Nam sinh 13 tuổi ở Trung Quốc dùng kỹ năng thoát hiểm học từ phim hành động để trốn khỏi nơi giam giữ. Ảnh: Daily Mail. |
Tháng 10/2015, một nam sinh 13 tuổi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, bị tên bắt cóc tấn công từ phía sau và kéo lên xe khi đang trên đường đến trường. Tên này bịt miệng, trói tay chân cậu bé, bỏ mặc em trong ngôi nhà hoang rồi gọi điện yêu cầu gia đình trả tiền chuộc.
Cho rằng đây là trò đùa, bố mẹ em dập máy. Khi phát hiện con không đến trường, họ bắt đầu hoảng loạn.
Trong khi đó, nạn nhân nhỏ tuổi cố giữ bình tĩnh, sử dụng những kỹ năng cậu học từ phim hành động, tự cởi trói và trốn thoát. Cậu bé chạy ra đường lớn rồi được một người cứu giúp, theo Daily Mail.
Trên thực tế, nạn bắt cóc học sinh vẫn hoành hành trên toàn thế giới, đặc biệt tại những điểm nóng như Mexico, Ấn Độ, Nigeria.
May mắn thoát nạn
Tháng 3/2016, một nam sinh 15 tuổi ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ, bị bắt cóc. Gia đình liên tục nhận cuộc gọi từ một người đàn ông, yêu cầu họ chuộc con với số tiền lớn.
Sau đó, cảnh sát phát hiện thi thể cậu bé. Họ tiến hành điều tra nhưng không xác định được danh tính, cũng như thủ đoạn của kẻ bắt cóc.
Đầu năm 2016, Aadarsh Patil, Vilas Valake và Shrikirhna Shevale, 3 học sinh ở thành phố Pune, Ấn Độ, bị khủng bố bắt cóc khi đang tham gia chiến dịch đạp xe vì hòa bình, theo Times of India.
Nhờ nỗ lực điều tra và đàm phán từ phía cảnh sát, 3 em được giải cứu an toàn.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tham gia chiến dịch kêu gọi nhóm khủng bố trả tự do cho các nữ sinh Nigeria bị bắt cóc hồi tháng 4/2014. Ảnh: CNN. |
Tháng 10/2015, Sandra Ferguson, trợ giảng trường tiểu học Suttern ở California, Mỹ, cứu thoát nữ sinh 11 tuổi khỏi kẻ bắt cóc đã dụ dỗ bé lên xe.
Cũng trong tháng 10, nam sinh 14 tuổi Trường trung học Kloof ở Nam Phi bị bắt cóc sau khi vượt tường rào, tiến vào vườn một nhà cạnh trường để nhặt bóng. Chủ nhà phát hiện cậu bé, quát tháo rồi yêu cầu nam sinh đi ra bằng cửa sau. Ông ta ép cậu bé lên xe, đe dọa chở đến nhà người bạn và giết nam sinh này.
Thấy học sinh không trở lại, huấn luyện viên đội bóng liên lạc với cảnh sát. Gã đàn ông cũng gọi điện cho bà cậu, đe dọa gia đình. Kế hoạch của gã thất bại khi cảnh sát nhanh chóng tìm thấy chiếc xe, giải cứu cậu bé đồng thời khởi tố đối tượng, Highway Mail cho hay.
Nhiều nạn nhân thiệt mạng
Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào cũng may mắn. Tháng 11/2015, Happi Pretti Che, học sinh lớp 5 tại Trường tiểu học CNPS ở Bamenda, đến trường và không bao giờ trở lại nữa. Dì em báo cảnh sát, đồng thời cung cấp số điện thoại mà kẻ bắt cóc sử dụng để gọi cho bà, đòi tiền chuộc.
Sự trì hoãn của cảnh sát dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 5 ngày sau khi Happi mất tích, người ta phát hiện thi thể của em cạnh một học viện thể thao trong thành phố.
Qua quá trình điều tra, cảnh sát bắt Ambe Neba Jasmine, gã đàn ông 31 sống cạnh gia đình nạn nhân.
Ambe thừa nhận, hắn đồng lõa với Assah Brandon, 20 tuổi, trong vụ bắt cóc Happi. Ambe cung cấp thông tin gia đình nạn nhân cho Assah khi gã này đang tìm kiếm đối tượng để gây án nhằm đòi tiền. Hắn cũng là người thuê xe đạp hộ Assah.
Khi gã thanh niên 20 tuổi đi xe đạp đến trường đón Happi, cô bé do dự. Tên bắt cóc liền gọi điện cho Ambe. Nghe thấy giọng người quen, Happi lên xe.
Sau đó, gã đưa nạn nhân về nhà, cho cô bé uống thuốc ngủ. Hắn gọi điện, yêu cầu gia đình nữ sinh 9 tuổi trả 4 triệu FCFA tiền chuộc. Nhưng cuối cùng, hai bên thương lượng hạ mức chuộc xuống 700.000 FCFA.
Phát hiện cảnh sát theo dõi, chúng đổi địa điểm giao tiền sang điểm mới nhưng không đến nhận tiền do nạn nhân đã chết. Chúng thuê xe máy, chuyển thi thể đến vứt bên dòng suối cạnh Học viện Thể thao Yong.
Khác với những cuộc bắt cóc riêng lẻ vì động cơ đòi tiền chuộc, đêm 14/4/2014, nhóm khủng bố Boko Haram tiến hành bắt giữa 300 nữ sinh ở thị trấn Chibok, Nigeria, theo CNN.
Nhóm vũ trang cực đoan xông vào ký túc xá trường trung học công lập nữ tại Chibok, bắt giữ hơn 300 nữ sinh làm con tin.
Sau đó, họ buộc các nữ sinh lên những chiếc xe đậu sẵn, châm lửa thiêu rụi ngôi trường rồi biến mất trong khu rừng rậm rạp Sambisa.
Trong số các nữ sinh bị bắt cóc, 50 em may mắn trốn thoát, còn lại 276 em đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Một nguồn tin cho biết, hiện nay, ít nhất 2 em bị rắn độc cắn chết và khoảng 20 em lâm bệnh.
Năm 2014, nhóm khủng bố cũng thực hiện vụ bắt cóc 200 nữ sinh khi các em đang tham gia kỳ thi khoa học.
Những nạn nhân này đều trong độ tuổi từ 16 đến 18. Các em có thể bị hãm hiếp, tra tấn, buộc làm nô lệ và phải cải đạo Hồi khi rơi vào tay Boko Haram.
Sinh viên cũng bị bắt cóc
Đầu năm 2016, hai nữ sinh Đại học Rochester, Mỹ, trở thành nạn nhân của vấn nạn này.
Nicholas Kollias, một nghệ sĩ piano thiên tài, và Ani Okeke-Ewo, ngôi sao bóng đá trường Rocheter, bị 3 phụ nữ lạ dụ dỗ về nhà uống rượu rồi bất ngờ bị 4 người đàn ông tấn công.
Trước khi được đội đặc nhiệm SWAT giải cứu, hai sinh viên trải qua nhưng ngày kinh khủng. Bọn bắt cóc ép họ quan hệ tình dục, tra tấn dẫn đến thương tích nghiêm trọng.
Tháng 12/2015, một nữ sinh 19 tuổi ở thành phố Gurgaon bị bắt cóc khi đang đứng trước cổng sau trường đại học, chuẩn bị vào thi giữa kỳ. Ngay khi nạn nhân bị ép lên xe, một số người chứng kiến đã đuổi theo nhưng không kịp. Qua thông tin từ máy giám sát và manh mối do các nhân chứng cung cấp, 7 giờ sau, cảnh sát giải cứu thành công nữ sinh này, Indian Express cho hay.
Trong các vụ bắt cóc sinh viên, vụ 43 sinh viên Mexico mất tích được coi là vụ kinh hoàng nhất.
Tháng 9/2014, họ biến mất sau khi cảnh sát tấn công chiếc xe buýt của Đại học Sư phạm Nông thôn Ayotzinapa ở Guerrero.
Đến cuối năm, Văn phòng Tổng chưởng lý Mexico kết luận tất cả nạn nhân đã thiệt mạng và bị hỏa thiêu tại một bãi rác ở Cocula. Tuy nhiên, chính phủ không thể cho gia đình họ câu trả lời thuyết phục về nguyên nhân nỗi đau mất con họ đang phải chịu đựng.
Nạn bắt cóc vẫn hoành hành khắp thế giới, từ những nơi bất ổn chính trị như Nigeria đến đất nước tưởng chừng an toàn như Mỹ. Học sinh, sinh viên, đặc biệt là nữ sinh, thường là mục tiêu của bọn bắt cóc.
Thủ đoạn của chúng rất đa dạng, bao gồm việc dụ dỗ, lừa gạt, dùng bạo lực ép nạn nhân lên xe hoặc nghiêm trọng hơn, tấn công vũ trang vào trường học để bắt giữ người.