Rối loạn nhịp thở khi ngủ có thể khiến trẻ bị mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm hoặc mệt mỏi, cáu kỉnh vào ban ngày. Ảnh: Georgetownent. |
Rối loạn nhịp thở khi ngủ thường là kết quả của các vấn đề tiềm ẩn về miệng, hàm và cổ họng do đường thở hẹp gây ra. Tình trạng này phổ biến với khoảng một nửa số trẻ em trải qua ít nhất một số triệu chứng, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 4 đến 8.
Dấu hiệu
Theo tạp chí Parents, tiến sĩ Judith Owens, Trưởng khoa Thuốc ngủ tại Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ), cho biết nếu con bạn ngáy 3 lần một tuần, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào khác, chúng cần được kiểm tra. Ngáy là dấu hiệu của vấn đề về hô hấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: chiều dài hàm và chiều rộng vòm miệng của trẻ; hình dạng của hộp sọ; hoặc nghẹt mũi và đường hô hấp trên, thường là do amidan và vòm họng quá khổ.
Thông thường, trẻ em ngáy do nhiều yếu tố. Vào ban đêm, khi trẻ nằm xuống và cơ cổ họng thư giãn, đường thở sẽ hẹp lại. Stephen Sheldon, Giám đốc Trung tâm Y học Giấc ngủ tại Bệnh viện Nhi đồng Ann & Robert H. Lurie ở Chicago (Mỹ), cho biết cha mẹ cần đặc biệt quan tâm là những tiếng thở hổn hển, khịt mũi và nghẹt thở hoặc khó thở ở trẻ.
"Đây là những dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ, khi hơi thở liên tục bị chặn hoặc bị chặn một phần trong tích tắc rồi bắt đầu lại", chuyên gia này nói.
Tiến sĩ Owens chỉ ra hiếu động thái quá cũng là dấu hiệu phổ biến khác về giấc ngủ kém ở trẻ em và có tới 60% trẻ em bị ADHD (tăng động giảm chú ý) gặp khó khăn khi ngủ ngon giấc.
"Tăng động, amidan to, dị ứng, hen suyễn và thừa cân là những dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ", ông Owens chia sẻ.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào dưới đây ở trẻ, hãy hỏi bác sĩ:
- Ngáy thường xuyên hơn 3 đêm/tuần.
- Thở bằng miệng trong thời gian dài.
- Nghẹt mũi tái phát.
- Nhìn nghiêng, cằm không thẳng hàng với mũi và miệng.
- Khuôn mặt hẹp hoặc dài.
- Má phẳng.
- Ngủ với đầu và cổ duỗi quá mức.
- Răng khấp khểnh hoặc chen chúc.
- Khó ngủ hoặc thức dậy thường xuyên.
- Buồn ngủ ban ngày, các vấn đề về chú ý, khó tập trung hoặc hiếu động thái quá.
- Mộng du, bồn chồn hoặc đổ mồ hôi khi ngủ.
- Đái dầm ở trẻ độ tuổi đi học dù đã cai tè đêm trước đó.
- Thường xuyên đau đầu vào buổi sáng.
- Khát nước buổi sáng quá mức.
Ngáy là dấu hiệu phổ biến cảnh báo trẻ bị rối loạn nhịp thở khi ngủ. Ảnh: Wellrestedweeones. |
Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp thở khi ngủ
Rối loạn nhịp thở khi ngủ có thể xảy ra do có thứ gì đó đang chặn đường hô hấp trên, chẳng hạn amidan hoặc adenoids giãn ra. Nó cũng có thể xảy ra nếu các cơ ở phía sau cổ họng thư giãn và sụp xuống trong khi ngủ. Trẻ sơ sinh (sơ sinh đến một tuổi) có nhiều nguy cơ mắc tình trạng này do trẻ có xu hướng cho đồ vật vào miệng và đường thở nhỏ hơn, đôi khi kém phát triển của trẻ.
Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp thở khi ngủ ở trẻ em bao gồm:
- Thừa cân.
- Bại não.
- Dị tật sọ mặt (các vấn đề về miệng, hàm hoặc cổ họng).
- Hội chứng Down.
- Tiền sử gia đình ngưng thở khi ngủ.
- Lưỡi rộng.
- Đưa đồ vật vào miệng.
- Khối u hoặc tăng trưởng trong cổ họng.
Mặc dù hiếm gặp ở trẻ em, rối loạn nhịp thở khi ngủ có thể nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, suy tim hoặc thậm chí đột quỵ.
Chẩn đoán về rối loạn nhịp thở khi ngủ
Nếu lo lắng về các triệu chứng của con mình, bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi bác sĩ nhi khoa hoặc nha sĩ của con mình xem họ có kinh nghiệm điều trị chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ hay không.
Trẻ có vòm miệng và hàm rộng bình thường có thể bị dị ứng, hen suyễn, amidan to hoặc sưng vòm họng. Cha mẹ nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Tiến sĩ Carol Rosen, chuyên gia về thuốc ngủ nhi khoa ở Cleveland Clinic, cho biết trẻ em bị nghẹt mũi có thể bắt đầu dùng thử thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc thông mũi. Nếu bác sĩ nhìn thấy amidan hoặc adenoids giãn nở chèn ép vào đường thở của con bạn và hạn chế luồng không khí, bạn có thể cân nhắc việc cắt bỏ chúng.
Nhưng trước tiên, cha mẹ hãy lên lịch nghiên cứu giấc ngủ qua đêm để xác định xem liệu chứng ngưng thở khi ngủ có thể là nguyên nhân hay không. Đôi khi các vấn đề về giấc ngủ trở nên trầm trọng hơn vì trẻ không đặt lưỡi đúng chỗ khi nói, ăn và khi nghỉ ngơi. Lý tưởng nhất là lưỡi nên nằm nhẹ nhàng trên vòm miệng - không phải trên sàn miệng, nơi nó có thể tụt ra sau và chặn cổ họng trong khi ngủ.
Sữa mẹ là dưỡng chất rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vì vậy, sau khi sinh con, bà mẹ nào cũng muốn cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn. Các bà mẹ cho con bú nên ăn gì để tăng cường dưỡng chất cho sữa mà vẫn tốt cho sức khỏe?
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.