Cách làm đó khiến phim chia khán giả làm hai nhóm. Một nhóm nhỏ cho rằng phim bị cắt vụn có quá nhiều “MV” lồng vào nhau gây loãng. Nhưng nhóm còn lại, đông đảo hơn, lại thích thú với những thước phim thấm đẫm ký ức được thổi hồn bởi âm nhạc.
Đánh đổi một bộ phận khán giả là quyết định đúng đắn của đạo diễn. Kết quả, nhạc phim đẹp như một giấc mơ.
Đầy ắp âm nhạc
Trong tổng cộng 11 ca khúc của Cô gái đến từ hôm qua, có 5 ca khúc nổi bật nhất là Tình thôi xót xa, Ngồi hát đỡ buồn, Cô gái ngày hôm qua, Tình thơ và đang gây sốt là Người ta nói.
Bên cạnh đó, là những bài hát khác như Phượng hồng, Cô gái có chiếc răng khểnh, Con gái bây giờ… và cả bản cải lương nổi tiếng Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà cũng được sử dụng trong những phân đoạn thú vị.
Khá tình cờ, Cô gái đến từ hôm qua ra rạp sau khi bộ phim Mỹ đậm đặc âm nhạc Baby Driver mới tạo cơn sốt nhỏ ở rạp chiếu Việt. Cả hai phim đều sử dụng rất nhiều ca khúc xưa không chỉ để minh họa mà còn tạo nên mạch truyện. Với Cô gái đến từ hôm qua là nhạc pop Việt thập niên 90, 2000. Với Baby Driver là nhạc rock Âu Mỹ thập niên 80.
Lùi xa hơn, năm ngoái, bộ phim La La Land thành công rực rỡ cũng với cách làm tương tự. Rất nhiều bài hát được cất lên trong những phân cảnh quan trọng, góp một phần không thể thiếu vào nội dung phim. Có thể nói, với cả ba bộ phim, âm nhạc là cả linh hồn và thể xác chứ không dừng lại ở làm nền nữa.
Bộ phim có 11 ca khúc. Ảnh: CJ E&M. |
“Cách làm này không phải là quá lạ”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong - người phụ trách gần như toàn bộ phần âm nhạc của phim - nói với Zing. Anh cũng chính là người đã làm nhạc cho Em là bà nội của anh, một phim cũng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, và cũng lồng ghép nhạc cũ xen lẫn nhạc mới vào phim vô cùng nhuần nhuyễn.
Nguyễn Hải Phong chia sẻ: “Với điện ảnh thế giới, phim kết hợp nhạc rất phổ biến với nhiều thể loại, trường phái. Còn với Việt Nam, mình làm đến mức này là ổn rồi. Phim này không hẳn là phim ca nhạc, mà là phim vận dụng âm nhạc. Phải nói là quyết định của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh liều lĩnh nhưng vô cùng chính xác”.
Bên cạnh Nguyễn Hải Phong dày dạn kinh nghiệm về nhạc phim, ê kíp làm nhạc cho Cô gái đến từ hôm qua còn có nhạc sĩ kiêm nhạc công trẻ Trần Hữu Tuấn Bách, người đảm nhận toàn bộ phần nhạc nền.
Mỗi ca khúc trong phim lại có thêm sự góp mặt của các nhạc sĩ phối khí như Nguyễn Thanh Nhật Minh, Tâm Vinh, Vũ Minh Tâm, Trần Dũng Khánh, Trang.
Từ Tình thôi xót xa ngọt ngào
Còn theo chia sẻ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, âm nhạc đã tạo nên “cả không gian và thời gian” cho phim. Đó là những ca khúc gợi nhớ ngay đến một thời trong sáng như Phượng hồng, hoặc nhắc cụ thể đến năm 1997 như Tình thôi xót xa, hay đơn thuần gợi nhớ một quãng đời học trò như Tình thơ.
Phim có rất nhiều cảnh mang tính “định vị” thời đại, nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là khi nhân vật Thư (Ngô Kiến Huy) nằm trên giường nghe chiếc radio kiểu cũ. Tiếng loa phát ra: “Xin mời các bạn nghe ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh tuần này, đó là Tình thôi xót xa của nam ca sĩ Lam Trường”.
Liền đó, giọng hát thân thuộc của “anh Hai” Lam Trường (trong bản phối mới song ca với Ngô Kiến Huy) vang lên.
Miu Lê cũng thể hiện ca khúc trong phim. Ảnh: CJ E&M. |
Nhắc đến Tình thôi xót xa, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong không khỏi hoài niệm: “Bối cảnh phim là năm 1997, tôi có nhiều kỷ niệm đẹp trong giai đoạn này, đặc biệt là về chương trình Làn Sóng Xanh, một trong những mảng thưởng thức quan trọng của giới trẻ thời đó”.
Nhạc sĩ kể, khi quyết định “reply 1997”, anh và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã rà soát lại một lượt âm nhạc năm 1997, liệt kê tên những bài hát ấn tượng. Lần lượt Tình thôi xót xa, Tình thơ, Phượng hồng dược nhắc đến.
Trong đó, Tình thôi xót xa là “ca khúc cưa gái”. “Bài hát này là phương tiện lấy le, phóng đại bản thân của mấy cậu choai choai cứ nghĩ mình tài năng ghê gớm lắm”, Nguyễn Hải Phong hồi tưởng.
“Chúng tôi mời đích thân ca sĩ Lam Trường đến thu âm. Cảm giác tuyệt vời lắm, kỷ niệm 20 năm trước cứ ùa về. Nay Lam Trường đã khác xưa, nhưng giọng hát vẫn truyền cảm hứng như ngày nào”, anh cho biết.
Còn Tình thơ (2000), trong phim là bản song ca Ngọc Linh và Miu Lê, thì Nguyễn Hải Phong cũng mời trở lại Ngọc Linh - giọng ca học đường một thời nay đã 37 tuổi. Phượng hồng (1984) xuất hiện ngay từ đầu qua giọng hát Trúc Nhân, báo hiệu một mùa hè ly biệt sắp đến của lứa học sinh cuối cấp.
Đến Ngồi hát đỡ buồn độc đáo
Nổi bật trong số các ca khúc mới của phim là Ngồi hát đỡ buồn với giai điệu vô cùng độc đáo. Đây là sáng tác của Nguyễn Hải Phong với yêu cầu “tréo ngoe” từ đạo diễn: “Tôi cần một bài hát vừa mang hơi hướm đồng quê Mỹ nhưng phải rất Việt Nam. Ca từ nói về nỗi buồn nhưng phải mang đến không khí vui vẻ, không nên cụ thể, nghe vu vơ vô nghĩa nhưng lại có lớp lang sâu sắc về ý tứ”.
Kết quả là một ca khúc “rất tuyệt” (theo Phan Gia Nhật Linh), không những đáp ứng hết mọi yêu cầu của anh mà còn hòa vào bộ phim rất ngọt. Một chi tiết ngoài lề khác là chất miền Trung của bài hát.
Miền Trung là quê của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (tác giả truyện gốc), cũng là của Nguyễn Hải Phong và Trúc Nhân (người hát). “Đây là âm hưởng ưa thích của tôi khi sáng tác. Tôi cũng tự hào lắm nếu như người nước ngoài nghe và nhận ra bản sắc Việt Nam trong bài hát”, nhạc sĩ chia sẻ.
Còn Cô gái ngày hôm qua, ca khúc đặt hàng Vũ Cát Tường sáng tác, lại được hoàn thành rất nhanh. Bởi kiểu nhẹ nhàng tình cảm đã là sở trưởng của nữ ca sĩ.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh yêu thích ca khúc đến mức cho thu âm ba phiên bản và sử dụng hai. Một là của Vũ Cát Tường cho phần credit, một là của Miu Lê để nói lên tiếng lòng của nhân vật Việt An trong cảnh kết phim.
Trúc Nhân đóng vai gì?
Cứ tưởng chỉ làm “cameo” góp vui nhưng thực ra, nam ca sĩ là một nhân tố quan trọng trong phim với vai diễn vô cùng đặc biệt. Đó là “nội tâm của Thư”, theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Ai tinh ý sẽ nhận ra, Trúc Nhân luôn xuất hiện bất cứ lúc nào tiếng lòng của Thư cần được nói lên nhưng lại không thể sử dụng độc thoại hay đối thoại.
Không “nói lên” thì “hát lên”, Trúc Nhân đã hát thay tiếng lòng của Thư, trong hình hài người bán hàng rong, cậu chăn bò, anh bán vé số… “Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng Trúc Nhân quá hợp để vào vai. Cậu ấy có lối hát thông minh và biết diễn xuất trong giọng hát”, Nguyễn Hải Phong nhận định.
Khi Thư đi thất thểu trên đường quê sau khi bị đuổi khỏi xe chở hàng, Trúc Nhân vai chàng chăn bò nằm trên xe bò lướt qua và hát Ngồi hát đỡ buồn. “Nhờ em mà tôi u sầu. Nhờ em mà tôi biết đau. Chờ xem tình yêu bấy lâu sẽ đi về đâu”, Trúc Nhân hát thay băn khoăn của Thư về Việt An.
Trúc Nhân chính là nội tâm của Thư "thơ thẩn". Ảnh: CJ E&M. |
Và không thể không kể đến bản cover Người ta nói đang gây sốt (được Sơn Tùng M-TP hưởng ứng bằng cách chơi piano). Ca khúc này vang lên trong đoạn phim buồn khi Thư lớn cãi nhau với Hải gầy, còn Thư bé cãi nhau với Tiểu Li.
Giọng hát Trúc Nhân trong Người ta nói không bỡn cợt như trong Ngồi hát đỡ buồn, mà trầm ngâm, chiêm nghiệm: “Tháng ngày buồn, ấp ôm kỷ niệm. Hát một mình, hát cho nỗi nhớ đong đầy”. Bởi, ca khúc được dùng để nói lên nỗi buồn giúp Thư thêm trưởng thành: suýt đánh mất hai người bạn đáng quý trong đời.
Cả khi không hát, Trúc Nhân vẫn diễn vai “nội tâm của Thư”. Đó là khi Thư loay hoay không biết viết thư tình sao cho mùi mẫn, anh chàng bán vé số (Trúc Nhân) đã xuất hiện và dụ dỗ: “Vé số anh ơi! Đen tình đỏ bạc anh ơi!”. Câu thoại nói lên đúng hoàn cảnh của Thư, kèm cái nháy mắt gian xảo của Trúc Nhân khiến khán giả cười lăn cười bò.
Nghe album nhạc phim tại đây.
11 ca khúc trong Cô gái đến từ hôm qua:
1. Phượng hồng - Trúc Nhân thể hiện
2. Cô bé có chiếc răng khểnh - Ngô Kiến Huy
3. Con gái bây giờ - Phương Thanh & Minh Thuận
4. Ngồi hát đỡ buồn - Trúc Nhân
5. Người ta nói - Trúc Nhân
6. Cô gái ngày hôm qua - Miu Lê
7. Tình thôi xót xa - Lam Trường, Ngô Kiến Huy
8. Chắc chắn yêu rồi - Ngô Kiến Huy
9. Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà - Minh Cảnh
10. Hãy gọi nắng về đi - Phùng Khánh Linh
11. Tình thơ - Ngọc Linh & Miu Lê