1. Tỉnh miền Tây nào được mệnh danh "xứ sở thốt nốt"?
An Giang từ lâu được mệnh danh là "xứ sở thốt nốt". Tại đây, cây thốt nốt hiện diện ở nhiều nơi, nhất là các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên trong vùng Thất Sơn (Bảy Núi). Gắn bó mật thiết vời đời sống người dân An Giang, sản vật đặc trưng này góp mặt trong nhiều món ngon như đường thốt nốt, rượu thốt nốt, bánh bò thốt nốt, chè thốt nốt, nước thốt nốt... Hầu hết bộ phận của cây như lá, thân... đều hữu ích, có thể dùng lợp nhà, làm đũa, tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Ảnh: @le_thao0201. |
2. Tỉnh An Giang hiện có bao nhiêu thành phố trực thuộc?
An Giang hiện có đến 2 thành phố trực thuộc là Long Xuyên và Châu Đốc. Trong đó, TP Long Xuyên là tỉnh lỵ của địa phương này. Ngoài ra, An Giang còn có 9 đơn vị hành chính cấp huyện khác gồm thị xã Tân Châu và các huyện: An Phú, Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và Chợ Mới. Ảnh: @smaidao. |
3. Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng ở An Giang nằm dưới chân núi nào sau đây?
Miếu Bà Chúa Xứ là một di tích - danh thắng nổi tiếng ở An Giang, nằm dưới chân núi Sam, hiện thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc. Địa điểm văn hóa tâm linh này luôn thu hút đông đảo du khách thập phương hành hương, chiêm bái, nhất là trong suốt khoảng thời gian từ đầu xuân đến tận tháng 4 âm lịch, khi diễn ra lễ hội Vía Bà. Người dân thường đến đây để xin lộc, trả lễ, cầu bình an, may mắn... Ảnh: @levislee_1811. |
4. Đến chợ Châu Đốc ở An Giang, du khách có thể thỏa sức chọn mua mặt hàng trứ danh nào?
Được ví như "vương quốc khô, mắm" lớn nhất miền Tây Nam Bộ, đến chợ Châu Đốc, du khách có thể thỏa sức chọn mua sản vật trứ danh này để thưởng thức, làm quà... Dân gian từ xưa có câu: "Mắm Châu Đốc, dốc Nam Vang". Nơi đây hàng năm đón nhận lượng thủy sản dồi dào đổ về theo con lũ. Người dân tận dụng nguồn lợi tự nhiên, chế biến nên nhiều món khô, mắm ngon nổi tiếng, có thể trữ quanh năm như khô sặc, khô lóc, mắm thái, mắm chốt, mắm linh... Ảnh: @tien.phong. |
5. Tượng đài độc đáo ở ngã ba sông Châu Đốc, An Giang thể hiện hình ảnh đàn cá basa với bao nhiêu con?
Đặt tại công viên 30/4, nơi ngã ba sông Châu Đốc gặp sông Hậu, tượng đài cá basa cao khoảng 14 m là một công trình độc đáo ở An Giang, thu hút nhiều du khách check-in. Tượng thể hiện hình ảnh đàn cá basa 9 con vươn mình mạnh mẽ giữa sóng nước, gợi nên sức sống của vùng đất "Chín Rồng". Vùng cửa sông Châu Đốc vốn là nơi có nghề nuôi cá basa hình thành đầu tiên ở Việt Nam, mang lại nguồn thực phẩm thơm ngon, có giá trị kinh tế. Ảnh: @jujudemilneuf. |
6. Khu du lịch núi Cấm ở An Giang có thể mang đến du khách những trải nghiệm thú vị nào?
Đến khu du lịch núi Cấm ở huyện Tỉnh Biên, An Giang, du khách có thể tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị. Bạn có thể ngắm cảnh thiên nhiên của vùng núi Thất Sơn từ hệ thống cáp treo dài khoảng 3,5 km, chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á hoặc viếng chùa Vạn Linh uy nghi, có nhiều bảo tháp đẹp mắt... Ảnh: @loc1009. |
7. Rừng tràm nổi tiếng nào sau đây nằm ở tỉnh An Giang?
Nằm ở trên địa bàn huyện Tịnh Biên, rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở An Giang những năm gần đây. Với diện tích gần 850 ha, thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, nơi đây sở hữu lượng động - thực vật phong phú cùng cảnh quan đặc trưng, thơ mộng, nhất là vào mùa nước nổi hàng năm. Đến rừng tràm Trà Sư, du khách có thể xuôi thuyền len lỏi dưới những tán tràm xanh ngắt, thưởng thức ẩm thực đồng quê dân dã... Ảnh: @loansansa. |