Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tin đồn văn phòng là vũ khí tiêu diệt cảm xúc làm việc

Với nhiều người, việc căng thẳng trong công việc, bị sếp la mắng là điều bình thường. Thứ khiến họ sợ nhất là phải đối mặt với những tin đồn thất thiệt về mình.

“Ngọc đừng chat với bà Linh bên công ty cũ nữa. Sếp nhắn tin hỏi bộ Ngọc định quay lại bên đó đấy à? Chị Hằng ở phòng nhân sự cũng dò hỏi Ngọc mãi đấy", cô bạn đồng nghiệp "nhắn nhẹ" vài lời cảnh báo cho Ngọc.

Nghỉ việc. Chuyển chỗ làm?

Gần 1 năm làm việc tại đây, Hoài Ngọc (25 tuổi, nhân viên truyền thông) chưa hề nghĩ đến chuyện này.

Cô bỗng nhớ lại thái độ của chị Hằng, cấp trên trực tiếp của mình. Vài ngày gần đây, cô hay bị bắt bẻ vài thứ không đáng.

Tỉ như chuyện proposal của cô bị feedback vài dòng lủng củng cùng câu nói: “Chỉnh lại cho đàng hoàng đi”.

Hoặc như việc cả tuần nay, chị Hằng không rủ cô đi ăn cùng, chat công việc giọng điệu cũng khác hẳn.

Ngọc cứ nghĩ sếp đang có chuyện gia đình hoặc stress trong công việc nên không dám hỏi. Giờ xâu chuỗi lại loạt sự kiện, cô nhân viên văn phòng mới biết mình bị vướng vào tin đồn “muốn nhảy việc, chỉ cần thời gian và lý do chính đáng”.

Cả giờ ăn trưa cho đến suốt buổi chiều, cô mang tâm trạng “tồi tệ”, nghĩ mãi về tin đồn muốn chuyển chỗ làm.

Tin don van phong anh 1
Tin đồn văn phòng xuất phát từ những cuộc đùa vui, nói chuyện phiếm. Ảnh: Getty.

Lúc này, Ngọc rơi vào tình trạng khó xử: mood làm việc thì không có, nhưng nếu không hoàn thành công việc chiều nay, cô lại bị sếp nghi ngờ nhiều hơn.

Áp lực công việc. Đồng nghiệp nói xấu. Đối thủ chèn ép.

Những điều này so với việc dính vào tin đồn chốn văn phòng không là gì cả.

Tin đồn này đã “tiêu diệt” mood làm việc của cô liên tiếp những ngày sau đó. Những nỗ lực muốn tăng lương, thăng chức trước đó của cô cũng như “tan theo mây khói”.

"Khó chịu, hết mood làm việc"

“Em chán quá, chỗ làm xa nhà, mỗi lần đi về cũng mất hơn 40 phút”.

“Công ty mới em ít bạn bè quá, nhớ lại ngày xưa làm với mấy anh chị vui ghê”.

Đấy là những lời Ngọc nói với chị Linh bên công ty cũ.

Theo Ngọc, mấy lời tâm sự này cũng chỉ là xã giao bình thường. Cô không ngờ lời nói của mình lại bị đồn ra thành sắp nghỉ việc, tai hại hơn nữa là muốn về làm việc cho công ty cũ.

Đống proposal cho những dự án sắp tới cô cũng không màng, hay nói đúng hơn cô không có mood làm việc.

Tin don van phong anh 2
Nhiều người rơi vào cảm giác tiêu cực khi nghe những tin đồn thất thiệt về mình. Ảnh: Metis.

“Bị hiểu lầm, cảm giác rất khó chịu mà lại quá khó giải thích. Mình càng không thể mở lời vì sếp không nói trực tiếp với mình. Những lúc này chỉ muốn nghỉ việc, trốn khỏi thế giới cho rồi”, Ngọc nói.

Sau khi suy nghĩ trong đêm, cô không còn nghĩ được chuyện gì khác ngoài việc xin nghỉ phép. Vì hiện tại, nếu có làm việc, Ngọc cũng không còn hứng thú.

Khi xin nghỉ, cô cũng không quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì về mình. Mood làm việc không có, chỉ còn cách này để giải quyết tạm thời. Sau khi nghỉ phép, dù sếp có mở lời hay không, cô vẫn muốn trực tiếp làm rõ chuyện này.

Bởi, cô không muốn những tin đồn vớ vẩn làm ảnh hưởng đến tiền đồ của mình. Nhưng dù sao, trước mắt cô đã bị “đàn áp tinh thần” bởi những câu nói không đâu.

Tin đồn chốn văn phòng là điều bình thường

Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, chúng ta đều có xu hướng thích tiếp cận và nghe nhiều thông tin tiêu cực từ người khác hơn.

Nói cách khác, việc bạn nghe thông tin "anh đồng nghiệp được lên chức sau 1 năm đi làm" sẽ không hấp dẫn bằng câu chuyện "cô bạn đồng nghiệp bị sếp mắng" hay "đứa bạn bị sếp chèn ép vì biết sắp nghỉ việc".

GS Robb Willer, người giảng dạy tại ĐH Standford, Mỹ đưa ra thông tin con người rất coi trọng thông tin tiêu cực về người khác. Vì vậy, việc bạn vướng vào tin đồn hay thậm chí là bị nói xấu bằng những lời ác ý ở chốn văn phòng là điều bình thường.

Ông Robb Willer cho rằng khi đối mặt với nhũng tin đồn khiến bạn "tuột mood" hoặc nguy hại đến công việc, chúng ta nên sử dụng những kỹ năng bình ổn cảm xúc để tránh tình hình tồi tệ hơn.

Để làm được điều này, trang Harvard Business Review đã tập hợp một số lời lời khuyên của các chuyên gia giúp chúng ta vượt qua tin đồn, lấy lại tinh thần làm việc.

Tin don van phong anh 3
Khi vướng vào những lời đồn tiêu cực, bạn cần điều chỉnh cảm xúc, tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết chúng. Ảnh: Hoards.

Thứ nhất, chúng ta nên điều chỉnh cảm xúc tiêu cực. Khi nghe được tin đồn không đúng về mình, việc tỏ ra tức giận, lo lắng thậm chí bất lực là điều bình thường. Tuy nhiên, những cảm giác này chỉ khiến bạn mất cảm hứng làm việc.

Theo ông Marc Brackett, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trí tuệ cảm xúc Yale, Mỹ, bạn phải dành thời gian đẩy lùi cảm xúc tiêu cực. Tại thời điểm nghe tin đồn, điều cần làm là thở sâu, xem nhẹ việc này. Sau đó, bạn nên nghĩ đến việc đi dạo, hoặc tốt hơn là nghỉ phép để ổn định tinh thần.

Thứ hai, bạn phải xem xét tình huống mình bị tung tin đồn là gì. Có nhiều người tung những tin đồn thất thiệt chỉ vì muốn hạ thấp bạn.

Ông Michael Kraus, Phó GS giảng dạy tại ĐH Yale, Mỹ, cho rằng bạn phải tỉnh táo với đủ mọi tin đồn chốn văn phòng. Đôi khi, chính cảm xúc tiêu cực lại đẩy bạn vào tình huống khó xử và vô tình biến tin đồn thành hiện thực.

Cuối cùng, lời khuyên tốt nhất là xem xét cách giải quyết và phá tan tin đồn. Ông Michael cho rằng khi bạn trung thực lý giải những tin đồn với đồng nghiệp, đồng thời chỉ ra những căng thẳng, sự khó chịu bạn chịu đựng với sếp sẽ khiến bạn tốt hơn. Người hiểu lầm cũng hiểu rõ bạn hơn.

"Tập làm quen với tin đồn"

Thanh Nam (26 tuổi, TP.HCM, trợ lý giám đốc truyền thông) được chị đồng nghiệp - đồng thời là bạn thân - gọi là "celeb" của công ty vì thường xuyên vướng vào những tin đồn thất thiệt.

"Nội gián" của sếp tổng. Dùng mối quan hệ để đi lên. Yêu hết đứa này đến chọc ghẹo đứa khác.

"Những tin đồn quay quanh tôi nhiều vô số kể. Đôi lúc, tôi tự nghĩ mình đã mích lòng ai để vướng vào những thứ vớ vẩn này", Nam nói.

Tự nhận mình là người có có chút ngoại hình, khéo ăn nói, công việc vì thế cũng dễ thở và thuận tiện hơn đôi chút.

Tuy nhiên, anh cũng cho biết mình tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Marketing, khả năng chuyên môn hoàn toàn có. Vì vậy, những tin đồn xảy đến, lúc đầu khiến anh rất khó chịu.

Tin don van phong anh 4
Tập làm quen với tin đồn là cách sống sót hiệu quả chốn văn phòng. Ảnh: Lifehack.

"Có lần khi đang làm việc, tôi bị phòng nhân sự gọi qua nói 'bóng gió' về việc dùng quan hệ riêng để chèn ép người khác. Lúc đó, tôi ngỡ ngàng và sốc vì không biết tôi đã làm thế với ai và làm từ lúc nào", Nam kể.

Anh nhớ lại, lúc duyệt nội dung cho một đồng nghiệp trước khi đưa lên sếp lớn, anh có đùa vui mấy câu với cô bạn. Nam không ngờ câu nói ấy khiến anh bị vết nhơ "lợi dụng mối quan hệ" gắn liền đến hiện tại.

Rồi những lần sau đó, anh cũng liên tục vướng vào những tin đồn không đáng có. Nam nói "riết rồi quen" và tập làm lơ, làm tốt phận sự của mình trong công ty.

"Sau 3 năm làm việc ở công ty, tôi đúc kết được một số thứ. Văn phòng chỉ là nơi làm việc, không phải là nơi để đùa giỡn và tìm kiếm bạn thân thực sự. Những tin đồn đôi lúc từ đồng nghiệp mà ra. Có khi họ không suy nghĩ nhiều, nhưng chính những điều ấy lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của chính bạn", Thanh Nam khẳng định.

10 tiếng/ngày ở văn phòng, không crush đồng nghiệp thì yêu ai đây

Dành cả thanh xuân cho công việc, chúng ta chẳng còn nhiều lựa chọn để hẹn hò, ngoài đồng nghiệp.

Trọng Huy

Bạn có thể quan tâm