Những người say mê bộ phim kinh điển Việt Ván bài lật ngửa, đều ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp, sự mạnh mẽ và duyên dáng của nhân vật Thùy Dung bên cảnh vẻ lãng tử của Thành Luân. Người thủ vai Thùy Dung những tập phim về sau chính là Thanh Lan, nữ ca sĩ – diễn viên danh tiếng trước 1975. Thành công rực rỡ trong sự nghiệp, nhưng tình duyên của giai nhân này lại lận đận long đong.
Nữ ca sĩ của giới sinh viên
Trước 1975, Thanh Lan là cái tên nổi danh trong làng nghệ thuật. Không chỉ mang vẻ đẹp sắc sảo quyến rũ, cô là một trong những nghệ sĩ ít ỏi của thời điểm ấy đảm nhiệm hai vai trò: Diễn viên, ca sĩ, và trong cả hai lĩnh vực đều thành công rực rỡ bởi tài năng của mình.
Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh tại Vinh, Nghệ An. Từ nhỏ, Thanh Lan đã theo gia đình vào Sài Gòn. Thời tiểu học, cô học trường Saint Paul - một trường dòng nội trú nổi tiếng dành cho con gái những gia đình quý tộc Sài Gòn nằm trên đường Cường Để (Tôn Đức Thắng bây giờ).
Thanh Lan tham gia nghệ thuật từ rất sớm. Từ năm 9 tuổi, cô học dương cầm với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Năm lớp 11, Thanh Lan gia nhập ban nhạc Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - ban nhạc mở đường cho việc Việt hoá nhạc trẻ ở Sài Gòn.
Diễn viên Thanh Lan. |
Sau đó, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên Nguồn Sống, cô thường hát dân ca và nhạc tiền chiến và ghi tên học các lớp dân ca và đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Trong chương trình văn nghệ học đường quay hình trên đài Truyền hình Sài Gòn, Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình nhạc tình ca. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên.
Năm 1970, Thanh Lan ở đỉnh cao của sự nghiệp, trở thành hiện tượng của giới ca nhạc Sài Gòn. Cô sinh viên Đại học Văn khoa với nụ cười thật tươi đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người nghe với nhiều ca khúc tiếng Pháp, trong đó được yêu thích nhất là nhạc phẩm Mon amie la Rose do chính Thanh Lan soạn lời Việt dưới tựa đề Nụ hồng mong manh theo nội dung bài thơ của thi hào Ronsard mà cô rất mến mộ.
Cô được đánh giá là ca sĩ hát nhạc Pháp hay nhất khu vực Đông Nam Á, báo chí thời ấy liên tục săn đón, đua nhau viết bài. Hình ảnh Thanh Lan tràn ngập trên bìa báo, bìa băng, đĩa, bìa các bản nhạc bày bán khắp nơi.
Cuộc hôn nhân bất hạnh
Nổi tiếng là thế, nhưng đời riêng của Thanh Lan không mấy suôn sẻ. Tất cả bắt nguồn từ một sai lầm của tuổi trẻ nông nổi.
Chưa đầy 18 tuổi, đã là bông hoa rực rỡ của làng nghệ thuật Sài Gòn, Thanh Lan đi đâu người ta cũng nhận ra. Trong một chuyến lên Đà Lạt chơi, cô đã lọt vào mắt một công tử ăn chơi khét tiếng Sài Gòn.
Chàng trai tên Dũng, vốn là quý tử của chủ hiệu chụp hình Long Biên nổi tiếng trên đường Đồng Khởi. Nhà giàu, cha mẹ cưng chiều, Dũng thường vung tiền quá trán cho những cuộc vui thâu đêm ở Sài Gòn, được giới ăn chơi Sài Gòn thời ấy gọi bằng cái tên Dũng Long Biên.
Lên Đà Lạt, sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, Dũng đã bày tỏ sự say đắm nữ ca sĩ trẻ. Bằng vẻ ngoài điển trai, phong cách phóng khoáng, sự săn đón, lời ngọt ngào và những món quà đắt tiền, chẳng bao lâu Dũng đã đốn ngã được trái tim non nớt của Thanh Lan. Xứ cao nguyên thơ mộng đã khiến người con gái dễ dàng ngã vào vòng tay gã trai sành sỏi. Trở về Sài Gòn, họ tiếp tục lao vào nhau, rồi Thanh Lan phát hiện mình có thai. Một đám cưới rình rang được diễn ra ngay sau đó.
Lấy chồng rồi, Thanh Lan nhanh chóng vỡ mộng. Lúc còn yêu đương thì ngọt ngào chiều chuộng là thế, lúc làm chồng lại hiện nguyên hình là một gã trai vô trách nhiệm, vũ phu và cả ghen. Với một ca sĩ, diễn viên thì đóng phim, đi hát, tình tứ với bạn diễn là thường. Nhưng riêng với Thanh Lan, cứ mỗi bộ phim ra đời là một trận đòn ghen giáng xuống đầu cô.
Không ít lần Thanh lan mất mặt với ê-kíp vì Dũng đến tận trường phim đánh ghen, lôi cô xềnh xệch. Những trận đòn ghen như đòn thù ấy đã làm chai lì rồi mất hẳn tình yêu thuở ban đầu. Chưa đầy 20 tuổi, Thanh Lan li dị chồng, ôm con về nhà mẹ đẻ sau hai năm hôn nhân như địa ngục.
Cô tự vực dậy mình, lao vào đi diễn, đi hát để kiếm tiền nuôi con. Cô trở lại con đường học hành, là cô nữ sinh Văn khoa Sài Gòn, cũng là nữ ca sĩ đình đám của các phòng trà nổi tiếng thời ấy. Cô hát chung với Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, và ít nhiều bị đặt nghi án tình ái với những nhạc sĩ tài hoa này, nhưng đến giờ chưa ai khẳng định được sự thật.
Chia tay chồng rồi, sự nghiệp Thanh Lan càng thăng hoa hơn nữa. Có lẽ, cô nữ sinh thơ ngây ngày nào đã mất, thay vào đó là người đàn bà đầy trải nghiệm, từng qua nỗi đau nên tiếng hát, vai diễn càng sâu thẳm, giàu cảm xúc hơn chăng? Chỉ biết rằng, tiếng hát, vai diễn của Thanh Lan luôn khiến người xem rung động, Thanh Lan liên tục hát, liên tục đóng phim, và liên tục đi lưu diễn nước ngoài với những nhạc sĩ, đạo diễn hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ.
Sau 1975, lặng lẽ một thời gian, Thanh Lan lại tỏa sáng trên sân khấu với những bài hát gắn liền với tên tuổi cô: Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Triệu đóa hoa hồng, Trở về mái nhà xưa, Giàn thiên lý đã xa, Trưng Vương khung cửa mùa thu…
Năm 1984, Thanh Lan lọt vào mắt xanh đạo diễn Lê Hoàng Hoa, khi nữ diễn viên chính Thúy An mang thai, không thể tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động trong bộ phim Ván bài lật ngửa tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3. Diễn xuất và ngoại hình của Thanh Lan đã để lại ấn tượng sâu sắc với Lê Hoàng Hoa, thế nên, cô tiếp tục là Thùy Dung của Ván bài lật ngửa trong những tập về sau…
Cả cuộc đời mình, Thanh Lan cống hiến hết mình cho nghệ thuật , và là nữ nghệ sĩ đáng được ngưỡng mộ, tuy rằng, hạnh phúc của cô chỉ có một nửa mà thôi…