Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình người ở nơi sống bằng máu của đồng loại

Đó là những bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh không thuốc chữa, chỉ sống nhờ máu người khác. Thời gian họ sống ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà mình.

Nơi san cơm, sẻ áo

Chị Bùi Thị Hà trú tại Hòa Bình là bệnh nhân có 25 năm truyền máu tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Chị tâm sự, có lẽ so với các bệnh nhân bị bệnh về máu, chị có thâm niên khá lâu tại đây.

Nhìn làn da sạm đen vì thiếu máu, ứ đọng sắt, chị Hà khá mệt mỏi. Nhưng khi nói đến các bệnh nhân điều trị cùng trung tâm thì ánh mắt chị sáng lên.

“Ở trung tâm này nhiều người còn khổ lắm. Mình đã khổ nhưng họ còn khổ hơn rất nhiều” chị Hà nói. Có lẽ vì thế, chị luôn tự an ủi mình phải cố gắng. Dù biết bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng khát khao sống chưa bao giờ vơi tắt trong người phụ nữ bé nhỏ này.

Chị Hà kể về những tình người tại trung tâm Thalassemia trong nước mắt.

Chị Hà kể về những tình người tại trung tâm Thalassemia trong nước mắt.

Ở viện lâu đến mức mọi người còn thuộc cả hoàn cảnh của nhau. Những người bị bệnh này đều rất khó khăn vì “mắc bệnh của người giàu”. Dù bảo hiểm y tế chi trả cho họ rất nhiều nhưng hàng tháng đến viện ăn ở 2 tuần cũng khiến chi phí đội lên rất nhiều. Có lúc, ở viện thiếu máu, bệnh nhân chờ máu còn hơn "chờ mẹ đi chợ về". Họ ở lại chờ đợi và hi vọng.

Nhiều bệnh nhân chia nhau từng cốc nước, miếng cơm. Những người nghèo hoàn cảnh khó khăn, mọi người mua cơm rồi cùng ăn. Họ cố gắng động viên nhau chờ đợi máu.

Chị Nguyễn Thị Phương ở Thanh Hóa có con đang điều trị tại Trung tâm Thalassemia tâm sự: "Các cụ ngày xưa đã có câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Ở trong viện, những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng là “hàng xóm” của nhau". 

Nơi không có sự kỳ thị, ánh mắt ghẻ lạnh của người đời

Chị Hà cho biết đã nhận hơn 1000 đơn vị máu từ khi mắc bệnh đến nay và mang nợ rất nhiều người. Tuy nhiên, căn bệnh đã khiến chị Hà tiều tụy và biến đổi hình dáng cơ thể.

“Khi tôi đi đám cưới hay đi làm ở đâu người nhìn thấy tôi đều tỏ ý ngại, không muốn ngồi ăn cùng hay chung đụng gì. Nhiều người thấy tôi đến là họ đứng lên đi. Thực sự, sự kỳ thị ấy khiến chúng tôi tủi thân và muốn vào bệnh viện hơn. Vì ở viện mọi người đều hiểu và thương yêu nhau. Chúng tôi tìm thấy niềm an ủi ở nơi này. Các y tá, bác sĩ cũng nhẹ nhàng giúp đỡ”, chị Hà vừa khóc vừa nói.

Những bệnh nhân bị bệnh Thalassemia có hình hài

Những bệnh nhân bị bệnh Thalassemia có hình hài "xấu xí" nên họ thường bị kỳ thị.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quản lý hơn 1.500 bệnh nhân mắc căn bệnh này đến từ 20 tỉnh, thành khu vực phía Bắc; hàng năm đón tiếp và tư vấn cho hơn 5.000 lượt người từ khắp nơi trên cả nước. Số bệnh nhân chủ yếu là đến từ các vùng núi phía Bắc. Chính vì thế hoàn cảnh của họ càng khó khăn hơn.

Bà Trang quê Bắc Giang có cháu đang điều trị tại đây tâm sự, có những ngày đưa cháu lên viện thiếu máu cháu mệt mỏi, sốt cao. Khi máu về các bệnh nhân đều quý nhưng có lúc họ trân trọng từng đơn vị máu, nhường cho người khẩn cấp nhất.

Tại đây, chỉ những đứa trẻ là vô tư, chúng không biết rõ bệnh của mình. Thi thoảng gặp nhau chúng cười khanh khách còn người lớn thì thở dài. Có lẽ, với những bệnh nhân bị bệnh Thalassemia thì tình yêu thương ở nơi này là động lực để họ chiến đấu bệnh tật.

http://infonet.vn/tinh-nguoi-o-noi-song-bang-mau-cua-dong-loai-post164041.info

Theo Phương Thúy/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm