Quáng gà là dạng suy giảm thị lực, còn được gọi là chứng rung giật nhãn cầu. Những người bị quáng gà có thị lực kém, khó nhìn rõ vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Nó không phải là bệnh mà là triệu chứng của vấn đề khác như cận thị không được điều trị.
Triệu chứng
Theo Medical News Today, triệu chứng đặc trưng của bệnh quáng gà là khó nhìn trong bóng tối. Bạn có nhiều khả năng bị quáng gà khi mắt chuyển từ môi trường sáng sang tối, chẳng hạn khi bạn từ ngoài trời nắng vào nhà hàng thiếu ánh sáng.
Bạn cũng có thể gặp phải tình trạng thị lực kém khi lái xe do độ sáng của đèn pha và đèn đường không liên tục trên đường.
Người bị quáng gà sẽ khó nhìn rõ sự vật vào ban đêm hoặc nơi có ánh sáng yếu. Ảnh: DrTavel. |
Để xác định tình trạng quáng gà, Học viện Nhãn khoa Mỹ đề nghị mọi người xem xét các câu hỏi sau:
- Di chuyển quanh nhà trong điều kiện ánh sáng mờ có phải là thách thức?
- Lái xe vào ban đêm ngày càng khó khăn?
- Có khó để nhận dạng khuôn mặt trong ánh sáng mờ không?
- Có mất một thời gian dài bất thường để điều chỉnh phòng sáng sau khi ở trong bóng tối không?
- Có mất nhiều thời gian để nhìn thấy trong phòng tối sau khi ra ngoài ánh sáng không?
Các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra với bệnh quáng gà. Bản chất của các triệu chứng này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản nhưng có thể bao gồm đau đầu, đau mắt, buồn nôn, nôn, tầm nhìn mờ hoặc có mây, nhạy cảm với ánh sáng, khó nhìn xa.
Nguyên nhân
Theo Healthline, một số bệnh về mắt có thể gây ra bệnh quáng gà, bao gồm:
- Cận thị hoặc nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa.
- Đục thủy tinh thể, hoặc che phủ thủy tinh thể của mắt.
- Viêm võng mạc sắc tố, xảy ra khi sắc tố tối tích tụ trong võng mạc và tạo ra tầm nhìn tối.
- Hội chứng Usher, tình trạng di truyền ảnh hưởng đến cả thính giác và thị lực.
Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể cao hơn. Do đó, họ có nhiều khả năng bị quáng gà do đục thủy tinh thể cao hơn trẻ em hoặc thanh niên.
Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu vitamin A cũng có thể dẫn đến chứng quáng gà. Vitamin A, còn được gọi là retinol, có vai trò biến đổi các xung thần kinh thành hình ảnh trong võng mạc - khu vực nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt.
Những người bị suy tuyến tụy, chẳng hạn mắc xơ nang, khó hấp thụ chất béo và có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin A hơn vì dưỡng chất này tan trong chất béo. Điều này khiến họ có nguy cơ mắc chứng quáng gà cao hơn.
Bên cạnh đó, những người có lượng đường trong máu cao hoặc mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể.
Quáng gà là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe về mắt như đục thủy tinh thể, viêm võng mạc sắc tố. Ảnh: Eyerx. |
Cách ngăn ngừa và điều trị
Theo Cleveland Clinic, bạn không thể ngăn ngừa quáng gà do dị tật bẩm sinh hoặc tình trạng di truyền, như hội chứng Usher. Tuy nhiên, bạn có thể theo dõi mức đường huyết và ăn uống cân bằng để kiểm soát lối sống của mình, giảm nguy cơ quáng gà. Hãy thử những cách sau để có thể ngăn ngừa quáng gà:
- Ăn thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, dưa vàng, bí ngô, rau chân vịt, sữa, trứng.
- Đi khám mắt thường xuyên để được phát hiện sớm nếu có vấn đề về mắt.
- Đeo kính râm để bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời. Tia UV làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp. Bạn cần chọn loại kính râm có thể ngăn chặn ít nhất 99% tia UVA và UVB; bảo vệ mắt từ mọi góc độ; lọc 75-90% ánh sáng xanh có thể nhìn thấy.
- Tập thể dục có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Nó làm giảm nhãn áp và mức đường huyết.
Việc điều trị quáng gà sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Chẳng hạn, thiếu hụt dưỡng chất như vitamin A, kẽm là tình trạng dễ điều trị nhất.
Nếu nguyên nhân là đục thủy tinh thể, bạn có thể đi phẫu thuật để loại bỏ thủy tinh thể bị đục và thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Thị lực thường được cải thiện đáng kể sau khi phẫu thuật.
Đối với hội chứng khô mắt, người bệnh cần bôi trơn mắt bằng thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo vì chúng giúp giảm đau tức thì. Tuy nhiên, bạn nên chọn loại thuốc nhỏ mắt không không có chất bảo quản để tránh kích thích mắt.
Quáng gà do bệnh võng mạc tiểu đường có thể được ngăn ngừa bằng cách kiểm soát chặt chẽ lượng đường huyết, lối sống năng động và thói quen ăn uống lành mạnh.
Đối với bệnh viêm võng mạc sắc tố, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào. Rất may, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin A có thể có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh về mắt này. Tốt nhất là nếu muốn thảo luận về bất kỳ vấn đề cụ thể nào, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa.