Mâm cơm Tết của người Việt Nam ẩn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Ảnh: Bùi Thủy. |
Người Việt Nam có truyền thống "uống nước nhớ nguồn”, dâng cơm cúng tổ tiên là nghi lễ không thể thiếu trong những ngày Tết. Mâm cơm được chuẩn bị tất bật từ những ngày 29, 30 Tết, sang mùng 1, 2, 3 dọn cúng. Đến mùng 4, 5 vẫn là những món ăn quen thuộc bày biện trên mâm.
Mâm cơm Tết ở Việt Nam mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Ngoài cầu mong một năm ấm no, mâm cơm còn thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu với tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Mỗi miền, mâm cơm ngày Tết có những đặc trưng khác nhau.
Miền Bắc - Cầu kì và tinh tế
Sự cầu kì về cách chế biến và hình thức là nét đặc trưng trong mâm cơm miền Bắc. Để năm mới đầy thuận lợi, mâm cơm phải có màu xanh, đỏ với đủ món xào, hấp, canh...
Mâm cơm miền Bắc cầu kì về cách chế biến lẫn hình thức. Ảnh: Bếp bà Chà. |
Những món ăn trong mâm cơm phải cung cấp nhiều năng lượng, làm ấm bụng để phù hợp với thời tiết lạnh của mùa đông. Một số món đặc trưng có thể kể đến như bánh chưng, dưa hành, canh măng, canh bóng thả, thịt kho đông, nem rán… Với món tráng miệng, người miền Bắc thường dùng mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho...
Ngoài ra, số lượng bát, đĩa cũng được quy định rõ. Mâm cơm nhỏ có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, tứ phương. Mâm cơm lớn có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.
Miền Trung - Đơn giản và chân thành
Với đặc trưng khí hậu, mâm cơm Tết ở miền Trung nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa của gia vị. Mỗi món ăn mang một phong vị riêng, tổng thể mâm cơm đủ vị chua, cay, mặn, ngọt.
Giò bò, ran cuốn, cá thu kho mặn... là những món đặc trưng trong mâm cơm Tết miền Trung. Ảnh: Đôi đũa vàng. |
Những món ăn cơ bản gồm gà luộc, giò bò, nem chua, dưa hành, ram cuốn… Đặc biệt, bánh tét miền Trung có nhân thịt lợn, đậu xanh, ăn giống với bánh chưng nhưng gói theo hình trụ dài, cắt thành khoanh tròn. Ở những tỉnh ven biển, mâm cơm còn có thêm cá thu kho mặn.
Người miền Trung không dùng đĩa lớn trong mâm cơm ngày Tết. Mỗi món ăn chỉ bày một ít trong đĩa nhỏ và sắp xếp gọn trong chiếc mâm tròn để thể hiện sự chắt chiu, san sẻ.
Miền Nam - Phóng khoáng và bình dị
Mâm cơm ngày Tết ở miền Nam thể hiện rõ sự trù phú về nông sản, không câu nệ về mặt hình thức. Những món ăn từ thịt hay rau, củ đều mang hương vị phong phú, màu sắc bắt mắt. Khí hậu miền Nam không lạnh như miền Bắc nên phần lớn món ăn đều ăn nguội hoặc ấm nhẹ.
Mâm cỗ miền Tây không câu nệ về mặt hình thức. Ảnh: Shutterstock. |
Những món thường được bày trên mâm cơm với ý nghĩa sung túc gồm gà luộc xé phay, củ kiệu ngâm, lạp xưởng chiên, bánh tét nhân ngọt (đậu dừa, chuối)… Hai món không thể thiếu là canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho trứng.
Theo quan niệm của người miền Nam, canh khổ qua giúp xua đi khổ cực của năm cũ, chào đón năm mới tốt lành. Thịt kho trứng với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất, gia đình sum vầy. Riêng món tráng miệng, người miền Nam chuộng dưa hấu đỏ, mứt me, mứt dừa và hạt dưa.
Mâm cơm ngày Tết của 3 miền có nhiều điểm khác biệt nhưng đều ẩn chứa nhiều giá trị truyền thống với mong muốn một năm mới no đủ, may mắn.
Tết là dịp sum vầy, đoàn viên bên mâm cỗ. Zing giới thiệu tới bạn đọc những món ngon, truyền thống ẩm thực hay ngày Tết.