1. Tỉnh nào sau đây được mệnh danh là "thủ phủ cà phê" của Việt Nam?
Được mệnh danh "thủ phủ cà phê" Việt Nam, Đắk Lắk hiện có hơn 200.000 ha diện tích trồng cà phê, cho sản lượng khoảng 450.000 tấn mỗi năm, dẫn đầu cả nước. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, cà phê chiếm thế độc tôn trong cơ cấu cây trồng Đắk Lắk, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh này ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: @hhennie.official. |
2. Thành phố nào hiện là tỉnh lỵ của "thủ phủ cà phê" Việt Nam?
TP Buôn Ma Thuột hiện là tỉnh lỵ Đắk Lắk, cũng là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Bên cạnh đó, cà phê Buôn Ma Thuột là một thương hiệu nổi tiếng, đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Những đồn điền cà phê trên miền đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột có lịch sử trăm năm, cho ra sản phẩm cà phê hương vị độc đáo, ấn tượng. Ảnh: @the_wandering_lantern. |
3. Cà phê bắt đầu được trồng ở Đắk Lắk vào khoảng thời gian nào?
Từ quê hương Ethiopia ở châu Phi, cà phê tỏa ra khắp thế giới, trở thành một loại thức uống phổ biến toàn cầu. Nhiều tài liệu ghi nhận rằng cà phê du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 bởi người Pháp, ban đầu được trồng ở một số khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đến đầu thế kỷ 20, nhất là trong những năm 1915-1920, cà phê mới có mặt và gây ấn tượng mạnh mẽ ở vùng đất cao nguyên Đắk Lắk, cụ thể là Buôn Ma Thuột với những đồn điền cà phê rộng lớn. Ảnh: @nguyenlanhuong_. |
4. Loại cà phê nào được trồng chủ yếu ở Đắk Lắk hiện nay?
Trong 2 loại cà phê chính là robusta và arabica, Đắk Lắk hiện chủ yếu trồng cà phê vối, hay robusta. So với cà phê chè (hay arabica), cà phê vối có những điểm khác nhau cơ bản cả về kích thước cây, hình dáng quả, hạt lẫn hương vị... Thời Pháp, hơn nửa diện tích cà phê Buôn Ma Thuột là cà phê chè, song vì bệnh cây phát triển mạnh làm giảm năng suất, cà phê vối dần "lên ngôi". Qua nhiều thập kỷ chọn lọc, cà phê vối đã chứng minh được sự thích nghi khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: @langaubeo. |
5. Tại Đắk Lắk, hương vị cà phê truyền thống của người Ê Đê rất đặc biệt. Một "bí quyết" quan trọng nằm ở khâu rang cà phê chính là gì?
Người Ê Đê có cách pha chế cà phê rất độc đáo, tạo nên hương vị đặc biệt cho thức uống này. Thường, người ta sẽ pha trộn cả 3 loại cà phê vối, cà phê chè và cà phê mít theo một tỷ lệ nhất định. "Bí quyết" quan trọng khác nằm ở khâu rang cà phê. Hạt cà phê được rang đều tay trên lửa liu riu, đến khi chuyển màu vàng, thơm thì thêm ít mỡ gà, cùng ít rượu trắng nguyên chất nếu có. Ảnh: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. |
6. Diễn ra tại "thủ phủ cà phê" Việt Nam, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ mấy năm một lần?
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức lần đầu vào năm 2005, lần tiếp theo vào năm 2008. Từ năm 2010, Thường trực Chính phủ đồng ý cho tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội định kỳ 2 năm một lần vào tháng 3, bắt đầu từ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 3 năm 2011. Đến nay, lễ hội cấp quốc gia này đã trải qua 6 lần tổ chức, chuẩn bị bước vào mùa lễ hội mới vào tháng 3/2019, hứa hẹn thu hút hàng chục nghìn du khách tham gia. Ảnh: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. |
7. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019 có chủ đề gì?
Theo kế hoạch, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 9/3 đến ngày 16/3 với chủ đề "Tinh hoa đại ngàn". Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới... Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Đắk Lắk. |