Mối tình của họ được dệt qua hàng trăm cuộc điện thoại đường dài, qua hàng ngàn tin nhắn yêu thương. Anh bỏ phố thị, bỏ tấm bằng kỹ sư cơ khí, bỏ công việc trong một công ty nước ngoài, "chở" trái tim của mình trao đến người con gái bại liệt đang "bấu" mẹ mù lòa trong một căn chòi nằm hiu quạnh giữa đồng ruộng tại ấp Cây Me (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).
Không phải là cổ tích
Nguyễn Văn Đặng (27 tuổi) là dân Sài Gòn chính hiệu, có nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), đang là kỹ sư cơ khí cho một công ty nước ngoài tại Bình Dương. Đặng có một người bạn hay đi làm từ thiện, trong một lần hàn huyên, nghe anh ta kể về trường hợp của cô gái Nguyễn Thị Tuyết Mai (27 tuổi) ở Long An, bị bại liệt sống cùng mẹ già mù lòa. .
Anh nhớ về tuổi thơ mất mát của mình. Mới 2 tuổi, ba đi biệt xứ, mẹ hạnh phúc với tình duyên mới. Đặng sống cùng ông bà nội. Sự đồng cảm trỗi dậy trong anh.
"Hoàng tử" Đặng nay đã trở thành anh tá điền chính hiệu và chị Mai ngày chưa bị bại liệt. |
Anh xin số điện thoại của Mai để hỏi han thêm về cuộc sống của hai mẹ con cô ấy. Mai đã chia sẻ với người đàn ông chưa gặp mặt về hoàn cảnh của hai mẹ con mình. Cuộc đời của Mai, của mẹ Mai cứ ám ảnh trong những đêm trằn trọc không ngủ của Đặng. Anh âm thầm gói ghém một tình cảm đặc biệt với cô gái này. "Đó là thứ tình cảm kết hợp giữa thương và nhớ, không biết đó có phải là tình yêu? Hình ảnh Mai cứ luẩn quẩn trong đầu tôi, xen vào công việc hằng ngày. Tôi suy nghĩ về cô ấy rất nhiều. Tôi lại gọi điện, có đêm chúng tôi tâm sự với nhau mấy tiếng đồng hồ", Đặng kể.
Buổi chiều cuối năm của một ngày cách đây tròn 4 năm, chàng kỹ sư gốc Sài Gòn hối hả đón chuyến xe cuối cùng về Long An để gặp người con gái anh chưa từng biết mặt. Họ đã gặp nhau sau hàng trăm cuộc điện thoại đường dài, hàng ngàn tin nhắn yêu thương, nhung nhớ. Gặp chị, anh đã chết lặng trong một bầu trời cảm xúc, anh chẳng dám chạy lại để ôm người con gái đang héo rũ trong góc nhà. Đôi mắt chị mọng nước, chị không dám nhìn thẳng vào mắt anh, chàng trai khôi ngô tuấn tú vừa từ phố thị về. Những xúc cảm đa chiều; tủi thân, thương xót hay sục sôi một tình yêu? Tất cả cuộn sóng trong hai tâm hồn.
Xen lẫn sự cô quạnh tê tái, lẫn trong khốn khó tiêu điều là một không gian bình yên đến nhẹ lòng. Đặng không nói nhiều, anh cứ lặng lẽ "nuốt" hoàng hôn khuất dần sau tán dừa cao vút, anh thả trôi tâm hồn để hòa cùng hai "mảnh rách" khổ sở kia. Bữa cơm tối đón anh là những món ăn hương đồng gió nội không tì vết. Đặng ăn hết nồi cơm, vét cả cháy trước cái nhìn e thẹn của Mai.
Trong giường, Đặng nghe rõ tiếng trở mình liên tục, tiếng thở dài và cả giọng khụt khịt của bà Tám, mẹ Mai. Từ lúc gặp Đặng, bà cứ chảy nước mắt suốt. Mai bảo, bà đang rất sợ. Sợ ai đó lừa gạt con gái bà, chẳng may làm Mai có bầu thì biết sống sao đây. Bà vẫn không tin một người đàn ông đàng hoàng tử tế, mà là dân Sài Gòn có ăn có học như Đặng lại đem lòng yêu Mai.
Sáng hôm sau, Đặng bắt chuyến xe thật sớm quay trở về Sài Gòn. Nhìn theo bóng Đặng nhỏ dần trên đường ruộng hun hút, Mai đã bật khóc. Mai hụt hẫng và luyến tiếc, thất vọng và hy vọng. Đặng đã thấy tất cả, cảm nhận thật tỉ mỉ cuộc sống của hai mẹ con Mai. Đặng về Sài Gòn viết đơn thôi việc rồi từ biệt người thân để đi làm rể miền Tây. Ông bà nội chấp nhận để anh đi, vì biết tình yêu mãnh liệt anh dành cho cô gái ấy.
Nhưng, ngày anh ôm túi quần áo xuống căn chòi giữa ruộng, trông thấy anh, Mai ôm mẹ khóc tức tưởi. Hai mẹ con chị gục vào nhau khóc. Đặng nhẹ nhàng nắm tay Mai, trút hết nỗi lòng cùng cô gái bại liệt: "Hãy cho anh về đây sống với hai mẹ con em. Anh muốn được che chở, bao bọc và chăm sóc mẹ con em suốt đời". Mai chết lặng, còn bà Tám cố đẩy anh ra, bà thều thào trong hơi thở yếu ớt: "Hãy đi tìm người con gái khác, Mai không xứng đáng với anh".
Đặng quỳ xuống xin bà được ở lại. Lúc này, anh mới thổ lộ hết tấm chân tình, rằng tình cảm của anh xuất phát từ trái tim yêu thương thật sự. Anh nhớ Mai, yêu cô ấy từ lần đầu tiên gặp mặt. Anh đã không thể làm việc nổi, đã giày vò tâm hồn nhiều đêm để đi đến quyết định lấy Mai làm vợ. Sự ngăn cản yếu ớt của bà Tám không thể xua đuổi Đặng. Lần đầu tiên, anh ôm Mai vào lòng, hôn nhẹ lên hàng mi ướt lệ của người yêu, nghe con tim rạo rực.
Đám cưới của Đặng - Mai diễn ra ấm cúng trong căn chòi mượn. Cô dâu không mặc áo cưới, mâm cơm do người chủ đất thương tình hỗ trợ để chú rể cúng tổ tiên. Đám cưới chỉ có trầu cau và nước mắt.
Căn nhà mới được nâng cấp từ căn chòi lá rách nát vợ chồng Đặng - Mai giữa cánh đồng. |
Hạnh phúc mong manh
Mai xuất thân là cô gái gốc Trà Vinh. Năm 1992, gia đình kéo nhau đến vùng sông nước biên giới Long An làm ăn. Họ được chủ điền cho mượn mảnh đất giữa ruộng để dựng nhà và đi làm mướn kiếm sống. Nhà bà Tám có những năm người con, tất cả sau này lớn lên đều phiêu dạt khắp nơi, lấy vợ gả chồng an phận trong nghèo nàn.
Năm 2000, bà Tám bị bệnh cườm mắt, không có tiền chạy chữa, bà trở thành người mù. Là con út, thấy cảnh cha già, mẹ mù lòa, Mai đành gác lại chuyện tình duyên. Mai thời thanh niên khỏe lắm, đi làm mướn hết mùa lúa lại đến mùa lạc. Thế rồi tai họa ập xuống, năm 2006, hết ngày làm mướn về nhà, Mai lên cơn sốt. Chân tay cứng đờ, không thể cử động. Ba mẹ vội kêu gọi người thân, các anh chị em ở xa về đưa Mai đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ca mổ sau đó bị tai biến, Mai bị xuất huyết tủy. Bác sĩ điều trị cho biết, để tiếp tục chữa chạy cần khoảng tiền 70 triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn so với khả năng gia đình, họ đành đưa chị về quê, phó mặc sự sống cho thần chết.
Nhưng, Mai cứ nằm đó mà ông trời không cho chết. 19 tuổi, đôi chân của cô đã bại liệt vĩnh viễn, khép chặt tương lai. Nhiều lúc Mai muốn chết để quên nỗi đau và nhẹ nhõm cho cha mẹ, nhưng tử thần lại mang người cha của chị đi trước. Tai họa liên tiếp giáng xuống gia đình Mai, ngày cha mất, chị đã là một phế nhân, nước mắt không còn để khóc cha.
Căn chòi một mẹ mù lòa, một con bại liệt nằm heo hút giữa cánh đồng. Họ sống bằng tình thương, đôi khi là sự bố thí của đồng loại. Nhà dột phải hứng nước, phên mục gió mưa táp ướt không chừa cả cái bàn thờ cha. Bà Tám chống gậy mò mẫm đi tìm cái ăn cho hai mẹ con, có hôm lộn cổ xuống bờ ruộng, bà chỉ ú ớ được vài câu gọi con. Mai nghe thấy, chị kêu gào la hét hàng xóm đến cứu mẹ. Nhưng từ khi có chàng rể về, mọi lo toan đều được anh gánh vác.
Từ một “công tử” nơi phố thị sầm uất, Đặng lột xác trở thành anh tá điền làm quần quật nuôi vợ bại liệt, mẹ mù lòa. Ngày, Đặng đi chăn trâu thuê cho người ta. Đêm, anh quăng chài kiếm cá ở mạn sông. Cuộc sống có bữa đói bữa no, nhưng anh thấy hạnh phúc, ấm áp mỗi khi nhìn Mai cười.
Hai năm trở lại đây, bệnh tình chị Mai tái phát trầm trọng. Chị phải thường xuyên đi bệnh viện. Những cơn đau kéo dài, Mai nghiến răng chịu đựng. Do lâu ngày sống trong môi trường ẩm thấp lại không được chăm sóc vết thương, một phần thịt ở chân của Mai đang hoại tử. Nhiều lần đưa vợ đi khám mà trong túi không có lấy một xu, đến cái băng vệ sinh anh cũng không mua nổi, Đặng ôm mặt khóc thút thít trong bệnh viện. Nhiều bệnh nhân thương xót, góp tiền để anh mua đồ cho chị và cho cả tiền đi xe về nhà.
Chiều chạng vạng, nắng đã tắt, hoàng hôn vàng ươm phía cuối trời, chị Mai ngồi trước bậu thềm, chị cười nhăn nhó giống khóc, dường như chị đang rất đau đớn. Anh Đặng ôm manh lưới dẫn chúng tôi ra đường lộ. Còn anh, chuẩn bị cho một đêm kiếm cá để sáng hôm sau đắp đổi nồi cơm.