Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín đồ thời trang Việt tại Paris Fashion Week 2016

Là một trong số những người Việt đang có mặt ở kinh đô thời trang thế giới, bà Lưu Nga đã có bài viết chia sẻ với Zing.vn về ước mơ mang thời trang Việt ra thế giới.

Cứ mỗi mùa fashion show, tôi lại thôi thúc mình hành hương về Paris, chỉ có điều càng ngày càng cồng kềnh bởi đồ đạc, phụ kiện thời trang và ê-kíp đi theo. Tôi cố gắng hết sức hoà cùng văn minh của hơi thở thời trang, như một sự thử sức mình, thử sức của một người Việt với nơi được gọi là cái nôi của thời trang thế giới.

Ngoài những bộ trang phục, trong đó bao gồm áo dài truyền thống, tôi mang cả tinh thần người Việt, tình yêu thời trang và lòng tự hào của mình đến Paris.

Gần đây, tôi có xu hướng tìm hiểu văn hoá, kinh tế vĩ mô của nước nhà như sự cố gắng trang bị cho mình đủ kiến thức để hội nhập với thế giới. Một bác lãnh đạo, cũng là một nhà khoa học bậc nhất về kinh tế của đất nước, đã nói với tôi: "Thời trang là ngành công nghiệp của tri thức"...

Bà Lưu Nga (thứ hai từ phải sang) đang có mặt ở Paris để tham dự tuần lễ thời trang. Ảnh: NVCC

Hồi nhỏ, tôi hình dung Paris cổ kính qua Victor Hugo, lớn lên gặp Paris hiện đại và nguy nga qua những công trình kiến trúc, hay là một Paris lạnh lùng lãng mạn qua những chuyện tình trên màn ảnh nhỏ. 5 năm trước, khi mới bước vào thế giới thời trang, tôi hình dung Paris là những show diễn hoành tráng với đủ màu sắc, khách mời sang trọng, lộng lẫy bước dài trên thảm đỏ với những chiếc đầm dạ hội đuôi cá lung linh như nữ hoàng...

Nhưng càng gần Paris, tôi lại thấy nơi này khác biệt đến lạ lùng. Sự thân thiện, mê hoặc của nó khiến tôi thực sự muốn được đến mỗi mùa lễ hội. Chưa bao giờ tôi hết mong muốn khám phá Paris bằng tất cả sự say mê, đặc biệt trong thời tiết lạnh và mưa nhỏ như cô đặc mọi cảm xúc bồn chồn, hân hoan của chúng tôi.

Tôi mang theo 4 vali trang phục. Dự định, mỗi show chúng tôi sẽ mặc đẹp, mới mẻ, nổi bật để gây ấn tượng với phóng viên nước ngoài. Phải chăng chính linh hồn của Paris đã làm cho các thương hiệu đến từ đó có chất rất riêng làm mê mẩn và ám ảnh bao thế hệ chuyên gia và tín đồ trên thế giới?

Trong bất kỳ show diễn nào, ghế ngồi cũng được sắp xếp từ trước rất lâu. Với số lượng có hạn nên 100% khách mời phải được confirm trước, chủ yếu là những khách hàng, nhân vật có ảnh hưởng trong ngành thời trang và fashionista thế giới. May mắn cho tôi và ê-kíp khi có được những đối tác uy tín từ Paris. Họ lo cho chúng tôi những tấm vé hiếm hoi, mà ở đó được ghi tên người tham dự rất rõ ràng. 

Ngày khai mạc tuần lễ thời trang Paris mùa thu đông 2016, tôi và ê-kíp chạy từ sáng đến tối. Dù thời tiết giá rét nhưng trong mỗi người luôn thường trực niềm vui. Mỗi fashion show ở đây kéo dài từ 25 đến 30 phút, rất đúng giờ và nhanh. Trung bình tuần lễ thời trang diễn ra 7-10 show mỗi ngày và nằm rải rác khắp thành phố. Một tuần có trên dưới 100 show của hơn 100 thương hiệu, tất nhiên những "kẻ khổng lồ" như Dior, Chanel vẫn thu hút hơn cả.

Khách mời xem show không cầu kỳ, không thảm đỏ, chỉ cần mặc đúng xu hướng mùa thanh lịch hoặc thật sự cá tính mà mọi người vẫn hay gọi fashionista. Tôi không tìm thấy những khách mời đến xem với đầm đuôi cá, váy công chúa của Walt Disney hay những gì như trong suy nghĩ của tôi về các show diễn thời trang hoa lệ trước đó. Họ thật nổi bật trong tinh thần của thương hiệu họ tham gia cùng sự năng động, dễ di chuyển - một điều rất thực tế từ Paris.

Những bộ sưu tập đã làm chúng tôi quên cả sự rét mướt ở thành phố đang chuyển từ mùa đông sang xuân với những cơn mưa phùn kèm gió thốc. Tuy không phải show diễn nào cũng được đầu tư lớn như Dior hay Chanel, nhưng chúng đủ ánh sáng và âm nhạc giúp cho các mẫu thời trang được thổi hồn qua bước chân người mẫu.

Nhìn qua thật đơn giản nhưng lại đầy đủ để chúng ta có thể nhìn rõ bộ sưu tập, công nghệ, chất liệu. Dù chế tác thủ công hay dùng công nghệ hiện đại, các bộ sưu tập đều kết tinh của truyền thống châu Âu - không thể nhầm lẫn. Cũng như Việt Nam chúng ta không thể trộn lẫn với ai.

Ở đây, tôi gặp những fashionista Việt - sống và làm việc, học tập giữa Paris - được giới chuyên môn đánh giá cao như Phương Nguyễn. Khi họ xuất hiện, hàng trăm ống kính nhiếp ảnh hướng tới, tôi thấy một sự tự hào không nhỏ.

Dẫu thời trang Việt Nam khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi lại không thấy sự quá khác biệt trong những thiết kế và, phải chăng người Việt biết mình non trẻ nên sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến phát triển đang được thổi bùng lên như ngọn lửa để thắp sáng đam mê, thắp sáng linh hồn của văn hoá dân tộc thông qua trang phục.

"Tôi nhớ ai đó từng nói muốn là được". Ảnh: NVCC

Với thời trang, dù chậm hơn cả trăm năm nhưng chúng ta đang đi với tốc độ gấp trăm lần ngày xưa. Nếu như ngày xưa phải dò dẫm hàng trăm hướng, ngày nay chúng ta chỉ có một hướng là bắt kịp thế giới. Trước đây, chúng ta dò dẫm bằng đôi chân nhỏ bé, giờ đây có thể đứng trên vai người khổng lồ. Loài người dường như đã phân công cho châu Âu là tư duy trừu tượng để sáng tạo, châu Á là thực hành tinh tế để hoàn mỹ.

Tôi đã thấy cơ hội lớn của người Việt trong ngành thời trang. Chúng ta đã có thương hiệu của Việt kiều và sẽ có thương hiệu từ chính Việt Nam ở Paris Fashion Week. Mảnh đất thời trang Việt màu mỡ mà hoang sơ luôn đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Tôi nhớ ai đó từng nói "muốn là được"- ngắn gọn như vậy nhưng tôi hiểu chỉ có sự mong muốn mãnh liệt và ám ảnh với hành động quyết liệt chúng ta mới đến được thành công.

Bà Lưu Nga - Tổng giám đốc công ty thời trang

Bạn có thể quan tâm