1. Tỉnh duy nhất nào ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế?
Trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên hiện nay, Lâm Đồng là địa phương duy nhất không có đường biên giới quốc tế. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đều tiếp giáp Campuchia. Riêng tỉnh Kon Tum cùng tiếp giáp cả 2 quốc gia là Campuchia và Lào. Ảnh: @ttmthuy___. |
2. Tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế hiện có bao nhiêu thành phố?
Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế, cũng đồng thời là tỉnh duy nhất trong toàn vùng có đến 2 thành phố trực thuộc. Bên cạnh TP Đà Lạt là tỉnh lỵ, Lâm Đồng còn có TP Bảo Lộc và 10 huyện: Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đơn Dương, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Cát Tiên, Lâm Hà và Đam Rông. Ảnh: @kimxiinhdep. |
3. Loài hoa nào trở thành một nét đặc trưng của Đà Lạt mỗi dịp xuân về?
Mỗi độ xuân về, thành phố ngàn hoa Đà Lạt lại bừng lên sắc hồng thơ mộng của mai anh đào, tạo nên nét đặc trưng riêng có của vùng đất cao nguyên. Đi vào thơ ca - nhạc họa, mai anh đào quyến rũ du khách mọi nơi tìm đến Đà Lạt thưởng hoa, săn ảnh... trong mùa hoa nở. Hiện thành phố này có hẳn một con đường mang tên Mai Anh Đào đi qua các điểm du lịch nổi tiếng như Đồi Mộng mơ, Thung lũng Tình yêu, XQ Sử quán... Ảnh: @maiphuocsang. |
4. Nằm nơi trung tâm TP Đà Lạt, hồ nước nổi tiếng nào đã trở thành thắng cảnh quốc gia đầu tiên của Lâm Đồng vào năm 1988?
Được ví như trái tim của Đà Lạt, hồ Xuân Hương là thắng cảnh quốc gia đầu tiên của Lâm Đồng, xếp hạng năm 1988. Hình thành từ việc xây đập ngăn suối Cam Ly, hồ nước nhân tạo rộng hơn 30 ha này là điểm check-in không thể bỏ qua của nhiều du khách khi dạo chơi khu vực trung tâm thành phố và ngắm mai anh đào đầu xuân. Ảnh: @blue.phannguyen. |
5. Quảng trường lớn nào nằm cạnh hồ Xuân Hương ở trung tâm TP Đà Lạt?
Nhằm tạo điểm nhấn cho Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên được xây dựng cạnh hồ Xuân Hương, xung quanh là nhiều công trình ý nghĩa khác của thành phố như nhà Thủy Tạ, khách sạn Palace, dinh 2... Theo UBND TP Đà Lạt, quảng trường mang tên Lâm Viên vì Đà Lạt vốn nằm trên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), nổi tiếng với những nét đặc trưng về thiên nhiên, cảnh quan và khí hậu. Thêm vào đó, vị trí quảng trường từng là nhà thi đấu thể thao mang tên Thao trường Lâm Viên có từ giữa thập niên 1950. Ảnh: @tuan.jin.qing. |
6. Chùa Linh Phước ở Đà Lạt thường được gọi với cái tên dân gian nào sau đây?
Nằm ở khu vực Trại Mát, chùa Linh Phước có nhiều lý do thu hút du khách mọi nơi tìm đến chiêm bái khi du lịch Đà Lạt. Ngoài những kỷ lục Việt Nam mà chùa đã xác lập, lối kiến trúc độc đáo trong xây dựng chùa là điểm nổi bật nhất ở đây. Chùa được khảm lộng lẫy, công phu bằng vô số mảnh sành, sứ, vỏ chai... đầy ấn tượng nên từ đó người dân thường gọi địa điểm này là chùa Ve Chai. Ảnh: @leminhtri.thesinger. |
7. Nhà thờ Mai Anh hay nhà thờ Vinh Sơn là những cách gọi khác của nhà thờ nào ở Đà Lạt?
Nằm trên một ngọn đồi thoáng đãng ở đường Ngô Quyền, TP Đà Lạt, Domaine de Marie (Lãnh địa Đức Bà) còn được người dân gọi là nhà thờ Mai Anh hay nhà thờ Vinh Sơn. Nơi đây nổi tiếng với cụm kiến trúc độc đáo gồm nhà nguyện, dãy nhà tu viện... theo phong cách châu Âu, có phảng phất nét văn hóa bản địa. Nhà thờ màu hồng đẹp mắt này là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi đến thành phố sương mù. Ảnh: @fanklacostee. |