hoàng Hạ, thế nhưng Thủy Tiên (27 tuổi, TP.HCM) lại không quá sốt sắng tìm việc. Do đã có kinh nghiệm trong ngành truyền thông, lại có khoản tiền dự trữ, điều cô chờ đợi chính là một cơ hội đủ tốt cho sự nghiệp và cả sức khỏe của mình.
Ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủy Tiên quyết định nghỉ công việc thứ 3 sau khi ra trường. Cô đưa ra quyết định này bởi gặp chút vấn đề về sức khỏe sau 3 năm lao lực vì công việc. Hơn nữa, sau thời gian dài làm việc tại nhà vì dịch bệnh, cô cảm thấy sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng.
"Tôi vẫn đang tự vấn về định hướng công việc sắp tới. Tôi cũng không hiểu sao bản thân chưa sốt sắng kiếm việc, có lẽ hiện tại tôi ưu tiên sức khỏe tinh thần và thể chất hơn".
Người trẻ lo lắng với sự cạnh tranh cao khi tìm kiếm việc làm vào mùa cao điểm. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, cô gái 27 tuổi cũng muốn dành thêm thời gian cho bản thân và những điều trước giờ muốn nhưng chưa có thời gian thực hiện như học thêm ngoại ngữ hay đi du lịch.
"Thời gian làm việc ở tâm dịch khiến tôi không thể về thăm nhà trong thời gian dài. Tôi nhận ra ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Vì thế, tôi cũng muốn dành thêm thời gian cho gia đình khi còn có thể", Tiên bày tỏ.
Đối với Tiên, khoảng thời gian "thất nghiệp" này còn là lúc cô soi chiếu lại bản thân xem thực sự muốn gì, phù hợp với công việc như thế nào sau 5 năm lăn lộn trong thị trường lao động. Cô coi đây giống như "gap months" để xem lại cuộc đời.
Trước khi trở lại đường đua tìm việc, Tiên đã chuẩn bị học ngoại ngữ thứ 2 để trang bị thêm kỹ năng cũng như ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
"Lần này tôi sẽ ưu tiên tìm việc ưng ý về môi trường và chuyên môn cũng như cơ hội phát triển trong nghề nghiệp. Đãi ngộ không phải là yếu tố tôi đặt lên trên hết bởi tôi tự xác định bản thân vẫn đang trong quá trình trau dồi, học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Có thể, sau 30 tuổi, tôi mới ưu tiên chuyện tiền bạc nhất", cô tâm sự.
Nhiều người lao động ưu tiên sức khỏe lên trên các cơ hội kiếm tiền. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngành nào thiếu nhân lực?
Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường lao động bị tác động tiêu cực. Thậm chí, các lĩnh vực được cho ít bị ảnh hưởng như khối công nghệ thông tin, sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, không đủ người lao động để đáp ứng công việc.
"Nhìn chung, năm 2022 sẽ có nhiều điểm sáng hơn năm trước. Thị trường lao động sẽ trở nên sôi động hơn và các doanh nghiệp cũng gia tăng nhu cầu tuyển dụng ở cả lao động phổ thông và cấp trung, cấp cao", bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Navigos Search miền Bắc, Navigos Group, chia sẻ cùng Zing.
Báo cáo Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao tại thị trường Việt Nam Quý IV/2021 và dự báo nhu cầu tuyển dụng quý I/2022 của Navigos Group cho thấy có một số khối ngành có nhu cầu nhân sự cao, hứa hẹn sự chuyển dịch lớn.
Cụ thể, hầu hết địa phương đã mở lại hoạt động du lịch, sẵn sàng đón khách trong và ngoài nước. Vì vậy, khối ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, khách sạn sẽ cần tuyển thêm nhiều lao động.
Tiếp đến, tín hiệu đầu tư của nước ngoài về Việt Nam ở các khối ngành khác cũng khá tích cực trong thời điểm hiện tại, tạo ra nhiều cơ hội và vị trí công việc mới cho người lao động.
Ngoài ra, thị trường lao động ghi nhận những hoạt động sôi nổi của doanh nghiệp trong mảng tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, FMCG, bất động sản, bán hàng (sales)…
Đặc biệt, theo quan sát của Navigos Group, doanh nghiệp trong mảng điện tử và bán dẫn dự báo có nhu cầu tuyển dụng rất cao. Trong đó, sự xuất hiện của nhiều dự án nhà máy gia công mới đến từ Trung Quốc kéo theo yêu cầu nhân sự giỏi tiếng Trung cũng tăng theo.
Thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng cao đối với các khối ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, FMCG, bất động sản, bán hàng... Ảnh: Nam Khánh. |
Doanh nghiệp yêu cầu cao ở nhân sự
Cũng theo bà Lan, trong bối cảnh "bình thường mới", các doanh nghiệp hiện nay đều có những sự thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh những yêu cầu cơ bản như trước đây, họ bổ sung nhiều điều kiện và tiêu chuẩn mới để phù hợp với tình hình.
"Các doanh nghiệp rất đề cao ứng viên có khả năng tiếng Anh tốt vì hiện nay có nhiều dự án đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, họ cũng yêu cầu nhân sự có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng liên quan đến các nhu cầu mới trên thị trường. Ví dụ, ngành FMCG chuyển đổi kênh bán từ bán hàng truyền thống sang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đòi hỏi ứng viên cần có bộ kiến thức mới và kỹ năng liên quan đến TMĐT, sự hiểu biết cơ bản về công nghệ và cả kỹ năng bán hàng online", bà nói.
Bà Lan cho biết thêm nhà tuyển dụng cũng sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thể hiện ở khả năng học tập, thích nghi với sự thay đổi, kỹ năng công việc, tầm nhìn…
"Để không bị bỏ lại phía sau, người lao động cần học hỏi thêm các kiến thức và kỹ năng mới liên quan đến chuyên môn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng nên mở rộng các khả năng của bản thân trong việc chấp nhận thay đổi để thích nghi và sẵn sàng ứng phó với các thay đổi của thị trường. Đặc biệt, các bạn cần trau dồi khả năng sử dụng tiếng Anh không chỉ trong giao tiếp mà còn để ứng dụng trong công nghệ, đọc hiểu tài liệu, cập nhật kiến thức… Ngoại ngữ rất có ích cho người lao động", bà chia sẻ.