Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn trong tầm kiểm soát'

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga nhận định tình hình dịch tại TP.HCM lần này ít nghiêm trọng hơn đợt bùng phát từ khu cách ly, song vẫn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Đến 30/12, nhóm người nhập cảnh trái phép từ Myanmar về Việt Nam đã được phát hiện và cách ly tập trung. Trong số 6 người này, 4 trường hợp được ghi nhận mắc Covid-19 (BN1440, 1451, 1452 và 1453). Họ có lịch trình di chuyển phức tạp. Đặc biệt, tại TP.HCM, việc ghi nhận ca nhiễm mới xảy ra khi chùm bệnh liên quan nam tiếp viên hàng không được khống chế cách đây không lâu.

Zing đã có cuộc trao đổi cùng Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, để nắm rõ hơn về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM cũng như ở Việt Nam.

Chưa có sự lây lan ra cộng đồng

- 4 trong 6 người nhập cảnh trái phép được ghi nhận mắc Covid-19. Tuy nhiên, họ không chủ động khai báo y tế và có thời gian lẩn trốn trong cộng đồng, điều này đáng lo ngại như thế nào?

- Hiện tại, ngành y tế cần khai thác thông tin dịch tễ của các bệnh nhân này trước khi nhập cảnh về nước. Cụ thể, chúng ta phải xác định được thời điểm khởi phát bệnh ở nước ngoài và những người họ tiếp xúc trước đó.

Các nghiên cứu ở nước ngoài gần đây cho thấy nếu những người này đã khởi phát bệnh qua 6 ngày, khả năng lây nhiễm khá thấp. Tuy nhiên, khi những người này chỉ mới khởi phát bệnh, nguy cơ lây nhiễm có thể cao.

Vì vậy, việc điều tra nguồn gốc đi lại, xác định họ lây ở đâu, thời điểm nào, từ đâu rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ, khi một bệnh nhân đã lây nhiễm virus ở Myanmar và phải mất nhiều ngày mới về đến Việt Nam thì nguy cơ lây lan thấp hơn.

Còn nếu bệnh nhân mới lây ở Thái Lan, chỉ vài ngày về đến Việt Nam thì nguy cơ cao. Chúng ta cũng có thể nhận định qua xét nghiệm, nếu xét nghiệm PCR thấy còn virus thì nguy cơ vẫn còn cao.

nguoi nhap canh trai phep mac Covid-19 anh 1

TP.HCM đã tìm được nhóm người nhập cảnh trái phép và cách ly toàn bộ F1. Ảnh: Duy Hiệu.

- Ông đánh giá nguy cơ lây lan ra cộng đồng bởi các ca bệnh này tại TP.HCM thế nào?

- Ngành y tế TP.HCM - với những kinh nghiêm gần đây của mình - đang triển khai mạnh mẽ biện pháp truy vết nhằm quản lý các trường hợp F1, F2 của ca dương tính.

Đồng thời, các khu vực bệnh nhân sinh sống, từng đi qua cũng được khoanh vùng và có những phương thức dập dịch kịp thời. Theo tôi, với sự nỗ lực truy vết của TP.HCM, nguy cơ lây lan mạnh trong cộng đồng vẫn có thể xảy ra nhưng không cao.

- Vụ việc nhóm người vượt biên mắc Covid-19 có nghiêm trọng hơn so với vụ tiếp viên hàng không lây nhiễm chéo trong khu cách ly không?

- Vụ việc nhóm người vượt biên mắc Covid-19 ít nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là cho đến nay, chúng ta chưa ghi nhận người tiếp xúc gần các bệnh nhân mắc Covid-19 (F1, F2) có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tức là chưa lây lan ra cộng đồng, TP.HCM vẫn đang kiểm soát được tình hình và tình hình dịch Covid-19 của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát.

Hiện tại, các bệnh nhân đã về nước nhiều ngày, những người tiếp xúc đầu tiên có kết quả âm tính. Do đó, chúng ta có thể hy vọng không có sự bùng phát trong cộng đồng.

Vụ việc nam tiếp viên hàng không xuất phát từ việc người này không tuân thủ quy định cách ly nên đã gây ra sự lây nhiễm cộng đồng cho F1 và F2.

May mắn, chùm ca bệnh này cũng được ngành y tế TP.HCM truy vết và khoanh vùng thành công, đợt bùng phát dịch này được kiểm soát nhanh nên không lây lan mạnh trong cộng đồng.

- Theo ông, có cần thiết xác định F0 đối với các ca bệnh này?

- Những trường hợp này không cần thiết phải tìm ra F0 vì chính các bệnh nhân khi về nước đã trở thành F0. Còn việc ở nước ngoài, họ bị lây nhiễm như thế nào, chúng ta không cần thiết điều tra nguồn lây, mà có điều tra cũng rất khó khăn.

Chúng ta chỉ có thể thông báo cho Myanmar, Thái Lan và Campuchia theo quy định chống dịch của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để các nước bạn có những biện pháp điều tra dịch tễ học thích hợp.

nguoi nhap canh trai phep mac Covid-19 anh 2
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: T.D.

Khi phát hiện ra ca bệnh này, ngành y tế nhanh chóng cách ly, đưa vào cơ sở điều trị Covid-19. Đồng thời, cơ quan y tế cần có biện pháp khai thác dịch tễ, tiền sử di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân và phối hợp lực lượng công an để cách ly F1, sau đó tìm kiếm F2.

Tuy vậy, điều tra dịch tễ là công việc rất tốn kém tiền của, phức tạp và khó khăn, cần sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ y tế dự phòng.

TP.HCM cần làm gì để kiểm soát dịch?

- Theo ông, vì sao TPHCM luôn đối mặt với nhiều nguy cơ và dễ bùng phát dịch?

- TP.HCM có dân số lớn và là đầu mối giao thương, đi lại của cả nước, nhiều người dân nhập cư tạm trú, nhiều lao động tự do nên rất khó kiểm soát hết.

Bên cạnh đó, ở vùng biên giới phía Nam giữa Việt Nam và Campuchia khá dễ đi lại, con đường di chuyển từ Myanmar, Thái Lan về biên giới các tỉnh phía Nam như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp đến TP.HCM dễ dàng hơn vượt qua biên giới vùng núi non hiểm trở ở phía Bắc.

Chính vì điều này, TP.HCM có nhiều nguy cơ đe dọa bùng phát các loại dịch bệnh. Trong khi đó, điều đáng lo là với mật độ dân số và giao thông nhộn nhịp, khi có trường hợp nhiễm không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều khó khăn cho việc khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát lây lan.

nguoi nhap canh trai phep mac Covid-19 anh 3

Cơ quan chức năng phong tỏa khu vực bệnh nhân 1453 sinh sống. Ảnh: Duy Hiệu.

- TP.HCM cần làm gì lúc này để sớm kiểm soát được tình hình?

- Để kiểm soát được tình hình dịch hiện tại, TP.HCM cần thực hiện ngay 3 việc. Đó là nhanh chóng truy vết và khoanh vùng, cách ly chặt chẽ những người tiếp xúc ca dương tính.

Thứ hai là khẩn trương lấy bệnh phẩm của những người liên quan để đưa đi xét nghiệm. Thứ 3, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát hiện người trở về từ nước ngoài không khai báo y tế, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Theo tôi, việc tuyên truyền người dân tích cực giám sát, thông báo người nghi ngờ rất quan trọng trong giai đoạn này. Bởi nếu gia đình bệnh nhân 1440 không thông báo chính quyền địa phương, bệnh nhân này và tất cả người cùng vượt biên sẽ tiếp tục lẫn trốn trong cộng đồng. Khi đó, tình hình sẽ trở nên khó lường.

- Khi nào tình hình có thể tạm được kiểm soát?

- Nếu từ đây đến khoảng 5 ngày nữa không có ca bệnh mới, chúng ta có thể tạm gọi tình hình được kiểm soát cơ bản. Nếu qua 14 ngày, ngành y tế không ghi nhận thêm ca dương tính mới kể từ thời điểm nhóm người này về Việt Nam, chúng ta mới có thể yên tâm rằng dịch cơ bản được khống chế.

- Trong tình hình dịch hiện nay, điều lo lắng nhất là gì?

- Điều chúng ta lo lắng nhất là chủng virus biến thể ở nước ngoài đang có sự lây lan rất nhanh. Trong khi đó, Việt Nam đang vào những ngày cuối năm, thời tiết trở lạnh thuận lợi cho các bệnh hô hấp và virus bùng phát.

Bệnh nhân 1440 và những người cùng vượt biên chỉ là ca bệnh điển hình. Chắc chắn nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép khác chưa được phát hiện, có thể do họ không bị mắc Covid-19.

Nếu những người này đi nước ngoài về và mang theo virus biến thể xâm nhập trong cộng đồng mà chúng ta không phát hiện được, tình hình sẽ rất nghiêm trọng.

- Theo ông, trước thềm năm mới, người dân nên làm gì?

- Trước tình hình dịch hiện nay, người dân không nên hoang mang, phải bình tĩnh. Mọi người dân cần tuân thủ khuyến cáo của 5K của Bộ Y tế, gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Đặc biệt, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm trường hợp nguy cơ cao. Người có triệu chứng hô hấp đến khám cần được kiểm soát chặt chẽ, không để người ngoài vào các khoa, phòng điều trị bệnh nhân nặng.

Bên trong khu bào chế vaccine Covid-19 tại Việt Nam Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người. Dự kiến, mỗi liều có giá dưới 500.000 đồng.

Chưa xác định có sự lây nhiễm chéo trong nhóm vượt biên

Các bệnh nhân mắc Covid-19 mới được ghi nhận từ những người nhập cảnh trái phép, chưa có sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm