Sáng 19/10, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của Dương Văn Toản (51 tuổi, ở huyện Sóc Sơn) về tội Cướp tài sản.
Thừa nhận hành vi phạm tội, song bị cáo cho rằng mức án 36 tháng tù là quá nặng và bản thân không trốn nã hơn 2 thập kỷ qua.
Lật lại hồ sơ vụ án 26 năm trước, Toản và Phạm Văn Nhật (54 tuổi) khi đó đều ở tuổi đôi mươi. Mùng 6 Tết năm 1988, cả hai nhập hội cùng Vũ Bá Bừng (cùng xã) đi cướp tài sản của khách thập phương dự lễ hội Đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Khi đến chùa Non nước, họ để mắt tới nhóm sinh viên gồm 4 người (2 nam, 2 nữ) đi vãn cảnh chùa. Lúc Bừng vờ hỏi xin thuốc lá, những người khác trong nhóm nhảy ra đánh hai nam sinh. Tranh thủ hỗn loạn, Bừng xông vào giật chiếc áo bò, máy ảnh, áo nhung và 5.400 đồng của nhóm nam thanh nữ tú. Một tên trong nhóm đe dọa, bắt thiếu nữ cởi chiếc áo măng tô chị này đang mặc.
Bị cáo Nhật và Toản dựa người vào vành móng ngựa khi nghe tòa tuyên án tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: H.L. |
Thấy nạn nhân do dự, chưa cởi áo, Nhật liền giơ rìu đe dọa. Sợ hãi, cô gái vội cởi chiếc áo khoác. Số tài sản cướp được, cả bọn chia nhau tiêu xài.
Năm 2009, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Bừng 40 tháng tù, 3 đồng phạm khác lĩnh án 20-36 tháng tù và buộc bồi thường thiệt hại 150.000 đồng. Lúc này, Nhật và Toản bỏ trốn.
Cuối năm 2013 (tức 25 năm sau), cặp đôi trên bị bắt theo lệnh truy nã. Phiên tòa sơ thẩm tháng 7/2014, Toản lĩnh án 36 tháng tù, Nhật 40 tháng tù.
Do sức khỏe không đảm bảo, Toản được HĐXX cho ngồi trả lời. Suốt quá trình thẩm vấn, bị cáo trung niên quả quyết không biết "trát" truy nã của cơ quan công an.
“Năm 1998, bị cáo được công an gọi lên trình diện một lần rồi được cho về. 3 năm sau bị cáo lấy vợ, đăng ký kết hôn và liên tục làm ăn, sinh sống ở địa phương”, Toản khai. Bị cáo Nhật cũng có lời khai tương tự.
Nhớ lại ngày bị bắt (26/12/2013), bị cáo Toản khai thời điểm đó đang làm việc ở Bát Tràng. Quá trình xác minh cũng thể hiện, hơn 20 năm, Toản vẫn sinh sống ổn định tại địa phương và thực hiện các quyền công dân như bỏ phiếu, làm CMND. Công an xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) khẳng định không nhận được quyết định truy nã của cơ quan công an đối với Toản và Nhật. HĐXX cũng công bố trong hồ sơ vụ án chỉ có quyết định truy nã, không có lệnh truy nã.
Về vấn đề này, chủ tọa đặt nghi vấn: "Việc truy nã đối với hai bị can đã có hiệu lực chưa?".
Bào chữa cho Toản, luật sư Nguyễn Hữu Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, theo điều 23 Bộ luật hình sự, hành vi của bị cáo đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Ông Cường lý giải, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Cơ quan tố tụng dựa vào việc Toản trốn lệnh truy nã để tính lại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (tính từ ngày 26/12/2013, ngày Toản bị bắt lại) để truy tố, xét xử bị cáo.
Luật sư Cường khẳng định, với những dẫn chứng trên, không có căn cứ để cho rằng, Toản trốn truy nã. Đồng nghĩa, sau hơn 20 năm thì hành vi của bị cáo hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm.
Ông Cường cũng nói thêm, giai đoạn điều tra Toản không có luật sư bảo vệ. "Bị can mù chữ, chỉ biết viết tên của mình, do đó cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng", luật sư nói.
Trước lời khai và chứng cứ mới xuất hiện, người giữ quyền công tố tại tòa đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Không đồng tình với quan điểm của VKSND, luật sư cho rằng việc kéo dài vụ án sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bị cáo. Luật sư kiến nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án bằng thời gian tạm giam (22 tháng).
Sau nửa ngày xét xử, cấp phúc thẩm đã đồng tình với quan điểm của VKSND và quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Tại tòa sáng nay, Toản được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại.
Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.